Xã Bạch Long, huyện Giao Thuỷ được coi là vựa muối lớn nhất tại tỉnh Nam Định với diện tích trên 60 ha. Những ngày tháng 7, thời tiết miền biển trời nắng như đổ lửa, nhưng mới hơn 14h trên cánh đồng muối đã đông kín diêm dân hăng say sản xuất.
Bà Nguyễn Thị Ngọ người dân xã Bạch Long cho biết, người dân nơi này chỉ thích nắng, nắng càng to thì lượng muối sản xuất càng được nhiều để có thu nhập tốt. Từ đầu vụ đến nay giá muối luôn giữ ổn định thậm chí còn nhỉnh hơn so với mọi năm nên người làm muối cũng vui hơn.
Vụ muối năm nay, gia đình bà Ngọ nhận làm gần 4 sào muối ( khoảng 1.400 m2). Do vẫn sản xuất muối theo cách truyền thống, hai ông bà phải dậy từ lúc 5h sáng để xe cát. Cát mặn phơi dưới nắng mặt trời được trải vào đồng rồi tưới nước biển, sau đó chờ muối kết tinh. Nếu làm tích cực, một ngày hai người có thể làm được hơn 2 tạ muối. Với giá bán từ 2.500-3.000 đồng/kg sẽ cho thu nhập khoảng 400.000 đồng.
Các diêm dân tại đây cho biết, lâu lắm rồi muối mới có giá ổn định từ đầu đến cuối vụ như năm nay. Những năm trước, giá muối chỉ từ 1.100 - 1.200 đồng/kg; thậm chí có thời điểm giá tụt xuống 800 - 900 đồng/kg. Năm nay giá muối tăng cao, được thương lái săn đón thu mua ngay tại ruộng, các diêm dân rất phấn khởi, nhiều ruộng muối trước kia bị bỏ hoang nay đã được sản xuất trở lại.
Ông Nguyễn Văn Đức, người làm muối có thâm niên tại xã Bạch Long cho biết, thời tiết ủng hộ, sản lượng muối làm ra cũng nhiều hơn. Trung bình mỗi ngày, một người có thể làm ra từ 80 kg đến 1 tạ muối, thậm chí người khoẻ có thể làm được nhiều hơn. Với giá bán như hiện tại, người làm muối sẽ có thu nhập từ 150.000 - 250.000 nghìn đồng/ngày. Nhờ có đầu ra ổn định, nhiều người trong xã cũng quay trở lại với nghề này.
Theo ông Phạm Văn Quang - Phó Chủ tịch UBND xã Bạch Long, sản lượng muối của toàn xã năm nay cao hơn so với các năm trước, ước tính sẽ dao động từ 5.200 - 5.600 tấn. Để gia tăng giá trị cho hạt muối góp phần nâng cao thu nhập cho bà con diêm dân, địa phương đã liên kết với 6 công ty, doanh nghiệp trên địa bàn tham gia tiêu thụ muối cho người dân. Hiện cũng đã có 7 sản phẩm muối được công nhận là sản phẩm OCOP đạt hạng 3 sao cấp tỉnh.
Trong nỗ lực duy trì nghề muối và cải thiện đời sống diêm dân, huyện Giao Thuỷ đã xây dựng mô hình sản xuất muối sạch cho hiệu quả về năng suất, giá trị kinh tế cao hơn 30-40% so với phương pháp sản xuất truyền thống. Ngoài ra, huyện cũng thường xuyên tổ chức các lớp phổ biến kiến thức về an toàn thực phẩm, sản xuất muối sạch, đào tạo chương trình quản lý chất lượng trong sản xuất, kinh doanh muối cho diêm dân, chủ doanh nghiệp chế biến muối.
Ông Trần Xuân Sinh - Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Giao Thuỷ cho biết, ngoài việc vận động người dân ứng dụng khoa học và công nghệ trong sản xuất muối, cải tạo hạ tầng nội đồng để giảm sức lao động. Địa phương cũng đã hỗ trợ một số doanh nghiệp, hợp tác xã tham gia các hội chợ, hội thảo, phiên chợ giới thiệu nông sản an toàn, sản phẩm OCOP để góp phần nâng cao chất lượng, uy tín của sản phẩm muối Nam Định.