EU chưa thương lượng Brexit đến khi Anh nộp đơn

Lãnh đạo Đức, Pháp và Italy nhất trí sẽ không tiến hành các thảo luận với Anh về Brexit cho đến khi nào Anh chính thức đệ trình đơn rút khỏi EU.

Thủ tướng Đức Angela Merkel (giữa), Tổng thống Pháp Francois Hollande (trái), Thủ tướng Italy Matteo Renzi tại cuộc họp báo trước cuộc họp. Ảnh: EPA/TTXVN

Chiều 27/6, Thủ tướng Đức Angela Merkel, Tổng thống Pháp François Hollande và Thủ tướng Italy Matteo Renzi đã có cuộc gặp tại Berlin. Tại cuộc gặp, ba nhà lãnh đạo nhất trí sẽ không tiến hành các thảo luận với Anh về vấn đề Brexit cho đến khi nào Anh chính thức đệ trình đơn xin rút khỏi Liên minh châu Âu (EU).

Thủ tướng Đức cho biết bà đã nhất trí với các nhà lãnh đạo Pháp và Italy rằng sẽ không có cuộc thảo luận nào về các mối quan hệ trong tương lai với Anh cho đến sau khi nước này chính thức thông báo với EU về kế hoạch rời khỏi khối này. Ngoài ra, bà cũng cho biết ba nhà lãnh đạo thống nhất rằng Điều 50 của Hiệp ước Lisbon phải được kích hoạt.

Tổng thống Pháp thì thẳng thắn nói rằng hối thúc Anh không lãng phí thời gian trong việc khởi động tiến trình rút khỏi EU, bởi tất cả các bên cùng có lợi khi hành động nhanh chóng.

Tại cuộc gặp, ba nhà lãnh đạo đã cùng hối thúc EU cần một “động lực mới” sau khi người dân Anh bỏ phiếu ủng hộ Brexit, cũng như phải thay đổi phong cách làm việc của khối. Các nội dung đề xuất cụ thể của Đức, Pháp, Italy liên quan đến vấn đề này sẽ được đưa ra trong cuộc họp thượng đỉnh EU trong hai ngày 28-29/6.

Phát biểu tại buổi họp báo sau khi kết thúc cuộc họp, Tổng thống Pháp Hollande cho rằng điều quan trọng nhất lúc này với EU chính là sự đoàn kết và một sự rõ ràng trong quan điểm về vấn đề Brexit. Trong khi đó, theo Thủ tướng nước chủ nhà, trong những tháng tới, EU sẽ phải từng bước có được những giải pháp cụ thể mới trong hàng loạt vấn đề như chính sách an ninh - quốc phòng, cuộc chiến chống khủng bố, tạo việc làm, tăng trưởng và khả năng cạnh tranh của nền kinh tế EU. Thủ tướng Italy thì cho rằng EU đang phải bước sang một trang mới sau sự kiện Brexit, trong đó EU sẽ phải thay đổi nhiều vấn đề.

Liên quan đến vấn đề Brexit, Bộ trưởng Tài chính Đức Wolfgang Schäuble tối 27/6 cho rằng quyết định Brexit sau cuộc trưng cầu dân ý là không thể đảo ngược. Theo ông Schäuble, Anh nên nộp đơn chính thức rời khỏi EU càng sớm càng tốt. Ông này cũng cho rằng, cho tới nay chưa có sự hỗn loạn trên các thị trường tài chính sau vụ Brexit, song Chính phủ Đức sẽ tiếp tục theo dõi sát sao mọi diễn biến. Ông cho rằng điều quan trọng lúc này là cần phải hành động khôn ngoan và cẩn trọng nhằm hạn chế tối đa những tổn thất có thể xảy ra.

Trong khi đó, Trưởng đoàn đại biểu đảng Liên minh Dân chủ cơ đốc giáo (CDU) của Thủ tướng Đức Merkel, ông Volker Kauder, nói rằng cần tiến hành đàm phán công bằng việc Anh rời EU để EU vẫn có thể hợp tác với Anh bởi nước này vẫn sẽ là đối tác trong tương lai. Chính trị gia CDU cũng cho rằng Anh là đối tác kinh tế và thương mại quan trọng của Đức, đặc biệt trong ngành công nghiệp ôtô, và điều quan trọng trong việc tiến hành các cuộc đàm phán về Brexit là tiếp tục các mối quan hệ tốt đẹp đó.

Về phía Anh, Bộ trưởng Tài chính George Osborne trước đó nói rằng nước này sẽ chỉ kích hoạt Điều 50 của Hiệp ước Lisbon khi có tầm nhìn rõ ràng về quan hệ tương lai với EU.

Lê Minh (Tổng hợp)
Ai hưởng lợi lớn nhất từ Brexit?
Ai hưởng lợi lớn nhất từ Brexit?

Việc Anh rút khỏi Liên minh châu Âu (EU) đang gây ra rất nhiều tổn thất: thị trường tài chính London chao đảo, Thủ tướng Anh David Cameron từ chức, đồng bảng lao dốc, nền tảng hợp nhất của châu Âu bị lung lay… Tuy nhiên giữa những mất mát, có một bên được xem là sẽ hưởng lợi lớn: đó là Trung Quốc.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN