Vậy đâu là các giải pháp để Việt Nam có thể ứng phó hiệu quả trước biến động giá dầu? Phóng viên TTXVN đã phỏng vấn ông Đoàn Tiến Quyết, chuyên gia cao cấp của Viện Dầu khí Việt Nam (VPI) xung quanh vấn đề này.
Giá dầu thế giới trong năm 2021 đã tăng mạnh nhất trong vòng 12 năm trở lại đây, vậy thì đâu là những yếu tố chủ chốt khiến cho giá dầu tăng mạnh đến như vậy?
Năm 2021, một số định chuẩn dầu thô thế giới như Brent có giá bình quân năm lên tới 71 đôla Mỹ (USD)/thùng, cao hơn 50% so với năm 2020.
Có một số nguyên nhân chính ảnh hưởng đến xu hướng tăng giá dầu thế giới trong năm 2021. Nguyên nhân đầu tiên là về địa chính trị năm 2021. Cụ thể, ngày đầu năm 2021, việc chuyển giao quyền lực của Nhà Trắng sang Tổng thống Joe Biden diễn ra tương đối thuận lợi, đã tác động tích cực đến thị trường kinh tế tài chính toàn cầu và giá dầu thô đầu năm 2021.
Bên cạnh đó, việc khống chế dịch bệnh COVID-19 lây lan cũng có những kết quả tích cực, đặc biệt là quá trình tiêm chủng tại các nước lớn như Mỹ hay Trung Quốc. Đây là yếu tố quan trọng giúp các nền kinh tế trở lại trạng thái bình thường mới và do vậy làm gia tăng nhu cầu dầu thô từ mức khoảng 88 triệu thùng/ngày (năm 2020) lên 96 triệu thùng/ngày (năm 2021).
Cùng đó, tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và các đối tác (OPEC+), Nga đã kiểm soát nguồn cung tốt thông qua việc thực hiện nghiêm cam kết cắt giảm sản lượng với mức độ tuân thủ cắt giảm sản lượng của OPEC+ trong năm 2021 lên tới 113 %, thậm chí lên tới 115% vào cuối năm 2021. Thêm vào đó, sản lượng khai thác dầu thô của Libya bị sụt giảm đột ngột. Đấy là những yếu tố hỗ trợ cho giá dầu tăng.
Trong năm 2021, dự trữ từ các kho dầu chiến lược của các quốc gia trên thế giới dần giảm xuống do nhu cầu dầu thô tăng lên, cũng tác động tích cực đến xu hướng giá dầu năm 2021.
Ngoài ra, lạm phát cũng là một yếu tố tác động, trong đó giá dầu tác động lên lạm phát và ngược lại lạm phát cũng tác động lên giá dầu và chính sự tác động hai chiều này đã đẩy giá dầu lên mức rất cao trong năm 2021.
Theo ông mức tăng 50% của giá dầu thế giới trong năm 2021 đã tác động như thế nào đến các nền kinh tế trên thế giới, nhất là các nền kinh tế mà có cái nhu cầu lớn về dầu thô như Mỹ, Trung Quốc và Liên minh châu Âu (EU)?
Dầu thô là đầu vào để sản xuất ra các thành phẩm như xăng, dầu, là đầu vào nhiên liệu của nhiều ngành sản xuất, giao thông vận tải.
Vì vậy, việc tăng giá dầu thô ảnh hưởng trực tiếp đến việc tăng giá xăng dầu thành phẩm, từ đó tác động rất lớn đến chỉ số giá tiêu dùng, lạm phát.
Thực tế là giá dầu thô tăng cao đã ảnh hưởng lớn đến nền kinh tế thế giới. Với kinh tế Mỹ, Trung Quốc hay EU, giá dầu tăng đã khiến lạm phát tại các quốc gia này tăng cao. Giá các hàng hóa có liên quan đã tăng rất nhanh, ví dụ giá phân bón các loại trong năm 2021 đã tăng bình quân 2,5 lần; giá dịch vụ như cước phí vận chuyển tăng lên mức cao nhất trong 13 năm lại đây… Theo đó, mặt bằng giá của thế giới đã bị thay đổi theo chiều hướng tăng rất cao, ít nhất là từ một đến hai lần.
Đấy là những tác động rõ ràng nhất của việc tăng giá xăng dầu đến toàn bộ tổng thể nền kinh tế thế giới cũng như các nền kinh tế lớn trên thế giới.
Nhiều tổ chức quốc tế cho rằng khủng hoảng năng lượng thế giới vẫn tiếp diễn trong năm 2022 do dự trữ dầu bị thu hẹp, năng lực sản xuất hạn chế trong khi nhu cầu nhiên liệu toàn cầu vẫn tăng mạnh do nền kinh tế thế giới bắt đầu phục hồi nhanh chóng. Vậy quan điểm của ông về dự báo này như thế nào?
Ở góc độ những người nghiên cứu, tôi cho rằng giá năng lượng năm 2022 sẽ ở mức rất cao nhưng liệu thế giới có lâm vào cuộc khủng hoảng năng lượng hay không thì vẫn còn quá sớm để có câu trả lời chính xác.
Hiện Viện Dầu khí Việt Nam (VPI) cũng có những mô hình đánh giá cụ thể dựa trên các công cụ học máy, trí tuệ nhân tạo, từ đó đưa ra các phần mềm để dự báo và những kết quả dự báo.
Theo đánh giá của VPI, giá dầu năm 2022 có thể chạm ngưỡng ba con số, tức là sẽ có thời điểm giá dầu sẽ vượt mức 100 USD/thùng, nhất là trong giai đoạn của quý I và đầu quý II khi mà tình hình dịch bệnh được cải thiện cũng như là khi dự trữ dầu thô tại các nước lớn như Mỹ và Trung Quốc, EU có thể sụt giảm nhanh. Hiện lượng dầu thô dự trữ của Mỹ chỉ hơn 500 triệu thùng/ngày, mức thấp nhất trong vòng 10 năm qua.
VPI cho rằng giai đoạn nửa đầu năm 2022, giá dầu thô có thể ở mức trên 80 USD/thùng. Giai đoạn nửa sau của năm 2022, giá dầu sẽ ở mức độ ổn định hơn khi các nền kinh tế đã cơ bản khống chế được dịch bệnh, các vấn đề liên quan đến logistics được đảm bảo cũng như các nền kinh tế bắt đầu có những chính sách liên quan đến tài khóa thực chất hơn và các dòng chảy tiền tệ có thể được luân chuyển một cách hợp lý giữa các nền kinh tế. Vì vậy, giá dầu thô khi đó có thể dao động ở mức trên 78 USD/thùng hoặc có thể cao hơn một chút.
Thưa ông, Việt Nam vừa là nước xuất khẩu dầu thô nhưng cũng phải nhập khẩu dầu thô và một phần nhiên liệu thành phẩm. Vậy Việt Nam cần có sự chuẩn bị như thế nào để có thể thích ứng với dự báo giá dầu sẽ tăng trong năm 2022?
Để thích ứng được những biến động của giá dầu dự báo tăng cao trong năm 2022, Việt Nam cần tập trung vào các giải pháp chính. Thứ nhất, hiện Việt Nam đã có dự trữ quốc gia về dầu mỏ và các sản phẩm. Vì vậy, trong giai đoạn giá dầu cao, Việt Nam có thể học tập các nước lớn trên thế giới bán dầu dự trữ chiến lược hoặc là thương mại để bình ổn thị trường để tăng thu ngân sách, đảm bảo điều tiết thị trường. Còn khi thị trường biến động giảm, có thể mua vào để gia tăng trữ. Đây là bài toán kinh tế để đảm bảo hiệu quả tối ưu.
Bên cạnh đó, nâng cao hơn nữa việc dự báo chính là một giải pháp quan trọng để ứng phó với biến động giá dầu. Thực tế là năm 2021, giá dầu thế giới đã tăng 50 % trong khi giá dầu kế hoạch được thông qua thấp hơn rất nhiều.
Hiện VPI đang triển khai áp dụng trí tuệ nhân tạo, các phần mềm hiện đại dự báo giá dầu tương đối chính xác để có thể lập kế hoạch hiệu quả hơn; từ đó xây dựng phương án phân bổ về nguồn vốn cũng như ngân sách hợp lý và hài hòa hơn nữa.
Giải pháp thứ ba chính là áp dụng công cụ phái sinh đối với thị trường dầu thô. Hiện nay Việt Nam mới có thị trường giao dịch vật chất chất mà chưa xây dựng được thị trường tương lai (thị trường trường phái sinh). Đây là các công cụ hiện đại để có thể ứng phó với biến động giá dầu khá hiệu quả. Vì vậy, Việt Nam cần sớm nghiên cứu xây dựng những chế tài, quy định, lộ trình cụ thể phát triển thị trường tương lai đối với các sản phẩm dầu thô và các cái sản phẩm năng lượng khác; từ đó giúp tăng thêm chất lượng trong mua bán dầu và quản lý rủi ro.
Xin cảm ơn ông!