Đa dạng sản phẩm, xây dựng thương hiệu muối Ninh Thuận

Ninh Thuận là địa phương có nghề làm muối truyền thống hàng trăm năm nay và hiện là 1 trong 19 tỉnh thành ven biển có diện tích và sản lượng muối lớn nhất cả nước.

  

Chú thích ảnh
Thu hoạch muối tại cánh đồng muối Tri Hải (xã Tri Hải, huyện Ninh Hải, tỉnh Ninh Thuận). 

Để nâng cao giá trị sản phẩm và phát triển nghề muối bền vững, tỉnh đang tập trung đầu tư áp dụng khoa học – công nghệ để nâng cao năng suất, chất lượng, đa dạng hóa sản phẩm nhằm đáp ứng nhu cầu của thị trường.

Với đường bờ biển dài hơn 105 km, nước biển có độ mặn cao, năng lượng bức xạ lớn, nhiều nắng, gió bốc hơi mạnh tạo điều kiện thuận lợi giúp diêm dân phát triển nghề muối. Ông Phan Hồng Hùng (xã Tri Hải, huyện Ninh Hải) có gần 30 năm gắn bó với muối cho biết, đầu vụ bà con diêm dân tiến hành san phẳng, đầm mặt ruộng thật chắc để tạo “lớp da đất” sau đó bơm nước biển vào, chờ nước bốc hơi kết tinh thành hạt. Khoảng 7 ngày sau cào muối. Quy trình làm muối truyền thống lập lại như vậy và chỉ nghỉ làm khi trời mưa bão.  

Gia đình ông Hùng đang sản xuất 5 sào muối (5.000 m2), nhờ thời tiết nắng, gió nhiều giúp nước biển phơi trong ruộng bốc hơi mạnh làm cho hạt muối kết tinh nhanh. Cứ khoảng một tuần lễ ông Hùng thu hoạch được từ 6 - 7 tấn muối, bán cho thương lái với giá bình quân 1.500 đồng/kg, cho doanh thu trên 10 triệu đồng. Thời tiết nắng nhiều nên muối đạt sản lượng cao. Từ đầu năm đến nay, muối bán được giá cao nên diêm dân có nguồn thu nhập khá.

Những năm trở lại đây, chính quyền các địa phương và diêm dân đã đẩy mạnh đầu tư ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, mở rộng diện tích sản xuất muối trải bạt kết tinh để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. Đồng thời, nhân rộng các mô hình liên kết sản xuất muối sạch, thành lập hợp tác xã, tổ hợp tác để hỗ trợ diêm dân trong cung ứng vật tư, bao tiêu sản phẩm.

Chú thích ảnh
Diêm dân xã Nhơn Hải (Ninh Hải, Ninh Thuận) đóng bao muối đưa đi tiêu thụ. 

Ông Trần Thanh - Giám đốc Hợp tác xã sản xuất, kinh doanh, dịch vụ muối Khánh Nhơn (xã Nhơn Hải, huyện Ninh Hải) cho biết, hợp tác xã vận động xã viên nâng cao chất lượng hạt muối qua mỗi vụ; đồng thời lên kế hoạch sản xuất ngay từ đầu vụ để luân phiên thu hoạch, đảm bảo sản lượng đầu ra. Hợp tác xã hiện có 13 thành viên đang liên kết sản xuất muối với diện tích 30 ha trên nền đất và trải bạt. Đồng thời, liên kết thu mua muối của các hộ dân bên ngoài nhằm giúp người dân địa phương có đầu ra ổn định để nâng cao thu nhập.

Hợp tác xã liên kết với các công ty, đơn vị thu mua muối số lượng lớn, không thông qua các thương lái nhỏ lẻ nên giá muối cao hơn so với mặt bằng chung. Hiện tại, muối sản xuất nền đất có giá từ 1,5 – 1,6 triệu đồng/tấn; muối nền bạt từ 1,7 – 1,8 triệu đồng/tấn. Nếu thời tiết thuận lợi, 1 ha muối cho thu hoạch trung bình đạt 15 tấn muối/tuần, khoảng 60 tấn muối/tháng, tính ra với giá bán hiện nay bình quân 1,5 triệu đồng/tấn, diêm dân có doanh thu khoảng 90 triệu đồng/tháng, ông Trần Thanh chia sẻ.

Từ đầu năm đến nay, Hợp tác xã sản xuất, kinh doanh, dịch vụ muối Khánh Nhơn đã thu mua từ các hộ dân với sản lượng gần 50.000 tấn muối. Muối đạt sản lượng cao và đầu ra thuận lợi nên người dân yên tâm sản xuất. Dự kiến, trong năm nay, hợp tác xã sẽ sản xuất, liên kết thu mua trên 100.000 tấn muối cung cấp cho các tỉnh, thành khu vực phía Nam, duyên hải miền Trung, Tây nguyên.

Nghề làm muối ở Ninh Thuận hiện tập trung chủ yếu ở các xã Phương Hải, Tri Hải, Nhơn Hải (huyện Ninh Hải); các xã Cà Ná, Phước Diêm, Phước Minh (huyện Thuận Nam). Theo thống kê, toàn tỉnh hiện có 3.078 ha muối (diện tích muối diêm dân sản xuất 631 ha, muối công nghiệp 2.447 ha); sản lượng muối thu hoạch trong 6 tháng đầu năm 2023 đạt 202.750 tấn (muối diêm dân đạt 125.750 tấn, muối công nghiệp đạt 77.000 tấn). Năm 2023, tỉnh Ninh Thuận đặt chỉ tiêu sản xuất khoảng 300.000 tấn muối các loại.

