Sau vụ Con Cưng, Mumuso, còn bao nhiêu hàng hóa bị giả xuất xứ?

Nhiều thương hiệu hàng tiêu dùng có tiếng trên thị trường Việt Nam, nhưng bị phát hiện nhập nhèm xuất xứ khiến người tiêu dùng vô cùng bức xúc.

Những tưởng sau câu chuyện KhaiSilk bán lụa Trung Quốc gắn nhãn "made in Việt Nam" năm ngoái, các doanh nghiệp sẽ làm ăn nghiêm túc và uy tín hơn. Tuy nhiên, vì cái lợi trước mắt, không ít doanh nghiệp vẫn phớt lờ quy định về nguồn gốc, xuất xứ hàng hóa.

Sản phẩm thuộc dòng CF của Con Cưng bị khách hàng phát hiện có dấu hiệu giả xuất xứ Made in Thái Lan.

Sau khi bị khách hàng tố gian lận xuất xứ hàng hoá, cắt tem nhãn và thay thế bằng tem xuất xứ "Made in Thái Lan", hệ thống siêu thị đồ dành cho mẹ và bé Con Cưng đã bị Cục Quản lý thị trường kiểm tra. Qua đó, quản lý thị trường TP Hồ Chí Minh đã tạm giữ hàng trăm sản phẩm tại các cửa hàng của Con Cưng do không có chứng từ nguồn gốc, sai nhãn mác.

Theo đó, tại cửa hàng Con Cưng (số 833 - 835 Hồng Bàng, quận 6), cơ quan chức năng phát hiện 130 sản phẩm mỹ phẩm các loại, gồm phấn, sữa tắm, gội, sữa dưỡng da, nước hoa hiệu Johnson’s anh Johnson’s baby do Thái Lan, Philippines, Malaysia... sản xuất có nhãn hàng hóa dán trên sản phẩm không thể hiện số lô, số công bố mỹ phẩm theo quy định.

Gần 900 sản phẩm quần áo trẻ em hiệu CF, Concung.com xuất xứ Việt Nam, kèm nhãn giấy, bao bì ghi thông tin thành phần, sản xuất tại Việt Nam, Công ty cổ phần Con Cưng và địa chỉ... không đúng quy định về đơn vị chịu trách nhiệm về hàng hóa.

Ngoài ra, các sản phẩm được bày bán tại cửa hàng này do Việt Nam và nước ngoài sản xuất nhưng chưa xuất trình được hóa đơn chứng từ và có vi phạm về nhãn hàng hóa. Cụ thể, hàng hoá không ghi tên và địa chỉ nhà sản xuất, không ghi năm sản xuất, dán che một phần nhãn gốc.

Mumuso bán toàn hàng Trung Quốc nhưng lại quảng cáo như là hàng Hàn Quốc.

Trước đó, kết luận kiểm tra của Bộ Công Thương với Công ty TNHH Xuất Nhập khẩu Mumuso Việt Nam giai đoạn 2016 tới ngày 31/5/2018 đã chỉ ra nhiều dấu hiệu vi phạm pháp luật của doanh nghiệp này. Công ty kinh doanh 2.273 loại hàng hóa, trong đó, 2257/2273 (99,3%) loại hàng hóa được nhập khẩu từ Trung Quốc, phần còn lại được Công ty mua tại các đơn vị cung cấp hàng hóa, sản phẩm khác trong nước.

Tuy nhiên, Công ty đã cung cấp thông tin không đầy đủ, sai lệch, không chính xác cho người tiêu dùng, sử dụng nhiều nội dung liên quan tới nguồn gốc từ Hàn Quốc để đánh lừa người tiêu dùng.

Đáng nói là Con Cưng và Mumuso đều là những thương hiệu, chuỗi cửa hàng có tiếng trên thị trường mấy năm nay, độ bao phủ rộng khắp cả nước và được nhiều người tiêu dùng yêu thích.

Việc các doanh nghiệp này cố tình "nhập nhèm" xuất xứ hàng hóa khiến người tiêu dùng rất bức xúc. Anh Đoàn Cường, một du học sinh tại Hàn Quốc cho biết, anh đi khắp nước Hàn Quốc mà không thấy cửa hàng Mumuso nào, trong khi về Việt Nam thì lại nghe thấy Mumuso là chuỗi cửa hàng Hàn Quốc.

"Khi vào mua hàng thì tuyệt nhiên không thấy sản phẩm nào Made in Korea mà đều là Made in China. Họ lợi dụng việc giới trẻ Việt Nam yêu thích văn hóa Hàn Quốc, mạo danh Hàn Quốc để bán hàng Trung Quốc", anh Cường cho hay.

Theo ông Nguyễn Mạnh Hùng - Phó chủ tịch, Tổng thư ký Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam, không thể chấp nhận một thương hiệu quảng cáo một đằng, bán hàng một nẻo. Khách hàng có quyền được trả lại hàng hoặc bồi thường và khiếu nại lên cơ quan cạnh tranh để đòi lại quyền lợi.

Ông cũng đề nghị Bộ Công Thương chỉ đạo các đơn vị chức năng, xử lý nghiêm theo thẩm quyền với hành vi gian dối, có dấu hiệu vi phạm pháp luật như của Mumuso.

Được biết, Cục Cạnh tranh của Bộ Công Thương đang xem xét xử phạt doanh nghiệp này dựa trên các dấu hiệu vi phạm đã được nêu tại kết luận kiểm tra và sẽ sớm công bố. Mumuso có thể bị xử phạt 80 - 140 triệu đồng với hành vi quảng cáo thông tin gian dối, gây nhầm lẫn cho khách hàng về xuất xứ hàng hóa, nơi sản xuất… theo Nghị định 71/2014.

Còn với trường hợp của nhãn hàng Con Cưng, ngoài kiểm tra các cửa hàng tại TP Hồ Chí Minh, ông Trần Hùng, Phó cục trưởng Cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương) cho biết sẽ mở rộng kiểm tra toàn bộ hệ thống siêu thị Con Cưng trên toàn quốc. Hiện Con Cưng được biết đến là chuỗi cửa hàng tiêu dùng mẹ và bé quy mô lớn nhất thị trường với 318 siêu thị trên toàn quốc, bao gồm 288 siêu thị với thương hiệu Con Cưng và 30 cửa hàng ToyCity.

Trao đổi với phóng viên báo Tin tức, bà Lê Việt Nga, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho biết đây là bài học cho các doanh nghiệp có ý định làm ăn chộp giật. Một khi người tiêu dùng đã phát hiện sẽ tẩy chay. Ngược lại, đó cũng là cơ hội cho các doanh nghiệp Việt Nam xây dựng thương hiệu cho sản phẩm của mình.

"Không ít hàng hóa Trung Quốc giả danh Made in Việt Nam để dễ bán. Điều đó cho thấy người tiêu dùng đã có tâm lí ưa chuộng hàng Việt Nam. Những doanh nghiệp giả mạo xuất xứ sẽ bị xử lý nghiêm", bà Nga cho hay.

Hoàng Dương/Báo Tin tức
Chuỗi siêu thị Con Cưng thu hồi gần 6.000 sản phẩm lỗi
Chuỗi siêu thị Con Cưng thu hồi gần 6.000 sản phẩm lỗi

Sau khi nhận được phản ánh của khách hàng nghi ngờ nguồn gốc và chất lượng sản phẩm, ngày 23/7 đại diện chuỗi siêu thị Con Cưng cho biết đã lập tức thu hồi gần 6.000 sản phẩm trong lô hàng trên tại các cửa hàng, đồng thời gửi tin nhắn đến gần 4.000 khách hàng để thông báo thu hồi sản phẩm và gửi phiếu quà tặng với giá trị tương đương để mua sản phẩm mới.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN