Lực đẩy cho thị trường là các nhà đầu tư đã giảm bớt tâm lý lo ngại về tình hình chính trị bất ổn tại Mỹ và triển vọng kinh tế thế giới ảm đạm, trong khi niềm tin của nhà đầu tư được củng cố khi đón nhận các số liệu kinh tế Mỹ lạc quan và nỗ lực lấy lại niềm tin của nhà đầu tư của chính quyền Tổng thống Donald Trump.
Trong phiên chiều nay, chỉ số MSCI của khu vực châu Á - Thái Bình Dương (trừ Nhật Bản) tăng 0,6%, và rời xa mức thấp trong 8 tuần qua.
Đóng cửa ngày giao dịch 27/12, chỉ số Nikkei 225 trên thị trường Tokyo (Nhật Bản) tăng 3,8% (hay 750,36 điểm) lên 20.077,62 điểm.
Trong khi đó, chỉ số KOSPI của Hàn Quốc cũng nhích 0,02% (hay 0,43 điểm) lên 2.028,44 điểm. Ngoài ra, nhiều thị trường chứng khoán khác tại châu Á cũng tăng điểm theo đà tăng mạnh trên thị trường Tokyo. Kết thúc phiên này, thị trường chứng khoán Singapore tăng 1,7%, cùng với đó thị trường Đài Loan (Trung Quốc) và Sydney đều lần lượt tăng 1,7% và 1,9%.
Tuy nhiên, hai thị trường chứng khoán chính của Trung Quốc, là Thượng Hải và Hong Kong, đều đảo chiều đi xuống sau khi tăng điểm đầu phiên nhờ đà tăng trên thị trường chứng khoán Mỹ, do các nhà đầu tư lo ngại về tình hình kinh tế yếu của Trung Quốc. Cụ thể, chỉ số Shanghai Composite trên sàn Thượng Hải giảm 0,61% (hay 15,20 điểm) xuống 2.483,09 điểm, còn chỉ số Hang Seng ở Hong Kong giảm 0,67% (hay 172,50 điểm) xuống 25.478,88 điểm.
Sự hồi phục của thị trường Phố Wall diễn ra sau nhiều phiên "đỏ sàn" khi Mỹ công bố số liệu hoạt động bán lẻ tăng mạnh, cùng với việc Nhà Trắng tái khẳng định sẽ không sa thải Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed). Trong khi đó, các nhà phân tích cho rằng việc thị trường Phố Wall tăng điểm trở lại một phần nhờ các yếu tố kỹ thuật.
Trên thị trường tiền tệ châu Á, đồng yen Nhật Bản yếu đi so với phiên giao dịch trước đó. Cụ thể, đồng USD giao dịch ở mức 111,08 yen đổi 1 USD, so với mức 110,31 yen/USD của phiên trước đó.