Sử dụng hiệu quả nguồn vốn bảo trì đường bộ ở Lai Châu

Những năm qua, hệ thống mạng lưới đường bộ ở Lai Châu được đầu tư, nhưng chưa đồng bộ, khả năng khai thác còn hạn chế do địa hình đèo dốc và chịu nhiều tác động của thời tiết mưa lũ nên xuống cấp, hư hỏng.

Trước tình hình trên, tỉnh Lai Châu sử dụng kinh phí từ Quỹ bảo trì đường bộ, kịp thời khắc phục, sửa chữa, nâng cao khả năng khai thác, kéo dài tuổi thọ công trình đường bộ, đảm bảo an toàn giao thông và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. 

Chú trọng đầu tư hiệu quả

Là tỉnh miền núi, biên giới phía Tây Bắc của Tổ quốc, Lai Châu có 7 tuyến quốc lộ đi qua với tổng chiều dài 510km cùng với hệ thống đường tỉnh, đường huyện và đường giao thông nông thôn với tổng chiều dài gần 6.000km, tạo thành mạng lưới giao thông kết nối liên hoàn giữa các vùng, miền.

Theo lãnh đạo UBND tỉnh Lai Châu, mặc dù hệ thống mạng lưới đường bộ của tỉnh đã được đầu tư, nhưng quy mô chưa thực sự đồng bộ, khả năng khai thác còn hạn chế. Đặc biệt do địa hình bị chia cắt bởi nhiều đèo cao, vực sâu, trong mùa mưa lũ thường xuyên bị sạt lở, ách tắc, làm hư hỏng kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, mất an toàn cho người và phương tiện tham gia giao thông. Tỉnh Lai Châu luôn chú trọng nâng cấp, cải tạo, cứng hóa các tuyến đường đảm bảo giao thông đi lại thuận lợi và an toàn. 

Việc kịp thời thực hiện bảo trì, sửa chữa mạng lưới đường bộ đã góp phần duy trì tình trạng kỹ thuật, nâng cao tuổi thọ và khả năng khai thác của các tuyến đường. Đến hết năm 2019, 100% xã trên địa bàn tỉnh Lai Châu có đường ô tô mặt đường được cứng hóa, 91,4% bản có đường xe máy ô tô đi lại thuận lợi. 

Giám đốc Sở Giao thông vận tải tỉnh Lai Châu Phạm Ngọc Phương cho biết, Sở được giao trực tiếp quản lý, bảo trì 510 km của 7 tuyến quốc lộ và 725 km của 16 tuyến đường địa phương. Trong những năm qua, công tác bảo trì đường bộ trên địa bàn tỉnh có sự chuyển biến mạnh mẽ, các điểm đen, điểm tiềm ẩn tai nạn giao thông, các vị trí hư hỏng, xuống cấp trên các tuyến đường trục chính, huyết mạch được sửa chữa kịp thời, với giải pháp đồng bộ về quy mô, kết cấu nhằm đảm bảo an toàn, êm thuận và nâng cao khả năng khai thác một cách rõ rệt, giảm thiểu nguy cơ mất an toàn giao thông.

Chú thích ảnh
Gói thầu có hạng mục thảm bê tông nhựa mặt đường được triển khai trên Quốc lộ 4D địa phận Lai Châu.

Minh bạch, nghiêm ngặt chọn nhà thầu 

Thực hiện kế hoạch bảo trì đường bộ hàng năm, Sở Giao thông vận tải tỉnh Lai Châu đã tổ chức đấu thầu rộng rãi trong nước, qua hệ thống mạng quốc gia để lựa chọn nhà thầu. Năm 2019, số lượng gói thầu xây lắp đấu thầu qua hệ thống mạng quốc gia chiếm 80%, giúp cho các nhà thầu trên cả nước đó điều kiện dễ dàng tiếp cận. Việc đăng tải kế hoạch đấu thầu, hồ sơ mời thầu, hồ sơ dự thầu và các bước đánh giá, làm rõ hồ sơ dự thầu đều được thực hiện thông qua môi trường mạng đảm bảo minh bạch. Các nhà thầu có đủ năng lực về tài chính, máy móc thiết bị, nhân sự và kinh nghiệm thi công trong cả nước đều có thể tham gia dự thầu.

Qua công tác đấu thầu công khai, minh bạch đã lựa chọn được các nhà thầu đáp ứng yêu cầu về năng lực, kinh nghiệm tham gia thi công các công trình đảm bảo chất lượng, tiến độ. Chỉ tính riêng trong năm 2019, công tác đấu thầu các gói thầu thuộc nguồn vốn bảo trì đường bộ của Sở Giao thông vận tải Lai Châu đã tiết kiệm được cho ngân sách Nhà nước gần 2 tỷ đồng.

Có thể khẳng định, nguồn vốn bảo trì đường bộ đã tạo sự thay đổi đáng kể cho bộ mặt giao thông trong tỉnh miền núi, biên giới Lai Châu. Hiệu quả của công tác bảo trì tiết kiệm chi phí xã hội rất lớn, nhất là trong việc tăng khả năng an toàn, giảm tai nạn giao thông, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh quốc phòng của địa phương.

Hoàng Việt
Phê duyệt Nhiệm vụ lập Quy hoạch tỉnh Lai Châu
Phê duyệt Nhiệm vụ lập Quy hoạch tỉnh Lai Châu

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng ký Quyết định số 349/QĐ-TTg phê duyệt Nhiệm vụ lập Quy hoạch tỉnh Lai Châu thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN