Song, các nhà đầu tư vẫn tỏ ra thận trọng trước cuộc họp của Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ và các đồng minh (OPEC+) vào cuối ngày.
Vào lúc 14 giờ 43 phút giờ Việt Nam, giá dầu Brent tăng 11 xu Mỹ (0,1%) lên 89,27 USD/thùng, sau khi giảm 10 xu Mỹ trong phiên trước. Trong khi đó, giá dầu ngọt nhẹ Mỹ (WTI) tăng 14 xu Mỹ (0,2%) lên 88,34 USD/thùng, sau mức tăng 5 xu Mỹ trong phiên trước.
Nguồn cung toàn cầu thắt chặt và căng thẳng địa chính trị ở Đông Âu và Trung Đông đã thúc đẩy giá dầu tăng khoảng 15% kể từ đầu năm 2022 đến nay. Cuối tuần trước, giá dầu đã tăng lên mức cao nhất kể từ tháng 10/2014, với dầu Brent chạm mốc 91,70 USD/thùng còn giá dầu WTI tăng lên 88,84 USD/thùng.
Viện Dầu mỏ Mỹ cho biết trong tuần kết thúc vào ngày 28/1, dự trữ dầu thô của Mỹ giảm 1,6 triệu thùng, trái với ước tính tăng 1,5 triệu thùng của các nhà phân tích trước đó.
Theo chuyên gia Satoru Yoshida của công ty môi giới chứng khoán Rakuten Securities (Nhật Bản), dự trữ dầu thô của Mỹ giảm là nhân tố hỗ trợ giá “vàng đen”. Chuyên gia này dự báo OPEC+ có thể giữ nguyên chính sách sản lượng dầu, điều này đồng nghĩa với việc tình trạng thiếu hụt nguồn cung và xu hướng tăng giá của dầu mỏ sẽ tiếp tục.
Dự kiến, OPEC+ sẽ tuân thủ chính sách tăng dần sản lượng hiện nay tại cuộc họp diễn ra vào ngày 2/2. Hiện OPEC+ đang duy trì kế hoạch nâng sản lượng thêm 400.000 thùng mỗi ngày kể từ tháng Tám năm ngoái. Tuy nhiên, ngân hàng Goldman Sachs (Mỹ) cho rằng đà phục hồi của thị trường dầu mỏ có thể thúc đẩy OPEC+ tăng sản lượng nhanh hơn.