Chứng khoán tuần từ 2 – 4/1: Tuần đầu năm có thể sẽ tăng điểm?

Việc thị trường chứng khoán Mỹ đang dần ổn định trở lại và khối ngoại trở lại mua ròng có thể là những yếu tố có tác dụng nâng đỡ thị trường chứng khoán Việt Nam trong tuần tới (từ 2/1 – 4/1/2019).

Chú thích ảnh
Thị trường chứng khoán Việt Nam trong tuần tới  có thể sẽ tăng điểm do hiệu ứng tháng Giêng. Ảnh minh họa.

Kết thúc năm 2018, chỉ số VN – Index đã giảm tới 9,32% so với cuối năm 20127 và mất gần 26% kể từ mức đỉnh 52 tuần. Trong khi HNX – Index cũng giảm hơn 10,8% so với mức cuối năm 2017. Cụ thể, kết tuần giao dịch từ 24 – 28/12/2018, VN - Index giảm 19,72 điểm  xuống 892,54; HNX-Index giảm 0,22 điểm xuống 104,23 điểm. 

Tuần cuối cùng của năm 2018, nhà đầu tư thận trọng giao dịch, khiến thanh khoản suy giảm, chỉ đạt khoảng hơn 4.200 tỷ đồng mỗi phiên trên cả hai sàn.

Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng, việc thị trường chứng khoán thế giới đang dần ổn định trở lại và khối ngoại trở lại mua ròng mạnh là những yếu tố có tác dụng nâng đỡ thị trường chứng khoán Việt Nam trong tuần tới. Theo đó, tuần qua, thị trường chứng khoán Mỹ tăng điểm nhờ hoạt động mua vào của giới đầu tư và số liệu tích cực từ kinh tế Mỹ.

Mặc dù để mất đà tăng trong một số phiên, song tính chung cả tuần, chỉ số S&P 500 vẫn tăng 2,86%, chỉ số công nghiệp Dow Jones tăng 2,75% và chỉ số công nghệ Nasdaq cũng tăng tới 3,97%. 

Trong khi đó, tại thị trường Chứng khoán Việt Nam, VN – Index tuột mốc tâm lý 900 điểm, tuy nhiên cũng rất may là vùng đáy cũ 880 – 890 vẫn được giữ vững. Hơn nữa, tuần qua nhà đầu tư nước ngoài cũng mua ròng trên toàn thị trường. Theo đó, khối ngoại mua ròng trên HOSE với hơn 576 tỷ đồng và bán ròng trên HNX hơn 830 tỷ đồng. Trên UPCOM, khối ngoại mua ròng 312,35 tỷ đồng. Như vậy, trên toàn thị trường khối ngoại mua ròng nhẹ 58,35 tỷ đồng.

Giới phân tích cho rằng, với sự ổn định trở lại của thị trường chứng khoán Mỹ cùng với những thông tin trong nước đang rất khả quan sẽ giúp ổn định tâm lý nhà đầu tư sau thời gian nghỉ Tết Dương lịch.

Nhóm cổ phiếu dầu khí giảm mạnh nhất tuần qua với các trụ cột như: PLX giảm 7,2%, PVD (8,5%), PVS (6,4%), BSR (5,6%), GAS (4,6%).

Mặc dù vậy, những tín hiệu tích cực của giá dầu thế giới đang ủng hộ kịch bản hồi phục của nhóm cổ phiếu này trong tuần tới. Theo đó, trong phiên 31/12, giá dầu thế giới tăng khi triển vọng thương mại trên toàn cầu có dấu hiệu tích cực.

Chốt phiên giao dịch ngày 31/12 tại New York, giá dầu ngọt nhẹ Mỹ (WTI) giao tháng 2/2019 tăng nhẹ 0,08 USD lên 45,41 USD/thùng. Trong khi tại thị trường London, giá dầu Brent giao tháng 3/2019 tăng 0,59 USD lên khép phiên ở mức 53,80 USD/thùng. 

Các nhà phân tích nhận định áp lực đi xuống đối với giá dầu có thể sẽ dịu dần từ tháng 1/2019, khi Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) cùng với các nhà sản xuất ngoài OPEC; trong đó có Nga bắt đầu cắt giảm sản lượng khoảng 1,2 triệu thùng/ngày. 

Tuy vậy, thị trường vẫn có thể phải chịu một số áp lực từ việc sản lượng dầu thô đang ngày càng gia tăng tại Mỹ, quốc gia vừa trở thành nhà sản xuất dầu thô lớn nhất thế giới năm 2018 với sản lượng 11,6 triệu thùng/ngày.

Nhóm cổ phiếu dầu khí đã giảm rất mạnh theo đà giảm của giá dầu thế giới. Thường thì sau thời gian giảm mạnh cổ phiếu nhiều khả năng sẽ có nhịp hồi phục. Cùng với diễn biến khá tích cực của giá dầu thế giới trong ngắn hạn, có lẽ trong tuần tới, nhóm cổ phiếu dầu khí diễn biến tích cực trở lại.

Nhóm cổ phiếu trụ cột của thị trường ngân hàng vẫn tiếp tục giảm sâu trong tuần qua với: VCB  giảm 1,8%, CTG (7,4%), VPB (3,6%), MBB (7,2%), SHB (2,7%)... đã gây áp lực mạnh trên toàn thị trường.

Mặc dù tính chung cả tuần thì nhóm cổ phiếu ngân hàng giảm mạnh, nhưng diễn biến phiên cuối tuần cho thấy, nhóm cổ phiếu ngân hàng đang có dấu hiệu đi ngang tích lũy. Xu hướng đi ngang tích lũy có thể sẽ còn tiếp diễn sang tuần tới.

Một nguyên nhân khiến thị trường giảm mạnh trong tuần qua là do những mã cổ phiếu vốn hóa lớn trên thị trường lao dốc như: VIC giảm tới 6,3%, nguyên nhân giảm mạnh của cổ phiếu này là do phiên cuối tuần VIC bất ngờ giảm sàn với mức 6,9%. Cổ phiếu vốn hóa lớn thứ 2 thị trường là VHM giảm nhẹ 0,6%, trong khi VRE cũng giảm tới 4,8%.

Các mã vốn hóa lớn khác đa số cũng ở chiều giảm giá như: VNM giảm 1,2%, PNJ giảm 1,1%, MSN giảm 1,3%, PNJ giảm 1,1%. VJC giảm 2,4%,... Ở chiều tăng giá chỉ còn 1 vài mã như: SAB tăng tới 8,3%, HPG tăng 3,3%,... Nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn có diễn biến tăng, giảm đan xen tại các phiên trong tuần. Một đặc điểm đáng chú ý nữa là những mã cổ phiếu vốn hóa lớn tuần qua giao dịch khá ảm đạm. 

Tuy nhiên, với việc dòng vốn nước ngoài mua ròng trở lại trong tuần qua. Đặc biệt, khối ngoại mua ròng rất mạnh vào phiên cuối tuần cho thấy xu hướng mua ròng của khối này có thể quay trở lại. Trong khi đó, năm 2018, VN - Index giảm tới 9,32%, đây lần đầu thị trường giảm sau 6 năm liên tiếp tăng trưởng cao. Điều này giúp giá cổ phiếu sẽ trở nên hấp dẫn và hợp lý hơn đối với dòng vốn đầu tư.

Với diễn biến hiện tại của thị trường chứng khoán, cùng những yếu tố vĩ mô trong nước và thế giới có thể tác động đến thị trường, các nhà phân tích tại công ty chứng khoán đưa ra nhận định khá khác nhau cho tuần giao dịch tới. 

Nhóm phân tích đến từ Công ty cổ phần chứng khoán Sài Gòn – Hà Nội (SHS) vẫn khá lạc quan về thị trường vào đầu năm, do thống kê cho thấy “hiệu ứng tháng Giêng” tại thị trường Việt Nam là khá mạnh với 7/8 năm gần nhất trong giai đoạn 2011 - 2018, VN-Index đều tăng điểm trong tháng đầu năm. 

SHS dự báo, trong tuần giao dịch đầu tiên của năm 2019 với chỉ 3 phiên (2/1-4/1), VN-Index có thể sẽ test lại đáy cũ 880 điểm và kỳ vọng chỉ số sẽ có nhịp bật lên lại 900 điểm. 

Tuy nhiên, SHS cũng cho rằng, đây là giai đoạn nhạy cảm và chưa rõ xu hướng của thị trường nên công ty vẫn duy trì khuyến nghị nhà đầu tư tiếp tục thận trọng và đứng ngoài thị trường quan sát thêm.

Công ty cổ phần Chứng khoán Bảo Việt nhận định, trong các phiên đầu năm 2019, nếu thị trường không thể hồi phục và vượt qua vùng kháng cự 903 - 908 điểm thì nhiều khả năng chỉ số sẽ lui về vùng hỗ trợ 860-870 điểm trước khi tăng điểm trở lại.

Nhóm phân tích đến từ Công ty cổ phần Chứng khoán KIS Việt Nam (KIS) dự báo trong ngắn hạn, VN - Index kiểm định lại vùng đáy tháng 10/2018 khi xu hướng điều chỉnh chiếm ưu thế.

KIS khuyến nghị, rủi ro hệ thống gia tăng do đó nhà đầu tư nên thận trọng và đứng ngoài quan sát.

Văn Giáp (TTXVN)
G20 ghi nhận một năm ảm đạm với các chỉ số chứng khoán chủ chốt
G20 ghi nhận một năm ảm đạm với các chỉ số chứng khoán chủ chốt

Korea Exchange (KRX) ngày 29/12 công bố xếp hạng chỉ số chứng khoán của các nước thuộc Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đẩu thế giới (G20) trong năm 2018.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN