Giàn khoan dầu của Đơn vị GSF Galaxy III được nhìn từ Cromarty Firth, phía bắc Inverness, Scotland ngày 21/4. Ảnh: AFP/TTXVN |
Cụ thể, tại New York, giá dầu ngọt nhẹ Mỹ (WTI) giao tháng 8/2016 tăng 1,52 USD lên 47,85 USD/thùng. Trong khi đó, tại London, giá dầu Brent Biển Bắc giao cùng kỳ hạn cũng tăng 1,42 USD lên 48,58 USD/thùng.
Vậy là cơn dư chấn về quyết định lịch sử của người dân Anh chọn rời Liên minh châu Âu (EU) – nhân tố gây ra cú sốc liên hoàn trên các thị trường chứng khoán, tiền tệ và hàng hóa thời gian vừa qua phần nào đã lắng dịu.
Giá dầu trong phiên này được hưởng lợi từ xu hướng giảm giá của đồng USD, giúp “vàng đen” được định giá bằng đồng bạc xanh trở nên rẻ hơn, qua đó đẩy tăng nhu cầu dầu mỏ.
Một nhân tố khác chi phối diễn biến thị trường năng lượng trong phiên này được cho là tâm lý lo ngại của giới đầu tư về khả năng diễn ra các cuộc đình công trong ngành công nghiệp dầu mỏ tại Na Uy, có thể làm ảnh hưởng tới khoảng 20% sản lượng khai thác dầu tại nước này.
Chứng khoán Phố Wall phục hồiTrong phiên giao dịch cùng ngày, chứng khoán Phố Wall phục hồi, trong bối cảnh các nhà đầu tư thúc đẩy hoạt động mua vào cổ phiếu giá rẻ, sau khi thị trường liên tục đi xuống trong hai phiên trước do kết quả Brexit.
Chốt phiên này, chỉ số công nghiệp Dow Jones tăng 269,48 điểm (1,57%) lên 17.409,72 điểm, chỉ số S&P 500 tăng 35,55 điểm (1,78%) lên 2.036,09 điểm; còn chỉ số Nasdaq Composite tăng 97,42 điểm (2,12%) lên 4.691,87 điểm.
Ước tính, khoảng 3.000 tỷ USD đã “bốc hơi” khỏi thị trường chứng khoán toàn cầu trong hai phiên trước, sau khi đa số cử tri Anh bỏ phiếu ủng hộ nước này rời Liên minh châu Âu (EU). Tuy nhiên, đến phiên 28/6, số liệu tích cực về kinh tế Mỹ đã giúp ổn định thị trường chứng khoán nước này.
Thống kê cho thấy kinh tế Mỹ tăng trưởng chậm lại trong quý I/2016, song không “quá tệ” như dự kiến trước đó. Một báo cáo của Conference Board - tổ chức nghiên cứu kinh tế hàng đầu thế giới có trụ sở tại New York (Mỹ) - cho thấy trong tháng 6/2016, lòng tin tiêu dùng đã tăng lên mức cao nhất trong tám tháng.
Nhà đầu tư chốt lời, giá vàng đi xuốngTrong khi đó, kết thúc phiên giao dịch ngày 28/6, giá vàng thế giới mất hơn 1% do xu hướng bán tháo chốt lời của giới đầu tư sau khi chứng kiến hai phiên đi lên mạnh mẽ nhất của giá kim loại quý này kể từ cuối năm 2008 nhờ tác động của kết quả cuộc bỏ phiếu trưng cầu dân ý về tư cách thành viên Liên minh châu Âu (EU) của Vương quốc Anh.
Cuối tuần trước, giá vàng đã vọt lên mức đỉnh của hơn hai năm qua (1.358,20 USD/ounce) sau khi cuộc trưng cầu tại Anh kết thúc với kết quả là đa số người dân nước này lựa chọn rời khỏi EU (Brexit). Đáng chú ý, giá vàng tính theo đồng euro và đồng bảng Anh đã xác lập mức cao nhất của hơn ba năm. Tuy nhiên, giá vàng cũng nhanh chóng rời khỏi các mức đỉnh này.
Vào lúc 2 giờ 15 phút sáng ngày 29/6 (giờ Việt Nam), giá vàng giao ngay hạ 1%, xuống 1.311,60 USD/ounce, song vẫn cao hơn mức thấp nhất được ghi nhận trong phiên là 1.305,23 USD/ounce. Kim loại quý này đang hướng tới mức tăng 8% trong cả tháng 6. Giá vàng giao tháng 8/2016 cũng hạ 0,5% trong phiên này, xuống 1.317,90 USD/ounce, giữa bối cảnh thị trường chứng khoán toàn cầu, cùng đồng bảng Anh và đồng euro có xu hướng phục hồi.
Trong những phát biểu mới đây, các nhà lãnh đạo EU đã đề nghị nước Anh nhanh chóng giải quyết những bất ổn về chính trị và kinh tế do quyết định Brexit gây ra - một sự kiện được Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cho là sẽ tạo sức ép lên đà tăng trưởng kinh tế toàn cầu.
Trong ngày 27/6, lượng vàng do SPDR Gold Trust - quỹ giao dịch vàng lớn nhất thế giới - nắm giữ đã tăng lên mức cao nhất kể từ tháng 7/2013.