Chung quy chỉ tại mẫu mã kém

Trong những tháng gần đây, liên tiếp các hội chợ hàng thủ công mỹ nghệ được tổ chức tại Hà Nội và vùng lân cận, nhằm quảng bá, xúc tiến thương mại mặt hàng này. Tuy nhiên, chỉ có ngày khai mạc, lượng khách đến đông, còn các ngày sau đó đều rất vắng khách.


Một trong những nguyên nhân khiến sản phẩm làng nghề truyền thống khó tìm được chỗ đứng trên thị trường là do đơn điệu, ít mẫu mã và thiếu bản sắc…


 

Nghệ nhân Việt Nam tìm hiểu nguyên liệu mây tre được đem đến từ Nhật Bản.

Bà Vũ Thị Thông, 76 tuổi, làng Tri Lễ, xã Tân Ước (Thanh Oai), một nghệ nhân làm nón cho biết: “Từ bé chúng tôi đã được chỉ dẫn làm nghề, nhưng chủ yếu thiên về kỹ thuật. Đó là những sản phẩm ai cũng làm được nhưng do mẫu mã cũ, đơn giản nên giá trị kinh tế thấp. Những mặt hàng có mẫu mã đẹp và chất lượng vẫn chưa được quan tâm. Một số mẫu mã mới du nhập gần đây chủ yếu do đối tác nước ngoài đặt hàng, chúng tôi chỉ làm công, giá cả bán trên thị trường bao nhiêu không rõ. Một số mẫu mã do nghệ nhân thiết kế cần phải có thời gian để tham khảo thị trường, nhưng khi được chấp nhận thì dễ bị bắt chước, khó giữ bản quyền”.


Người dân làng nghề đều hiểu rằng sự cải tiến mẫu mã sẽ quyết định tương lai làng nghề. Tuy nhiên các cơ sở làng nghề nhỏ lẻ nên chủ yếu làm kỹ thuật đơn thuần, giá trị kinh tế thấp. Để chủ động được thị trường cần có đơn vị tạo mẫu, thiết kế mẫu và xây dựng thương hiệu làng nghề, điều này phải có người tổ chức và cấp chính quyền định hướng.


Nắm bắt nhu cầu này, mới đây, Sở Công Thương Hà Nội đã mở lớp tập huấn nâng cao năng lực thiết kế kiểu dáng, mẫu mã xuất khẩu, trước hết là mặt hàng mây tre đan. Khác với các lớp tập huấn trước, lần này, Sở Công Thương mời các chuyên gia đến từ chính thị trường mà sản phẩm sẽ xuất sang để họ giới thiệu về thị hiếu, mẫu mã và cũng là cơ hội để các doanh nghiệp làng nghề xúc tiến giới thiệu sản phẩm.


Hiện thị trường nhập khẩu lớn nhất của hàng thủ công mỹ nghệ nói chung và mặt hàng mây tre đan nói riêng của Hà Nội là EU, Mỹ và Nhật Bản. Tổng kim ngạch xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ Hà Nội năm 2011 đạt trên 115 triệu USD. “Một trong những lý do Sở Công Thương Hà Nội chọn mặt hàng mây tre đan bởi nó chiếm tỷ trọng 39,2% tổng kim ngạch xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ và là nhóm hàng có giá trị gia tăng cao do sử dụng hầu hết nguyên liệu sẵn có trong nước.


Một trong những điểm yếu của mặt hàng này là thiết kế, mẫu mã chưa phù hợp với thị trường. Hầu hết các mẫu mã xuất khẩu đều làm theo đơn đặt hàng của đối tác và chúng ta chưa chủ động thị trường. Chính vì vậy, khi đối tác gặp khó khăn thì chúng ta ảnh hưởng không nhỏ”, ông Nguyễn Đức Tiến, Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội cho biết.


Ông Nguyễn Phú Bình, nguyên Đại sứ Việt Nam tại Nhật Bản, người giới thiệu các nghệ nhân mây tre Nhật sang giảng dạy, cho biết: “Trong ngành nghề thủ công mỹ nghệ, chúng ta có một đội ngũ đông đảo những nghệ nhân và những người thợ thủ công cần cù, khéo tay. Nhưng sản xuất hàng thủ công, mỹ nghệ của ta còn ở trình độ thấp; các sản phẩm chất lượng chưa cao, hình thức còn đơn điệu, chưa theo kịp thị hiếu của người tiêu dùng, kể cả trong nước, chưa nói đến yêu cầu của người tiêu dùng nước ngoài khắt khe hơn. Không những thế, chúng ta còn yếu về khâu quảng bá và tiếp thị. Điều đó khiến cho việc tiêu thụ còn bị hạn chế, giá trị thu được thấp, chưa tương xứng với công sức và tay nghề. Phát triển mạnh mẽ các ngành nghề truyền thống mang lại giá trị kinh tế cao bởi các ngành nghề này sử dụng đến 97% nguyên vật liệu có sẵn trong nước. Do đó, các làng nghề Việt Nam cần tranh thủ sự hợp tác và hỗ trợ từ bên ngoài để nâng cao chất lượng sản phẩm, hợp thị hiếu thị trường xuất khẩu, từ đó thúc đẩy tiêu thụ và tăng nhanh giá trị hàng hóa".


Tham khảo các mẫu mã và nguyên liệu do các nghệ nhân Nhật giới thiệu, đại diện các đơn vị sản xuất hàng mây tre đan thừa nhận: Không chỉ mẫu mã, kể cả cách xử lý chất liệu sao cho bền đẹp cũng phải học hỏi nhiều từ người Nhật. Nhiều làng nghề có thương hiệu nhưng không giữ được do các đơn vị sản xuất nhỏ lẻ, không có khả năng đầu tư nghiên cứu thị trường để đưa ra mẫu mã phù hợp. Điều này dẫn tới khả năng tiếp cận thị trường lớn và mới đều hạn chế.


Do ảnh hưởng suy thoái kinh tế, không ít nơi sản phẩm làm ra rất khó tiêu thụ. Theo số liệu từ Hiệp hội Làng nghề Việt Nam, từ năm 2010 đến nay, lượng sản phẩm của các làng nghề bị tồn đọng khoảng 50%. Trong 2 năm 2011 - 2012, hiệu suất kinh doanh của các làng nghề cũng giảm sút 30 - 40%. Nhiều làng nghề sôi động trước đây, giờ trong cảnh đìu hiu.


Nghệ nhân mây tre đan Nhật Bản, ông Mori cho rằng: “Qua làm việc với các nghệ nhân Việt Nam có thể thấy họ rất khéo tay nhưng lại thiếu thông tin về xu hướng thị trường, thị hiếu khách hàng. Chính vì vậy xuất khẩu sang Nhật cần nắm bắt được thị hiếu, tiêu chuẩn để sản xuất sản phẩm đạt tiêu chuẩn và phù hợp với thị hiếu để xuất khẩu. Hiện nay nhìn chung các thị trường đều rất khắt khe về chất lượng sản phẩm”.


Xuất khẩu ra nước ngoài cũng vướng nhiều thủ tục, còn việc xuất khẩu tại chỗ qua việc thu hút khách tới làng nghề đang bỏ ngỏ. Ở những làng nghề nằm trong tour du lịch, do sản phẩm nghèo nàn về mẫu mã nên du khách phần lớn chỉ đến tham quan chứ không mua hàng. “Du khách không thể tìm được những sản phẩm ưng ý chứ chưa nói đến sản phẩm mang dấu ấn từng địa danh du lịch của Việt Nam”, đại diện Hiệp hội Thủ công mỹ nghệ và làng nghề Hà Nội cho biết.


Giải quyết thực trạng này, nhiều ý kiến cho rằng, để hàng thủ công mỹ nghệ Việt Nam hấp dẫn thì các sản phẩm phải mang đậm nét truyền thống; mỗi vùng miền, làng nghề phải có những sản phẩm mang tính đặc trưng, tạo sức sống riêng. Và để đa dạng về mẫu hàng cần sự kết hợp ý tưởng của họa sỹ với bàn tay của các nghệ nhân.



Bài và ảnh: Xuân Minh

Dân làng đá mỹ nghệ Ninh Vân "nín thở" vì bụi
Dân làng đá mỹ nghệ Ninh Vân "nín thở" vì bụi

Nghề chế tác đá mỹ nghệ ở xã Ninh Vân, huyện Hoa Lư (Ninh Bình) phát triển mạnh đã góp phần nâng cao đời sống nhân dân địa phương. Song bên cạnh lợi ích về mặt kinh tế, nhiều năm qua, môi trường nơi đây bị ô nhiễm gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của người dân.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN