Bộ Công Thương xây dựng bộ tiêu chí dán mác 'made in Việt Nam'

Sau những sự việc "nhập nhèm" xuất xứ hàng hóa như Khaisilk và Asanzo, việc đưa ra tiêu chí thế nào là "hàng Việt Nam", "made in Việt Nam" là cần thiết. Bộ Công Thương đang soạn thảo quy định về vấn đề này.

Các quy định hiện hành đối với hàng hóa Việt Nam xuất khẩu sang các nước đã chi tiết về quy tắc xuất xứ, đặt ra yêu cầu xác định tỷ lệ giá trị hàm lượng từ một quốc gia, khu vực của hàng hóa để được hưởng ưu đãi thuế quan và không yêu cầu bắt buộc về việc ghi nhãn hàng hóa.

Tuy nhiên, với hàng hóa tiêu thụ trong nước, hiện còn thiếu quy định chặt chẽ để "áp" các doanh nghiệp trong việc ghi nhãn hàng hóa “Sản xuất tại Việt Nam”, “Made in Vietnam”, "Hàng Việt Nam".

Chú thích ảnh
Còn nhiều cách hiểu khác nhau về hàng hóa "made in Việt Nam" hay "sản xuất tại Việt Nam".

Theo đại diện Bộ Công Thương, các sản phẩm tiêu thụ nội địa ghi xuất xứ thế nào là vấn đề nội bộ của từng quốc gia, các Hiệp định Thương mại tự do (FTA) không điều chỉnh việc này. Với Việt Nam, việc ghi xuất xứ trên nhãn hàng hóa được thực hiện theo Nghị định 43/2017 của Chính phủ về nhãn hàng hóa.

Nội dung cơ bản của Nghị định này là trên nhãn hàng hóa bắt buộc phải thể hiện nước xuất xứ. Các tổ chức, cá nhân gắn nhãn hàng hóa tự chịu trách nhiệm về ghi nước xuất xứ, dựa trên sự hiểu biết tốt nhất của họ, miễn là trung thực.

Tuy nhiên, chính sự cho phép doanh nghiệp "tự nguyện" ghi như vậy đã dẫn đến thực tế có doanh nghiệp ghi nhãn tùy tiện, nhằm đánh lừa người tiêu dùng như trường hợp Khaisilk trước đây hay nghi vấn Asanzo mới đây.

Trao đổi với báo chí, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh cho biết, Bộ đang xây dựng dự thảo, chuẩn bị lấy ý kiến người dân về một bộ quy định thế nào thì được coi là “Sản xuất tại Việt Nam” để áp dụng cho hàng hóa lưu thông trong nước.

Song, Thứ trưởng Trần Quốc Khánh cho rằng, việc này cần tính toán kỹ lưỡng. "Bộ Công Thương sẽ làm hết sức thận trọng, lắng nghe ý kiến mọi tầng lớp nhân dân, đánh giá tác động nhiều chiều và sẽ chỉ trình cấp trên khi biện pháp này nhận được sự đồng tình cao của xã hội", ông Khánh cho hay.

Thứ trưởng Trần Quốc Khánh giải thích kỹ hơn, với hàng triệu sản phẩm, bản “quy tắc xuất xứ” đó sẽ phải chi tiết, cụ thể, thậm chí chi tiết hơn quy tắc xuất xứ của các FTA. Hầu như không nước nào đưa ra quy định áp dụng cho tất cả các sản phẩm lưu thông nội địa. Họ chỉ chọn một số sản phẩm để đưa ra quy định bắt buộc như đồng hồ Thụy Sĩ, rượu Cognac…

Thực tế, với đặc thù của chuỗi sản xuất toàn cầu hiện nay, doanh nghiệp nhập hàng nghìn chi tiết, linh kiện từ khắp nơi trên thế giới, nên không dễ xác định xuất xứ cho hàng hóa. Nhiều nhà sản xuất sẽ ghi thông tin sản xuất bởi chính tên hãng đó như “Made by Samsung”, “Made by Nokia”, cũng có công ty ghi “Lắp ráp tại Việt Nam” thay cho “Sản xuất tại Việt Nam”.

"Việc doanh nghiệp tùy tiện hoặc lạm dụng, thậm chí cố tình lừa đảo ghi nhãn hàng hóa là có. Nếu có ai đó lạm dụng nguyên tắc tự nguyện này để lừa dối thì đã có hình phạt dành riêng cho họ", Thứ trưởng Trần Quốc Khánh cho hay.

Khi có quy định rõ ràng, doanh nghiệp có cơ sở xác định gắn mác “Made in Vietnam” lên sản phẩm. Còn cơ quan quản lý Nhà nước cũng có cơ sở xác định doanh nghiệp vi phạm quy định gắn mác hay không. Người tiêu dùng có thể yên tâm hơn khi mua hàng hóa, bớt đi nỗi lo bị lừa về xuất xứ sản phẩm.

Bài và ảnh: Hoàng Dương/Báo Tin tức
Nhiều nhà bán lẻ tại TP Hồ Chí Minh hỗ trợ đổi sản phẩm Asanzo
Nhiều nhà bán lẻ tại TP Hồ Chí Minh hỗ trợ đổi sản phẩm Asanzo

Ngày 27/5, Công ty cổ phần Đầu tư Thế giới di động đã thông báo chính thức về việc hỗ trợ đổi sản phẩm ti vi Asanzo.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN