Theo Tổng cục Thủy lợi, những năm gần đây, tình trạng ngập lụt, úng thường xuyên xuất hiện trong thời gian sản xuất vụ Mùa ở khu vực Trung du và Đồng bằng Bắc Bộ. Nguyên nhân do diễn biến cực đoan của thời tiết và năng lực của một số công trình thủy lợi không đáp ứng được nhu cầu...
Riêng vụ Mùa năm 2019, khu vực Trung du và Đồng bằng Bắc Bộ chịu ảnh hưởng của cơn bão số 3 gây ngập lụt, úng lúc cao nhất đối với khoảng 3.325 ha cây trồng và 6.386 ha bị ngập sâu nước, tập trung ở các tỉnh, thành phố Bắc Ninh, Hải Dương, Hà Nội, Nam Định, Ninh Bình, Vĩnh Phúc. Các địa phương, đơn vị liên tỉnh đã tổ chức vận hành công trình thủy lợi tiêu úng cho nội đồng tại thời điểm cao nhất với 2.273 máy bơm và 35 cống.
Đại diện Viện Quy hoạch Thủy lợi cho rằng, vùng Trung du Bắc Bộ, việc tiêu nước tương đối thuận lợi, tuy nhiên một số khu vực đang trong quá trình đô thị hoá nhanh như thành phố Bắc Giang, Việt Trì có nhu cầu tiêu thoát nước tăng nhanh nhưng các trạm bơm, các cống trước đây được xây dựng với hệ số tiêu nhỏ, nay không đáp ứng được yêu cầu tiêu thoát nước.
Vùng Đồng bằng Bắc Bộ có cao độ thấp, nhưng đã được đầu tư các hệ thống công trình tiêu tương đối hoàn chỉnh nên nhiều khu vực đã cơ bản đáp ứng được yêu cầu tiêu thoát nước với lượng mưa thiết kế ứng với tần suất 10%, như các hệ thống Bắc Hưng Hải, Bắc Nam Hà, Bắc Đuống, sông Nhuệ, Sông Tích - sông Bùi, các hệ thống vùng triều. Tuy nhiên, với thời tiết cực đoan, mưa cường độ lớn trong thời gian ngắn, vượt thiết kế thì các công trình tiêu hiện tại không đáp ứng được yêu câu.
Trên cơ sở kịch bản lượng mưa và kịch bản về giai đoạn sinh trưởng của lúa, Viện Quy hoạch Thủy lợi đã tổ hợp 9 kịch bản khung ngập lụt, úng cho khu vực, ứng với giai đoạn lúa mới cấy, lúa đẻ nhánh, làm đòng và lúa cuối vụ. Song, Viện Quy hoạch Thủy lợi cũng cho rằng, thực tế, việc nhận định khả năng ngập lụt, úng cơ bản dựa vào dự báo mưa ngắn hạn, thông tin dự báo mưa càng chính xác về không gian và thời gian thì việc triển khai các giải pháp phòng, chống ngập lụt, úng càng hiệu quả.
Đại diện Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cho biết, mùa bão năm 2020 có xu hướng muộn hơn so với các năm. Cụ thể, có khả năng xuất hiện khoảng 11 - 13 cơn bão và áp thấp nhiệt đới hoạt động trên khu vực Biển Đông, trong đó có khoảng 5 - 6 cơn bão ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền nước ta, tập trung nhiều ở khu vực Trung Bộ và phía Nam trong những tháng cuối năm 2020.
Nguồn nước khu vực Trung du và Đồng bằng Bắc Bộ từ tháng 7 - 10/2020 trên các lưu vực sông thiếu hụt từ 20 - 30%, từ tháng 11 - 12/2020 thiếu hụt phổ biến 30 - 50%. Do ảnh hưởng của mưa lớn cục bộ, các vùng trũng, thấp và các đô thị lớn thuộc khu vực Trung du và Đồng bằng Bắc Bộ có nguy cơ ngập úng, đặc biệt tại các tỉnh Vĩnh Phúc, Hà Nội, Hải Dương, Ninh Bình, Hà Nam.
Vụ Mùa năm 2020, các tỉnh Trung du và Đồng bằng Bắc bộ dự kiến gieo cấy 546,6 nghìn ha, giảm khoảng 4,4 nghìn ha so với năm 2019. Năng suất trung bình dự kiến đạt 55,6 tạ/ha, tăng 0,9 tạ/ha so với năm trước, sản lượng ước đạt khoảng 3 triệu tấn, tăng khoảng 23.800 tấn so với vụ lúa Mùa 2019.
Đại diện Cục Trồng trọt cho biết, trong sản xuất vụ Hè Thu, vụ Mùa luôn tiềm ẩn nguy cơ ảnh hưởng của thời tiết cực đoan nhất là hạn hán đầu vụ, mưa lũ gây ngập úng cuối vụ với các tỉnh khu vực Bắc Trung Bộ. Mưa lớn gây ngập úng cuối vụ với các tỉnh vùng đồng bằng sông Hồng, Trung du miền núi phía Bắc ...
Vì vậy, Cục Trồng trọt đề nghị các địa phương cần xây dựng phương án cụ thể về sản xuất trồng trọt nói chung và sản xuất lúa nói riêng, đặc biệt với các diện tích đặc thù của địa phương. Các địa phương cần tập trung sử dụng giống lúa cảm ôn, ngắn ngày là chủ lực; mở rộng tỷ lệ trà mùa cực sớm, sớm; chủ động rà soát diện tích có nguy cơ thiếu nước để chuyển đổi sang cây rau màu, dược liệu nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất. Cùng đó, chủ động các phương án phòng chống thiên tai, dịch bệnh ngay từ đầu vụ; bố trí chân đất và cơ cấu hợp lý giữa giống lúa chất lượng, giống lúa kháng sâu bệnh đặc biệt là bệnh bạc lá; tăng cường áp dụng cơ giới hóa trong sản xuất, ứng dụng mạ khay, máy cấy, giảm tối đa diện tích sạ.
Tại hội nghị, Cục Quản lý công trình thủy lợi đã quán triệt, triển khai tới đại biểu của 12 tỉnh, thành phố trong khu vực Chỉ thị số 3426 ngày 22/5/2020 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về đẩy mạnh thực hiện các giải pháp nâng cao hiệu quả quản lý, khai thác công trình thủy lợi.
Phát biểu tại hội nghị, ông Nguyễn Văn Tỉnh, Tổng Cục trưởng Tổng cục Thủy lợi cho rằng, đối với khu vực Trung du và Đồng bằng Bắc bộ, nói đến công tác thủy lợi vụ Mùa chính là nói đến công tác tiêu úng. Năm nay lượng mưa, lượng bão tương đương trung bình hằng năm nhưng gần đây thời tiết rất cực đoan, bất thường nên công tác tiêu úng của vùng rất khó.
Tổng Cục trưởng Tổng cục Thủy lợi đề nghị đại biểu các địa phương trong khu vực về xây dựng kế hoạch, tổ chức thực hiện theo đúng yêu cầu của Chỉ thị số 3426 ngày 22/5/2020 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về đẩy mạnh thực hiện các giải pháp nâng cao hiệu quả quản lý, khai thác công trình thủy lợi.
Tổng Cục trưởng Tổng cục Thủy lợi đề nghị Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia tăng cường các dự báo, nhất là dự báo ngắn hạn và đề nghị các địa phương cương quyết chuyển đổi cây trồng, không trồng lúa, không gieo sạ ở những vùng thấp, trũng...