Cụ thể, đến thời điểm này, Cục Quản lý đường bộ I đã thực hiện đấu thấu theo hình thức qua mạng được 40/54 gói thầu; trong đó các gói thầu thực hiện duy tu là 14 gói và các gói thầu thực hiện bảo trì, sửa chữa định kỳ là 40 gói. Dự kiến hết tháng 6 tới sẽ hoàn thành việc chọn các nhà thầu. Tổng kinh phí các gói thầu trên vào khoảng 600 tỷ đồng bao gồm các hoạt động như bảo trì, sữa chữa thường xuyên trong 3 năm tới tại các quốc lộ nằm trải rộng trên địa bàn 24 tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc.
Cũng theo ông Trần Hưng Hà, tất cả các gói thầu trên đều được thực hiện đấu thầu qua mạng đảm bảo tính khách quan và minh bạch. Theo báo cáo chung đến thời điểm này, Cục Quản lý đường bộ I đang dẫn đầu các đơn vị của Tổng cục Đương bộ Việt Nam về tiến độ đấu thầu các gói thầu bảo trì cũng như số tiền giảm giá trung bình các gói từ 7 - 9%. Đây là số tiền được đánh giá là khá cao, qua đó giúp tiết kiệm ngân sách nhà nước.
Theo Cục trưởng Trần Hưng Hà, năm nay mặc dù Tổng cục Đường bộ thực hiện việc điều chuyển một đoạn tuyến của Quốc lộ 38 ủy thác cho tỉnh Hà Nam thực hiện việc quản lý nhưng Cục Quản lý đường bộ I cũng nhận lại một số tuyến trên Quốc lộ 6, đường Hồ Chí Minh qua tỉnh Bắc Kạn nên nhìn chung việc quản lý các quốc lộ hầu như không có thay đổi nhiều.
Liên quan đến việc khiếu nại của Công ty cổ phần Xây dựng đường bộ 248 - Cienco1 về hồ sơ năng lực nhà thầu (liên danh Công ty cổ phần Quản lý thi công xây dựng 101 - Công ty TNHH Đầu tư và Xây dựng công trình giao thông Thành Nam) trúng gói thầu bảo trì cầu Đồng Văn, Quốc lộ 38 (Hà Nam), ông Đinh Công Vương, Giám đốc Trung tâm Kỹ thuật đường bộ I (Cục Quản lý đường bộ I) khẳng định, sau khi nhận được khiếu nại của doanh nghiệp này, đơn vị đã cho rà soát lại một lần nữa hồ sơ dự thầu qua mạng (E-HSDT) và nhận thấy việc đánh giá các E-HSDT của bên mời thầu tuân thủ đúng quy định.
Về khiếu nại của Công ty cổ phần Xây dựng đường bộ 248 về giá dự thầu của liên danh Công ty cổ phần Quản lý thi công xây dựng 101 - Công ty TNHH Đầu tư và Xây dựng công trình giao thông Thành Nam giảm 22% so với giá gói thầu là bất thường, ông Đinh Công Vương cho hay, về giá dự thầu do nhà thầu đề xuất và nhà thầu chịu trách nhiệm hoàn toàn về cơ cấu và con số tạo nên giá dự thầu.
“Chỉ trong trường hợp giá dự thầu thấp bất thường hoặc thấp dưới 50% giá gói thầu, hoặc dự toán được phê duyệt thì trước khi công bố kết quả đấu thầu, chủ đầu tư có thể đưa ra các biên pháp phù hợp như thành lập tổ liên ngành để thẩm định lại hồ sơ dự thầu hoặc đưa ra các biện pháp phù hợp khác để xem xét”, ông Đinh Công Vương cho hay.
Về năng lực thi công của liên danh nhà thầu này, ông Đinh Công Vương cho biết, hai đơn vị này đều là đơn vị bảo trì đã có những công trình tương tự về xây dựng cầu và bảo trì đường bộ nên trong hồ sơ đã chứng minh các đơn vị này có kinh nghiệm và năng lực tham gia gói thầu.
Theo báo cáo của Cục Quản lý đường bô I, trong năm 2020 vừa qua, Cục Quản lý đường bộ I được Bộ Giao thông Vận tải, Tổng cục Đường bộ Việt Nam giao trực tiếp quản lý 17 tuyến quốc lộ với tổng chiều dài trên 1.800 km; thực hiện quản lý nhà nước 21 dự án BOT với tổng chiều dài 612,878 km.
Đặc biệt Cục Quản lý đường bộ I được giao phối hợp với các Sở Giao thông Vận tải trên địa bàn thực hiện chức năng quản lý nhà nước trên 7.000 km đường quốc lộ ủy thác thuộc địa bàn 24 tỉnh. Ngoài ra còn trực tiếp quản lý hệ thống kho vật tư dự phòng của Bộ Giao thông Vận tải, hệ thống các nhà Hạt quản lý trên các tuyến quốc lộ.
Đánh giá về việc áp dụng khoa học công nghệ và cơ giới hóa vào hoạt động bảo trì hệ thống quốc lộ thời gian qua, ông Nguyễn Mạnh Thắng, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho biết, thời gian qua các Cục Quản lý đường bộ; trong đó có Cục Quản lý đường bộ I đã đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ và cơ giới hóa vào hoạt động quản lý, bảo trì quốc lộ. Cụ thể, các đơn vị đã cập nhập, tổ chức số hóa toàn bộ hệ thống lý lịch cầu để quản lý trên máy (trước dây hệ thống lý lịch cầu được quản lý bằng bản giấy); tiếp tục áp dụng có hiệu quả phần mềm quản lý cầu (VBMS) vào các hoạt động quản lý cầu;
“Hiện 100% các nhà thầu quản lý bảo trì quốc lộ, các Chi cục Quản lý đường bộ đã tổ chức áp dụng, nâng cao hiệu quả khai thác phần mềm Quản lý kiểm tra và giám sát bảo trì đường bộ (GOVONE) đến nay việc áp dụng phầm mềm GOVONE đã trở thành nhu cầu thiết yếu trong việc quản lý của các đơn vị”, ông Nguyễn Mạnh Thắng chia sẻ.
Để nâng cao chất lượng bảo trì hệ thống quốc lộ trong thời gian tới, ông Trần Hưng Hà, Cục trưởng Cục Quản lý đường bộ I cho biết, đơn vị tiếp tục tăng cường việc ứng dụng khoa học công nghệ mới trong việc sửa chữa đường bộ; trong đó tiếp tục ưu tiên áp dụng các loại vật liệu mới, ưu tiên áp dụng máy móc thiết bị trong công tác bảo dưỡng thường xuyên với mục tiêu làm tăng năng suất lao động, giảm giá thành…
Ngoài ra, đơn vị cũng tăng cường kiểm soát tải trọng xe, rà soát xóa bỏ các điểm đen, điểm tiềm ẩn tai nạn giao thông phấn đấu “giảm tai nạn giao thông, không còn xe quá tải”.