Chú thích ảnh
Sản xuất muối công nghiệp tập trung tại cánh đồng muối Quán Thẻ (xã Phước Minh, huyện Thuận Nam, tỉnh Ninh Thuận). 

Tuy có nhiều lợi thế để sản xuất muối, nhưng ngành chế biến muối tại Ninh Thuận vẫn chưa phát huy hết thế mạnh vùng nguyên liệu muối của cả nước. Phần lớn nguyên liệu muối được bán thô, sản phẩm muối chế biến của các công ty, cơ sở sản xuất trên địa bàn mới chỉ dừng lại ở mức chế biến đơn giản, lọc bỏ tạp chất, nghiền, xay, sấy, phun iốt… Ninh Thuận đang rất cần đa dạng sản phẩm chế biến sâu để tận dụng hết lợi thế sản xuất muối, nâng cao giá trị gia tăng từ hạt muối cho diêm dân.

Thực hiện Đề án phát triển ngành muối giai đoạn đến năm 2030 của Chính phủ, tỉnh Ninh Thuận đặt mục tiêu đến năm 2025 nâng diện tích sản xuất muối lên 3.267 ha, sản lượng đạt 550.000 tấn/năm; trong đó, diện tích sản xuất muối kết tinh trên nền trải bạt 200 ha, sản lượng đạt 150.000 tấn; sản lượng muối chế biến đạt 100.000 tấn. Đến năm 2030, toàn tỉnh duy trì ổn định diện tích đất sản xuất muối với 3.267 ha, sản lượng đạt 650.000 tấn/năm.

Ông Lê Huyền - Phó chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận cho biết, địa phương đang tập trung thu hút các nguồn lực đầu tư phát triển diện tích sản xuất muối quy mô công nghiệp; áp dụng khoa học công nghệ, thực hiện cơ giới hóa trong sản xuất, nhất là khâu thu hoạch và rửa muối sau thu hoạch, tăng năng suất sản xuất muối tối thiểu 30%, chất lượng muối ổn định; đáp ứng nhu cầu của các ngành công nghiệp và tận thu sản phẩm phụ thạch cao và nước ót.

Tỉnh giao các đơn vị chuyên môn nghiên cứu hoàn thiện quy trình sản xuất muối theo hướng cơ giới hóa, hiện đại hóa, giảm tổn thất sau thu hoạch, đồng bộ từ khâu cung cấp nước biển đến thu hoạch, rửa và đánh đống bảo quản muối; nghiên cứu giải pháp ứng phó với biến đổi khí hậu; ứng dụng công nghệ mới, công nghệ thông tin trong việc đo và xử lý số liệu về nồng độ nước biển, bức xạ nhiệt, gió trong quá trình sản xuất muối.

Chú thích ảnh
Sản phẩm chế biến từ muối bày bán tại Hợp tác xã tổng hợp nông nghiệp 3 Hưng (xã Nhơn Hải, huyện Ninh Hải, tỉnh Ninh Thuận). 

Nhằm thúc đẩy nghề muối phát triển vững, tỉnh Ninh Thuận chú trọng đầu tư cơ sở hạ tầng các cánh đồng sản xuất muối quy mô công nghiệp đáp ứng nhu cầu ngành công nghiệp hóa chất, nguyên liệu cho chế biến muối tinh cao cấp. Đối với sản xuất muối thủ công sẽ tập trung đầu tư cải tạo, nâng cấp cơ sở hạ tầng, kiên cố hóa hệ thống thủy lợi đồng muối; hỗ trợ diêm dân vay vốn để đầu tư chuyển đổi sản xuất muối truyền thống sang áp dụng công nghệ trải bạt trên nền ô kết tinh để mang lại năng suất, chất lượng cao.

Theo ông Lê Huyền, tỉnh tiếp tục nhân rộng mô hình liên kết sản xuất muối theo tổ hợp tác, hợp tác xã; tập huấn, bồi dưỡng kỹ thuật sản xuất muối, chế biến muối; hỗ trợ đầu tư hệ thống thiết bị chế biến để đa dạng hóa các sản phẩm từ muối; hỗ trợ phân tích chất lượng muối, mẫu mã, bảo hộ thương hiệu cho các cơ sở sản xuất chế biến muối vừa và nhỏ đáp ứng nhu cầu thị trường. Đồng thời, tỉnh khuyến khích các địa phương bảo tồn và phát triển làng nghề sản xuất muối truyền thống, gắn với hoạt động du lịch tham quan, trải nghiệm sản xuất muối.

Thời gian tới, Ninh Thuận tiếp tục kêu gọi nhà đầu tư, doanh nghiệp xây dựng nhà máy chế biến muối, sản xuất hóa chất sau muối tại tỉnh; xây dựng nhiều thương hiệu sản phẩm muối; tăng cường xúc tiến thương mại giới thiệu sản phẩm sau muối để mở rộng thị trường tiêu thụ nhằm góp phần đảm bảo sinh kế bền vững, nâng cao thu nhập cho diêm dân.

Bài và ảnh: Nguyễn Thành (TTXVN)
Nâng tầm muối Việt 
Nâng tầm muối Việt 

Làm muối là một nghề truyền thống có từ lâu đời ở Việt Nam. Nó là sản phẩm quan trọng, thiết yếu trong đời sống hàng ngày, nhưng nghề này lại ngày một bị co hẹp, diêm dân ngày càng muốn bỏ nghề. Do vậy, để nâng tầm muối Việt, thì việc đổi mới công nghệ, đa dạng hóa sản phẩm, giúp người tiêu dùng hiểu đúng về các sản phẩm muối… là những giải pháp được các chuyên gia, doanh nghiệp đưa ra.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN