Phó Cục trưởng Trần Hùng, người trực tiếp điều tra, xử lý các vụ việc hàng giả hàng nhái thời gian qua, khẳng định với báo chí bên lề cuộc họp sơ kết 6 tháng của Cục Quản lý thị trường chiều 2/8.
Theo ông Trần Hùng, Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương), những vụ hàng giả có tính chất nghiêm trọng, liên quan đến sức khỏe người dân thì phải kiên quyết xử lý, khởi tố nếu cần.
"Trên thị trường cả nước hiện nay, nói như Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm tại cuộc họp sơ kết 6 tháng của Ban chỉ đạo 389 và Ban chỉ đạo 138 quốc gia, cái gì cũng giả, làm mất niềm tin trong nhân dân. Dưới góc độ quản lý thị trường (QLTT), với chức năng kiểm soát hàng hóa lưu thông trên thị trường, chúng tôi đã hết sức cố gắng nhưng còn hạn chế", ông Trần Hùng cho biết.
Ông Trần Hùng khẳng định không để xảy ra "trên nóng dưới lạnh".
Nguyên tắc xử lý các vụ việc là không phải đi bắt một vụ việc hay xử lý một vụ việc mà quan trọng là phải lập lại trật tự quản lý nhà nước trong các lĩnh vực như phân bón, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng…
Trước tình trạng hàng giả tràn lan, QLTT đã tham mưu lãnh đạo Bộ và trực tiếp Bộ trưởng phê duyệt kế hoạch thành lập tổ công tác 334 để xử lý.
Ông Hùng nói: "Bây giờ phải hành động luôn chứ văn bản, thông tư, nghị định quá nhiều. Chúng tôi dứt khoát theo đến cùng các vụ việc mà QLTT đã phát hiện, có đầy đủ dấu hiệu vi phạm hình sự như vụ Thuận Phong. Không khởi tố, truy tố thì trật tự quản lý nhà nước ở đâu. Hay như vụ thuốc giả VN Pharma phải xử lý đúng người đúng tội".
Vụ Vinaga xử phạt hành chính 4 triệu đồng, theo Cục phó QLTT, không thể chấp nhận được. QLTT đã phải xuống phối hợp với công an Hải Phòng, và sau đó khởi tố vụ việc trong 10 ngày. Điều đó cho thấy con người và ý thức trách nhiệm là cái gốc vấn đề. Vụ Khaisilk cơ quan chức năng Hà Nội vẫn đang làm, không thể chìm xuồng được.
Ông Trần Hùng kiểm tra tại hệ thống Con Cưng. |
"Với kinh nghiệm chúng tôi, để tránh xử phạt hành chính trong phát hiện hàng giả, tôi thấy, cứ là hàng giả mà ảnh hưởng đến sức khỏe nghiêm trọng thì phải hình sự, khởi tố trước pháp luật. Và phải phối hợp thật tốt với báo đài. Tới đây sẽ tổ chức lực lượng QLTT ngành dọc từ TƯ xuống đến địa phương thì chúng tôi có điều kiện tốt hơn, không thể trên nóng dưới lạnh", ông Hùng đề nghị.
Ngay chiều qua, ông Trần Hùng đã kí văn bản xử lý 3 vụ việc nhức nhối cả nước về giả mạo nguồn gốc xuất xứ hàng hóa ở 3 vùng trọng điểm cả nước. Vì lý do điều tra bí mật, ông Hùng chưa công bố cụ thể về các vụ này.
"Chúng tôi phối hợp chặt chẽ với công an để điều tra các ổ nhóm, thủ đoạn hàng giả; đâu đó còn hiện tượng buông lỏng để hàng giả công khai, ngang nhiên, thách thức dư luận. Quan trọng nhất là làm sao để nhân dân tin tưởng, phải lấy lại niềm tin, sự đồng thuận để họ ủng hộ, tố giác, tạo nên làn sóng chống hàng giả, hàng nhái", ông Hùng cho hay.
Cục Quản lý thị trường cho biết, 6 tháng đầu năm 2018 đã kiểm tra hơn 79.000 vụ, xử lý hơn 52.000 vụ vi phạm, thu nộp ngân sách hơn 282 tỷ đồng.