Phát biểu tại buổi họp báo, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Vũ Đại Thắng nhấn mạnh, hội nghị đối thoại với doanh nghiệp được ví như là "Hội nghị Diên Hồng" được Thủ tướng tổ chức thường niên ngay từ đầu nhiệm kỳ. Đây là hội nghị lần thứ 4 Thủ tướng trực tiếp với doanh nghiệp.
“Sau khi lắng nghe những kiến nghị, khó khăn từ cộng đồng doanh nghiệp đưa ra tại các cuộc đối thoại, Thủ tướng sẽ đưa ra nhiều quyết sách quan trọng để cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh.”, Thứ trưởng Thắng nhấn mạnh.
Hội nghị hướng tới một số mục tiêu chính là động viên cộng đồng doanh nghiệp trong thời điểm hoạt động sản xuất kinh doanh chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch COVID-19: ghi nhận nỗ lực vượt khó, tự cường của cộng đồng doanh nghiệp trong thời gian qua.
Đồng thời, hội nghị khơi dậy, thúc đẩy tinh thần đoàn kết, nỗ lực của doanh nghiệp cùng Chính phủ nắm bắt cơ hội, vượt qua khó khăn, phục hồi và phát triển sản xuất kinh doanh, ổn định việc làm cho người lao động, góp phần đảm bảo an sinh xã hội, phát triển kinh tế đất nước.
Hội nghị cũng thể hiện sự cam kết đồng hành và chia sẻ mạnh mẽ từ Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ với cộng đồng doanh nghiệp; lắng nghe ghi nhận các giải pháp, sáng kiến của doanh nghiệp. Đồng thời, tiếp tục nỗ lực thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn, nắm bắt cơ hội, hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi và phát triển sản xuất kinh doanh.
Ông Lê Mạnh Hùng, Cục trưởng Cục phát triển doanh nghiệp cho biết, với mục tiêu trên, hội nghị dự kiến tập trung thảo luận 4 nhóm vấn đề. Thứ nhất là đánh giá chung về ảnh hưởng của dịch COVID -19 đến hoạt động sản xuất kinh doanh của cộng đồng doanh nghiệp; ghi nhận và khích lệ các nỗ lực vượt khó, tự cường, tự lực, hỗ trợ lẫn nhau, trách nhiệm xã hội, đồng hành cùng Chính phủ của các doanh nghiệp trong quá trình phòng chống dịch COVID-19.
Hai là đánh giá tác động và khả năng hấp thụ các chính sách đã được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các Bộ, ngành, địa phương ban hành nhằm hỗ trợ doanh nghiệp ứng phó với dịch COVID-19 và duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh thời gian qua.
Ba là, nhận định các cơ hội và thời cơ phát triển trong bối cảnh mới và thay đổi lớn do ảnh hưởng từ đại dịch COVID-19; khuyến khích doanh nghiệp tái cấu trúc, chủ động sáng tạo phát hiện cơ hội mới, thích ứng với hoàn cảnh mới, nâng cao năng lực công nghệ, đổi mới phương thức sản xuất kinh doanh để ứng phó linh hoạt với tác động của dịch COVID-19, nắm bắt cơ hội nhằm hướng tới phát triển bền vững hơn, từng bước tạo tính tự chủ cho nền kinh tế.
Bốn là, các bộ, ngành , địa phương và đặc biệt là cộng đồng doanh nghiệp nêu sáng kiến, kiến nghị, đề xuất với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ các giải pháp cần thiết để hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi và phát triển sau đại dịch.
Các nội dung thảo luận tập trung đó là, hình thành chuỗi liên kết, chuỗi cung ứng mới trong bối cảnh "đứt gãy" các chuỗi cung ứng truyền thống; chủ động và khai thác hiệu quả thị trường trong nước trong khi thị trường thế giới đang giảm mạnh cả phía cung và phía cầu; chủ động các nguồn cung ứng vật liệu trong nước để chủ động trong sản xuất kinh doanh; cơ hội cho những ngành, nghề, sản phẩm có tiềm năng như kinh tế số, chuyển đổi số, trang thiết bị, sản phẩm y tế…
“Thủ tướng Chính phủ sẽ tổng kết các sáng kiến, đề xuất của cộng đồng doanh nghiệp, chuyên gia, người dân để nghiên cứu ban hành Kế hoạch hành động hành động hoặc Nghị quyết của Chính phủ nhằm phục hồi nền kinh tế, thích ứng, đổi mới và phát triển.”, Thứ trưởng Vũ Đại Thắng nhấn mạnh.