Trao đổi với phóng viên Thông tấn xã Việt Nam về vấn đề này, các chuyên gia, hiệp hội, doanh nghiêp đều cho rằng phải có quy định rõ ràng và chế tài mạnh hơn nữa trong quản lý và xử lý các hành vi gian lận xuất xứ hàng hóa.
Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI):
Giả mạo xuất xứ hay gian lận thương mại hàng hóa là điều không thể chấp nhận được, không chỉ ở góc độ cạnh tranh thị trường mà cả khía cạnh đạo đức kinh doanh. Chúng ta thử đặt vấn đề, sản phẩm được làm ra bằng trí tuệ, tâm huyết của cá nhân, doanh nghiệp, nhưng lại bị đối tượng khác khai thác danh xưng nhằm mục đích hưởng lợi tài chính thì liệu có được sự cho phép hay đồng ý?. Ngược lại, tôi cho rằng không có nhiều người dám làm việc này và nếu có cũng không thể trở thành một phong trào, nhất là với những doanh nhân có lòng tự trọng và tự tôn đạo đức kinh doanh.
Trên thực tế, cũng đã có tình trạng "con sâu bỏ rầu nồi canh" và việc phạm luật tới đâu, vi phạm thế nào đã có các cơ quan quản lý Nhà nước, ban, ngành chức năng xác định trách nhiệm rõ ràng, cụ thể.
Việc hàng hóa được nhập khẩu nguyên đai, nguyên kiện từ nước khác, nhưng sau đó cho dán nhãn “Made in Vietnam” thì chắc chắn đó là sự không trung thực và lừa dối người tiêu dùng, cố tình gây nhầm lẫn, đi ngược với xu thế phát triển của nền kinh tế Việt Nam nói chung và Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" nói riêng. Những trường hợp đã xảy ra, có lẽ cần phải quy trách nhiệm và xử lý thật nghiêm để không chỉ răn đe mà còn loại bỏ hoàn toàn để tạo lập môi trường kinh doanh trong sạch, bình đẳng, minh bạch và có lợi đối với mọi thành phần kinh tế.
Về các quy phạm pháp luật liên quan tới vấn đề này, tôi nhận thấy còn không ít "khe hở" dễ bị lợi dụng và đây là trách nhiệm của cơ quan quản lý, các đơn vị, doanh nghiệp và sự chung tay của người tiêu dùng.
PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, Học viện Tài chính:
Việc gian lận xuất xứ hàng hóa sẽ gây phương hại đến sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp chân chính và cả nền kinh tế. Trong thời gian qua, cơ quan quản lý đã kiểm tra và phát hiện một số mặt hàng nhập khẩu đã in sẵn nhãn “Made in Vietnam”. Điều này ảnh hưởng trực tiếp tới những doanh nghiệp sản xuất trong nước của Việt Nam.
Hàng giả mạo xuất xứ là hàng giả, hàng nhái vì thế chất lượng thường không đảm bảo và sử dụng trong thời gian ngắn đã phải bỏ đi. Đây gọi là lãng phí trong tiêu dùng.
Ngoài ra, thương hiệu của doanh nghiệp bị ảnh hưởng vì những lô hàng giả, từ đó hàng thật cũng khó tiêu thụ. Doanh nghiệp không bán được hàng dẫn đến khó khăn, thậm chí phá sản.
Nghiêm trọng hơn, nếu hàng hóa các nước giả mạo xuất xứ Việt Nam, nhập vào nước ta để xuất đi các quốc gia khác, đặc biệt là Hoa Kỳ khi bị phát hiện thì toàn bộ mặt hàng xuất khẩu đó sẽ bị đánh thuế gấp hàng chục lần so với mức thuế đang thực hiện.
Không dừng lại ở đó, các quốc gia nhập khẩu sẽ tăng cường kiểm soát tất cả các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam. Lúc đó tốn kém không ít chi phí về kiểm tra, lưu kho bãi khiến giá thành hàng hóa cũng tăng cao, trong khi lợi nhuận bán hàng giảm.
Chúng ta đang là quốc gia lấy xuất khẩu làm động lực tăng trưởng và phát triển nền kinh tế nên việc giả mạo xuất xứ không chỉ nguy hiểm đối với các doanh nghiệp sản xuất mà còn ảnh hưởng đến toàn bộ nền kinh tế.
Để kiểm soát xuất xứ hàng hóa, trước hết cơ quan quản lý cần siết chặt công tác kiểm tra hàng hóa từ biên giới, đường mòn, lối mở, chợ đầu mối, siêu thị… Đặc biệt, không chỉ quy trách nhiệm cho lực lượng quản lý thị trường mà người đứng đầu địa phương để xảy ra tình trạng buôn bán hàng giả, hàng nhái cũng phải chịu trách nhiệm.
Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam cũng cần lên tiếng khi có phản ánh về hàng giả xuất xứ và cùng phối hợp với cơ quan quản lý bảo vệ người tiêu dùng.
Các doanh nghiệp, hiệp hội thường xuyên theo dõi, phát hiện các mặt hàng giả, hàng nhái và cùng cơ quan quản lý thị trường xử lý kịp thời.
Về khung pháp lý, cần có cơ chế tốt nhất cho lực lượng quản lý thị trường, thuế, hải quan nhằm nâng cao đạo đức nghề nghiệp, tăng cường vai trò trách nhiệm, xử phạt nghiêm khắc hành vi buôn lậu, hàng giả mạo xuất xứ để nâng cao tính răn đe.
Ông Eric Sidgwick, Giám đốc Quốc gia của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB):
Với nhận định trong bối cảnh Việt Nam hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế khu vực và toàn cầu có thể bị lạm dụng làm điểm trung chuyển để xuất khẩu hàng hóa sang nước thứ ba, tôi cho rằng Chính phủ Việt Nam nhận thức rất rõ về việc cần phải tránh để không rơi vào trường hợp bị đánh giá là đang lợi dụng những căng thẳng thương mại trên thế giới nhằm cạnh tranh không công bằng.
Điều này được minh chứng qua việc Chính phủ rất quan tâm đến thực hiện quy tắc xuất xứ hàng hóa. Quy tắc này quy định rõ những sản phẩm có giá trị gia tăng sản xuất tại Việt Nam phải được gắn mác rõ ràng để đề phòng trường hợp tái xuất bất hợp pháp.
Song song với đó, tôi cho rằng các cuộc thanh, kiểm tra tại các cảng hàng hóa xuất - nhập khẩu, sự phối hợp giữa các Bộ, ban, ngành cũng rất cần thiết để đảm bảo không có hàng hóa của một nước thứ ba nào được “đội lốt” một cách trái phép và rời khỏi Việt Nam.
Ông Điền Quang Hiệp – Chủ tịch Hiệp hội chế biến Gỗ Bình Dương:
Gỗ dán là mặt hàng có nguy cơ cao và dễ gian lận xuất xứ hàng hóa. Để kiểm soát, vấn đề quan trọng là kỹ thuật, nghiệp vụ của ngành hải quan; kỹ thuật của bộ phận cấp phép giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa C/O và Hiệp hội sẽ thông tin khi thấy một doanh nghiệp nào đó vi phạm. Tuy nhiên, cần phải có sự kết hợp và vào cuộc một cách tích cực của các bên; trong đó quan trọng nhất là nhà quản lý về nghiệp vụ.
Khi bị điều tra hay đánh thuế về xuất xứ bao giờ cũng cần phải có căn cứ; trong đó yếu tố quan trọng là doanh nghiệp phải biết tự bảo vệ mình bằng cách chứng minh nguồn gốc sản phẩm. Do vậy, mỗi doanh nghiệp phải chú ý và làm tốt vấn đề này. Việc chứng minh được nguồn gốc gỗ hợp pháp là rất quan trọng, đặc biệt chúng ta phải kiểm soát và truy suất được ngay từ nguồn nguyên liệu đầu vào.
Ông Lê Tiến Trường, Tổng Giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex):
Hiện nay, trong lĩnh vực dệt may chưa có sự dịch chuyển sản xuất rõ ràng từ Trung Quốc sang Việt Nam nhằm trung chuyển hàng hóa sang nước khác. Việc quyết định dịch chuyển đầu tư cũng như đơn hàng còn phụ thuộc nhiều yếu tố và cần thêm thời gian.
Trong trường hợp hàng may mặc Trung Quốc bị áp thuế hàng hóa, có khả năng một phần đơn hàng sẽ dịch chuyển sang Việt Nam. Tuy nhiên, vẫn có thể kịch bản xấu xảy ra. Đó là Mỹ thực hiện áp thuế đối với Trung Quốc thì các doanh nghiệp dệt may Việt Nam cần lường trước phản ứng của Trung Quốc trước tình hình này bởi khi Trung Quốc cũng tăng thuế mặt hàng nguyên liệu sẽ ảnh hưởng tới ngành may của Việt Nam.
Nếu có kịch bản dịch chuyển đơn hàng sang Việt Nam, thị phần hàng may mặc của Việt Nam sẽ tăng trong thời gian tới và đồng nghĩa chúng ta phải hết sức thận trọng trong gian lận xuất xứ hàng hóa. Do vậy, muốn trụ vững và phát triển, doanh nghiệp ngành may buộc phải tập trung tăng năng suất, đầu tư cho tự động hóa để giảm nhân công, chọn đơn hàng cao cấp có giá gia công cao và dựa vào lợi thế tay nghề công nhân kỹ thuật cao.
Đặc biệt, ngay từ bây giờ các doanh nghiệp phải tìm kiếm khách hàng tại các thị trường mới mà Việt Nam đã tham gia Hiệp định thương mại tự do (FTA) như: Canada, Australia, các nước trong Liên minh kinh tế Á - Âu và thị trường EU...
Ông Trần Phước Trí, Quyền Cục trưởng Cục Quản lý thị trường thành phố Đà Nẵng:
Việc gian lận được thể hiện qua việc hàng hóa sản xuất tại nước ngoài, nhưng khi nhập về Việt Nam lại có sẵn dòng chữ “Made in Vietnam”, “sản xuất tại Việt Nam”. Nhiều trường hợp bao bì, hướng dẫn, phiếu bảo hành ghi tiếng Việt, có địa chỉ, trang web ở Việt Nam để tiêu thụ nội địa hoặc xuất khẩu. Ngoài ra, còn hình thức là hàng hóa sản xuất tại nước này, nhưng cố tình ghi tên nước khác.
Đà Nẵng là một thành phố du lịch với rất nhiều loại hàng hóa phục vụ du khách. Do vậy, nếu hàng hóa có nguồn gốc, xuất xứ gian lận sẽ ảnh hưởng đến hình ảnh, uy tín của thành phố cũng như các doanh nghiệp kinh doanh chân chính. Đồng thời cũng ảnh hưởng lớn uy tín của Việt Nam đối với các Hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam đã ký kết cũng như trở thành rào cản cho các Hiệp định trong thời gian tới. Vì vậy, việc đẩy mạnh kiểm tra, xử lý vi phạm nguồn gốc, xuất xứ hàng hóa cần được tăng cường hơn nữa.
Từ nay đến cuối năm 2019, Cục Quản lý thị trường thành phố Đà Nẵng đã xây dựng kế hoạch kiểm tra chuyên đề và các phương án kiểm tra đột xuất trên địa bàn cũng như trong quá trình lưu thông, tập trung vào các vi phạm liên quan đến gian lận nguồn gốc, xuất xứ hàng hóa.
UBND thành phố Đà Nẵng cũng vừa ban hành kế hoạch đấu tranh phòng, chống buôn lậu, sản xuất kinh doanh hàng hóa giả mạo nhãn mác, xuất xứ Việt Nam. Theo đó, các sở, ngành là thành viên Ban chỉ đạo Chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả thành phố và UBND các quận, huyện thực hiện nghiêm, có hiệu quả Nghị quyết số 41/NQ-CP của Chính phủ về việc đẩy mạnh phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong tình hình mới; trong đó, đề cao trách nhiệm của người đứng đầu. Nếu trên địa bàn, lĩnh vực nào để tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả xảy ra nghiêm trọng, kéo dài hoặc cán bộ, công chức dưới quyền tiêu cực, tham nhũng thì phải tổ chức kiểm điểm nghiêm túc trách nhiệm người đứng đầu, kịp thời báo cáo Chủ tịch UBND thành phố và Trưởng ban Ban chỉ đạo 389 thành phố xem xét, xử lý theo quy định.
Bài cuối: Kinh nghiệm ứng phó