Thực hiện chủ trương hội nhập kinh tế quốc tế, Việt Nam đã và đang tích cực tham gia đàm phán và ký kết Hiệp định Thương mại tự do (FTA) với các đối tác lớn để mở rộng thị trường và đẩy mạnh xuất khẩu. Đây là chiến lược dài hơi giúp doanh nghiệp tham gia sâu vào chuỗi giá trị, được "cọ xát" nhiều hơn với thế giới trong phát triển sản xuất kinh doanh và khẳng định vị thế trên thị trường quốc tế.
Tuy nhiên, trước xu thế bảo hộ tiếp tục có xu hướng gia tăng, xung đột thương mại Mỹ - Trung diễn biến phức tạp với sự xuất hiện hiện tượng gian lận xuất xứ hàng Việt Nam để trốn thuế. Động thái này vô hình chung đẩy một số ngành hàng, lĩnh vực của Việt Nam có nguy cơ bị áp thuế cao và có thể mất luôn thị trường xuất khẩu. Để chống gian lận xuất xứ, Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Đề án "Tăng cường quản lý nhà nước về chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại và gian lận xuất xứ" nhằm nâng cao hơn nữa hiệu quả hội nhập kinh tế quốc tế, bảo vệ quyền và lợi ích của Việt Nam trong thương mại quốc tế; bảo vệ lợi ích của doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh chân chính. Đây là cơ sở quan trọng để các Bộ, ngành, địa phương quản lý chặt chẽ hoạt động xuất nhập khẩu và ngăn chặn nguy cơ gian lận xuất xứ hàng hóa có thể xảy ra.
Thông tấn xã Việt Nam giới thiệu loạt 5 bài với chủ đề "Chống gian lận xuất xứ hàng hóa: Cần một chiến lược dài hơi" nhằm phản ánh hiện tượng gian lận xuất xứ hàng hóa, những động thái từ các cơ quan quản lý, doanh nghiệp cũng như sự cần thiết xây dựng công cụ hữu hiệu để ngăn chặn tình trạng này.
Bài 1: Khó tránh bị lợi dụng
Với 12 Hiệp định Thương mại tự do mà Việt Nam đã ký kết, đặc biệt là Hiệp định Ðối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và FTA Việt Nam - EU (EVFTA) đã khẳng định Việt Nam là quốc gia có những đóng góp to lớn và có trách nhiệm trong sự phát triển của toàn cầu hóa theo hướng tự do hóa và thuận lợi hóa thương mại. Nhưng thực tế cho thấy, đi kèm với những lợi thế thì Việt Nam đang không tránh khỏi việc bị lợi dụng trở thành nơi trung chuyển hàng hóa sang nước thứ ba cũng như hàng hóa nhập khẩu dán nhãn trong nước, gây ra những thiệt hại không nhỏ cho doanh nghiệp trong nước và hình ảnh hàng hóa Việt Nam.
Khi lợi thế và bất lợi cùng song hành
Theo Bộ Công Thương, khi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU có hiệu lực, gần 100% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU sẽ được xóa bỏ thuế nhập khẩu sau một lộ trình 7 năm, mở ra cơ hội xuất khẩu cho những mặt hàng Việt Nam có lợi thế như: dệt may, da giày, nông - thủy sản (kể cả gạo, đường, mật ong, rau quả), đồ gỗ…
Lợi ích này đặc biệt có ý nghĩa khi EU liên tục là một trong hai thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam. Điều này càng có ý nghĩa khi hiện chỉ có hơn 42% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU được hưởng mức thuế 0% theo Chương trình Ưu đãi thuế quan phổ cập (GSP).
Theo nhận định từ giới phân tích, cơ hội lớn nhất khi Việt Nam tham gia các FTA thế hệ mới như CPTPP và EVFTA là cam kết về thuế, giúp mở rộng thị trường và tạo nên sự phát triển, tiến bộ xã hội cũng như giúp Việt Nam hoàn thiện khung khổ luật pháp, thể chế.
Dù vậy, trong khi các doanh nghiệp Việt Nam còn chưa kịp tiếp cận những cơ hội từ các FTA này mang lại thì không ít doanh nghiệp FDI đã cố tình tận dụng những kẽ hở từ việc thiếu các quy định bắt buộc, lấy Việt Nam làm "bệ phóng" cho hàng hóa nước ngoài xuất khẩu vào thị trường Hoa Kỳ và EU một cách hợp pháp mà không phải chịu thuế.
Xung quanh vấn đề này, ông Lê Triệu Dũng - Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương) cho biết: Mặc dù Bộ Công Thương đã tích cực triển khai nhiều biện pháp chống lẩn tránh phòng vệ thương mại và gian lận xuất xứ, nhưng tình trạng hàng hóa gian lận xuất xứ Việt Nam để xuất khẩu đi nước ngoài hưởng ưu đãi thuế quan hoặc lẩn tránh các biện pháp trừng phạt, lẩn tránh thuế cao đang diễn ra phức tạp.
Ông Lê Triệu Dũng cũng chỉ ra rằng: Trong số các điểm đến của hàng hóa gian lận thương mại thì Hoa Kỳ và EU là những thị trường dễ phát sinh nhất. Đáng lưu ý, hình thức gian lận thương mại cũng được lẩn tránh rất tinh vi, đa dạng với nhiều hình thức khác nhau.
Chẳng hạn như doanh nghiệp chuyển toàn bộ hoặc một phần dây chuyền sản xuất sang Việt Nam hoặc nhập khẩu một phần nguyên liệu sản xuất, linh kiện lắp ráp tại Việt Nam để hoàn thiện sản phẩm.
Đây là lý do để lấy xuất xứ “Made in Vietnam” nhằm xuất khẩu hàng hóa đi các quốc gia khác. Không những thế, nhiều doanh nghiệp còn cố tình cung cấp hồ sơ giả mạo để xin giấy chứng nhận xuất xứ (C/O), thậm chí có trường hợp làm C/O giả hoặc thành lập doanh nghiệp chỉ để xuất khẩu trong thời gian ngắn rồi sau đó tuyên bố giải thể.
Điều này vô hình chung dẫn đến việc các nước nhập khẩu đang siết chặt quản lý hàng hóa xuất xứ Việt Nam sẽ thẳng thừng áp dụng lệnh trừng phạt.
Thống kê của Bộ Công Thương cho thấy, từ năm 2017 trở lại đây, mỗi năm có tới 3 vụ việc được tiến hành khởi xướng điều tra. Xu hướng này có thể tiếp tục gia tăng khi Việt Nam bị nước nhập khẩu nghi ngờ về việc dịch chuyển đầu tư cũng như số lượng sản phẩm bị áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại.
“Việc hàng hóa Trung Quốc mượn xuất xứ Việt Nam để xuất khẩu sang các thị trường mà Việt Nam đã ký FTA hết sức nguy hiểm bởi sẽ gây ra hậu quả khôn lường tới các thương hiệu Việt cũng như mất lòng tin với thị trường xuất khẩu. Đây là lý do khiến Việt Nam không tránh khỏi việc bị điều tra chống lẩn tránh các biện pháp phòng vệ thương mại.” Ông Lê Triệu Dũng bày tỏ.
Trung tâm trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) thuộc Phòng Công nghiệp và Thương mại Việt Nam (VCCI) chia sẻ, gần đây VIAC liên tục nhận được khiếu nại về xuất xứ hàng hóa của Việt Nam liên quan chủ yếu đến các mặt hàng da giày, thực phẩm, tôm, quần áo. Đặc biệt, trong số này có tới 90% là từ EU và số còn lại là các thị trường khác do đối tác nhập khẩu nghi ngờ gian lận xuất xứ hàng hóa thông qua hình thức làm giả chữ ký của tổ chức cấp phát C/O theo quy định pháp luật Việt Nam.
Việc làm cấp bách
Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh, trong bối cảnh xu thế bảo hộ gia tăng nên một số thị trường nhập khẩu lớn bắt đầu có sự thay đổi cách tiếp cận với việc chống lẩn tránh thuế. Vì vậy, việc nghiên cứu kỹ lưỡng cách tiếp cận này và đưa ra cảnh báo sớm cho doanh nghiệp là việc làm cấp bách.
Thứ trưởng Trần Quốc Khánh cũng cho hay, không phải đến tận bây giờ mà ngay từ năm 2017, Bộ Công Thương đã xây dựng danh sách hàng hóa trong diện cảnh báo nguy cơ lẩn tránh thuế và gửi thông tin tới các cơ quan, đơn vị có liên quan như: Hải quan, VCCI... nhằm tăng cường kiểm tra, theo dõi và phối hợp với cơ quan điều tra nước ngoài trong các vụ việc chống lẩn tránh thuế.
Bên cạnh đó, Bộ Công Thương cũng tích cực tuyên truyền phổ biến các quy định về chống lẩn tránh thuế, gian lận xuất xứ và thông tin cho doanh nghiệp những thay đổi pháp lý liên quan đến điều tra lẩn tránh thuế, gian lận xuất xứ của nước ngoài.
