Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh. Ảnh: Văn Điệp/TTXVN |
Bộ trưởng có thể cho biết các giải pháp để nâng cao giá trị vận tải hàng hóa nhất là hàng hóa xuất khẩu qua việc giảm các chi phí logistics? Hội nghị chuyên đề về phát triển logistics ngày hôm nay của Chính phủ vô cùng có ý nghĩa. Chúng tôi muốn nhấn mạnh đến tính thời điểm của nó. Thứ nhất, nền kinh tế Việt Nam có tốc độ tăng trưởng cao và ổn định trong suốt những thập kỷ vừa qua. Tuy nhiên, trong thời gian tới, những yêu cầu và cơ hội đang còn rất lớn ở phía trước, nhất là với nền kinh tế có độ mở lên tới 190% như là Việt Nam. Đặc biệt, Việt Nam đang hội nhập rất sâu rộng với thế giới với 12 hiệp định thương mại tự do bao gồm cả những hiệp định thương mại tự do thế hệ mới đã được ký kết và đang thực hiện.
Ngoài ra, một loạt các hiệp định tư do song phương và đa phương khác cũng đang được đàm phán, đẩy mạnh... Vì vậy chắc chắn một điều, các hoạt động để thúc đẩy sự luân chuyển thương mại cũng như tham gia các hoạt động thương mại quốc tế có ý nghĩa vô cùng to lớn để đảm bảo cho sự phát triển bền vững của đất nước trong giai đoạn phát triển theo hướng hiện đại hóa, công nghiệp hóa và hội nhập sâu rộng với quốc tế.
Bốc xếp vận chuyển hàng Container thông qua cảng Đà Nẵng. Ảnh: Trần Lê Lâm/TTXVN |
Thứ hai, chúng ta đang chứng kiến những cơ hội to lớn cho cộng đồng doanh nghiệp và nền kinh tế. Đó là những nỗ lực cải cách của Chính phủ theo hướng cắt giảm và đơn giản hóa các thủ tục hành chính, cắt giảm các điều kiện kinh doanh tạo điều kiện cho doanh nghiệp. Chưa kể đến việc chúng ta đang hoàn thiện Chính phủ điện tử, nâng cao hiệu lực hiệu quả của quản lý nhà nước theo hướng ngày càng minh bạch, công khai. Tất cả những điều đó cho thấy cơ hội to lớn cho cộng đồng doanh nghiệp trong tiếp cận thị trường và tham gia các hoạt động thị trường.
Điều thứ 3, chúng ta muốn nói đến là trong một môi trường của thế giới đang hội nhập rất sâu rộng thì áp lực về cạnh tranh và năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, của các doanh nghiệp đang khốc liệt. Nếu các doanh nghiệp không tận dụng được cơ hội thì bị thua thiệt nhiều hơn là được.
Vậy nhiệm vụ trước mắt và lâu dài trong việc phát triển dịch vụ logistics như thế nào thưa Bộ trưởng? Có mấy vấn đề đang đặt ra cho chúng ta trong hội nghị logistics ngày hôm nay cũng như cho toàn bộ các cơ quan quản lý nhà nước, cộng đồng doanh nghiệp. Một là, mặc dù có nhiều cải thiện trong thời gian vừa qua nhưng nhìn chung trình độ, năng lực của nền kinh tế, doanh nghiệp vẫn hạn chế. Đặc biệt là trình độ công nghệ, nguồn nhân lực. Quy mô về kinh tế, cũng như quy mô của từng doanh nghiệp... đều cho thấy chúng ta hội nhập trong sự tụt hậu và có khoảng cách lớn. Vấn đề thứ hai, khuôn khổ, hệ thống pháp luật cũng như môi trường kinh doanh của chúng ta chưa thật sự có sức cạnh tranh, mặc dù đã liên tục được hoàn thiện.
Điều thứ 3 là trong việc tham gia chuỗi giá trị toàn cầu, chúng ta đã đi sau. Do đó chúng phải chấp nhận những thua thiệt trong việc xây dựng thương hiệu, tăng cường giá trị gia tăng ở trong nước, đặc biệt là phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ cũng như trong mô hình tổ chức sản xuất và trong tham gia vào các chuỗi giá trị; trong đó, logistics cũng là một trong những nền tảng rất quan trọng cản trở sự tham gia vào chuỗi giá trị đó mà cụ thể nó thể hiện qua các khía cạnh như quản lý nhà nước về logistics của Chính phủ chưa thật hoàn chỉnh, chưa có một cơ chế đầu mối, một bộ máy hoàn chỉnh để đảm bảo sự tập trung chỉ đạo thống nhất. Dẫn đến tình trạng có rất nhiều bộ ngành cùng tham gia vào hoạt động quản lý và phát triển logistics cũng như cắt giảm chi phí logistics nhưng chưa có sự đồng bộ, toàn diện chung.
Ở một khía cạnh khác, quan điểm chính sách cũng chưa có một cách tiếp cận toàn diện thống nhất, giải quyết được đồng bộ các vấn đề đặt ra. Khía cạnh thứ 4, trình độ nguồn nhân lực trong ngành dịch vụ logistics chưa được quan tâm đúng mức, vì vậy nó cản trở sự phát triển của doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp trong nước về logistics.
Về khía cạnh này, tôi muốn nói thêm đó là công tác quản lý nhà nước trong các ngành về thương mại nói chung còn nhiều bất cập, rào cản. Đặc biệt, trong việc quản lý kiểm tra chuyên ngành, hoạt động về xuất nhập khẩu... dẫn đến việc thông quan hàng hóa, xuất nhập khẩu của doanh nghiệp bị tốn kém nhiều, thiệt hại về thời gian và vật chất.
Khía cạnh cuối cùng đó là hạ tầng chưa đồng bộ và yếu kém. Hệ thống vận tải đa phương thức, tích hợp chặt chẽ chưa có. Hạ tầng giao thông, quy hoạch các trung tâm logistics thương mại và các lĩnh vực khác có liên quan cũng chưa có sự đồng bộ thống nhất. Tất cả dẫn đến chi phí logistics cũng như hiệu quả trong chuỗi giá trị còn mờ nhạt.
Theo Bộ trưởng cần phải khắc phục những điểm yếu nào của những doanh nghiệp đang hoạt động logistics của nước ta hiện nay?
Đối với các doanh nghiệp hoạt động logistics hiện nay, cái yếu của doanh nghiệp có những vấn đề mang tính khách quan, nhưng cũng có những vấn đề mang tính chủ quan.
Cái yếu, cái trở ngại lớn nhất đến hiệu quả với hoạt động logistics là doanh nghiệp phần lớn của chúng ta có quy mô nhỏ, vừa và siêu nhỏ. Đối với hoạt động logistics đây là yếu tố trở ngại rất lớn ảnh hưởng đến hiệu quả của hoạt động của các doanh nghiệp. Chính vì vậy chúng ta phải tính đến giải pháp để khắc phục vấn đề này. Không chỉ là tăng quy mô về tài chính. Vấn đề lớn hơn là phạm vi tiếp cận đối với hoạt động logistics, phải tham gia các chuỗi... Khả năng và tính liên kết cũng cần đặt ra ở đây. Ngoài việc cần những khuôn khổ pháp lý, còn cần vai trò của hiệp hội để tăng khả năng liên kết theo chuỗi giữa các doanh nghiệp logistics với nhau và giữa các mảng, giữa doanh nghiệp logistics với chủ hàng, kinh doanh thương mại.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng cần chú ý đến khả năng ứng dụng công nghệ thông tin vào quản trị. Đây là vấn đề quan trọng trong bối cảnh thương mại điện tử tiếp tục phát triển và trở thành động lực rất quan trọng trong thương mại nói chung và hoạt động logistics nói riêng. Vì vậy, đào tạo nhân lực, cung ứng hạ tầng thông tin để hỗ trợ cho doanh nghiệp là vấn đề rất quan trọng.
Đồng thời, doanh nghiệp cũng cần chủ động trong tìm kiếm cơ hội, cập nhật thông tin, chương trình phát triển của Chính phủ. Chương trình của chính phủ liên quan đến hội nhập là vô cùng quan trọng nhưng cũng đòi hỏi sự chủ động của doanh nghiệp trong việc tiếp cận, liên kết, khai thác cơ hội thị trường.
Cơ chế đối thoại để tạo điều kiện cho doanh nghiệp trong phản ánh chính sách, đề xuất nhu cầu của doanh nghiệp là cần thiết. Tôi cho rằng diễn đàn như thế này rất quan trọng, tạo điều kiện cho doanh nghiệp, Chính phủ được tham khảo, phối hợp, tương tác trên nền tảng tính tích cực, xây dựng...
Xin cảm ơn ông!