Đặc biệt, ngay sau khi Đề án “Tăng cường quản lý nhà nước về chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại và gian lận xuất xứ” được Chính phủ ban hành, Bộ Công Thương đã có kế hoạch hành động cũng như thành lập Tổ công tác liên ngành về phòng chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại và gian lận xuất xứ hàng hóa.
Đại diện cho lực lượng kiểm tra, kiểm soát thị trường, ông Trần Hữu Linh - Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường chia sẻ: Thời gian qua, lực lượng quản lý thị trường đã phát hiện rất nhiều hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ, nổi cộm là tình trạng hàng hóa dãn nhãn “Made in Vietnam”, nhưng thực tế lại không sản xuất ở Việt Nam mà chủ yếu là hàng Trung Quốc.
Hơn nữa, nắm bắt tâm lý người Việt ngày càng ưa chuộng hàng Việt Nam nên nhiều doanh nghiệp đã mượn cách này để lẩn tránh và trốn thuế. Tuy nhiên, do chế tài còn hạn chế và chưa đủ sức răn đe như làm giả giấy chứng nhận xuất xứ (C/O) chỉ bị phạt tối đa 40 triệu đồng, sử dụng C/O giả cũng chỉ bị phạt tối đa 50 triệu đồng nên chưa ngăn chặn được các hành vi gian lận của doanh nghiệp.
Để xử lý hiệu quả các vi phạm về chống lẩn tránh, gian lận xuất xứ, ông Trần Hữu Linh cho rằng, gian lận xuất xứ không chỉ dừng lại ở việc mượn xuất xứ để xuất khẩu mà còn gian lận để tiêu thụ trên thị trường nội địa. Do đó, các cơ quan chức năng cần hoàn thiện chính sách để phù hợp với thực tiễn và mang tính nghiêm minh của pháp luật để chặn đứng việc gian lận ngày càng gia tăng.
Liên quan đến việc gian lận xuất xứ để xuất khẩu, theo ông Trần Thanh Hải - Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), để ngăn chặn việc C/O giả, bên cạnh việc phối hợp với Tổng cục Quản lý thị trường, Cục Xuất nhập khẩu cũng chủ động tổ chức các đoàn kiểm tra, xác minh cơ sở sản xuất của doanh nghiệp khi có nghi vấn về gian lận xuất xứ. Hiện tại, Cục đã đẩy mạnh việc thực hiện C/O điện tử và hướng tới không sử dụng C/O giấy.
Ngoài ra, tổ chức hướng dẫn và tập huấn tới từng doanh nghiệp cũng như đề nghị các doanh nghiệp khi thấy có dấu hiệu bất thường phải cung cấp ngay thông tin tới cơ quan chức năng.
Các chuyên gia thương mại cũng nhấn mạnh, giảm thiểu khả năng bị áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại thì cần có một chiến lược tổng thể, dài hạn trong việc phát triển chuỗi sản xuất, nâng cao giá trị gia tăng cho hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam. Bên cạnh việc chú trọng phát triển theo chiều sâu, Việt Nam cũng cần theo dõi kỹ để cánh báo sớm nếu như xuất khẩu sang một số thị trường gia tăng một cách đột biến.
Đề cập vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh yêu cầu các doanh nghiệp phải thận trọng khi đầu tư sản xuất và xuất khẩu một số mặt hàng đang có nguy cơ bị áp thuế. Mặt khác, các doanh nghiệp cũng phải cân nhắc khi mở rộng đầu tư, nhất là sản xuất phục vụ xuất khẩu các mặt hàng đã bị nước nhập khẩu áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại với nước thứ ba.
Trong thời gian tới, Bộ Công Thương tiếp tục theo dõi và đưa ra những cảnh báo sớm tới cộng đồng doanh nghiệp; đẩy mạnh tuyên truyền trong việc sử dụng công cụ phòng vệ thương mại và ứng phó với các vụ kiện nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các doanh nghiệp Việt Nam.
Đặc biệt, Bộ sẽ phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương triển khai nghiêm túc, đầy đủ các nhiệm vụ đã được Thủ tướng Chính phủ giao trong Đề án “Tăng cường quản lý nhà nước về chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại và gian lận xuất xứ”; đồng thời tăng cường công tác dự báo để ngăn chặn và xử lý nghiêm các hành vi lẩn tránh thuế, gian lận xuất xứ nhằm hướng tới sự phát triển bền vững.
Bài 2: Thiết lập cơ chế tránh rủi ro