Máy bay Boeing 787 số hiệu AI139 của Hãng hàng không Air India hạ cánh
xuống sân bay Ben Gurion, Tel Aviv, Israel ngày 22/3. Ảnh: AFP/TTXVN |
Sinh
năm 1881 tại Detroit, Mỹ, William Edward Boeing tốt nghiệp Đại học Yale
vào năm 1904. Chàng trai trẻ sau đó đã đi đến mảnh đất miền Tây đất
nước để kinh doanh gỗ. Cũng chính lúc này, ông bắt đầu có ý tưởng về một
phương tiện vận tải trên không. Boeing bắt đầu bay vào năm 1911 dưới sự
kèm cặp của Glenn L. Martin, người sau này cũng tự thành lập một công
ty chế tạo máy bay của riêng mình.
Năm 1914, Boeing lập nhóm
cùng quan chức hải quân Hoa Kỳ George C. Westervelt để sản xuất thủy phi
cơ Bluebell, được biết đến rộng rãi với tên B&W. Khi Westervelt
được điều chuyển đến Washington D.C., Boeing hoàn tất chiếc máy bay và
cho B&W bay chuyến đầu tiên vào tháng 6/1916. Một tháng sau, Boeing
thành lập công ty mang tên Pacific Aero Products. Một năm sau đó, ông
đổi tên công ty thành Boeing Airplane.
Một trong những nhân vật
chủ chốt được tuyển vào Boeing những ngày đầu là Tsu Wong. Khi Hoa Kỳ
bước vào Thế Chiến I, chính Wong là người phát triển mẫu thủy phi cơ
huấn luyện Model C cho hải quân Hoa Kỳ. Boeing sản xuất 56 chiếc Model C
và 51 chiếc trong số này được hải quân Hoa Kỳ mua lại. Model C mang
lại thành công về mặt tài chính đầu tiên cho Boeing, đồng thời giúp
công ty thiết lập mối quan hệ đối tác dài lâu với quân đội Hoa Kỳ.
Trong
suốt những năm 1920, Boeing phát triển rất nhiều mẫu máy bay, phục vụ
cả mục đích quân sự lẫn mục đích vận tải. Song điều bất ngờ là chiếc máy
bay thương mại đầu tiên của Boeing, chiếc B-1, đã không được sử dụng để
chở khách, thay vào đó được dùng để đưa thư. Boeing lúc này cũng đã
thắng một số hợp đồng chuyển phát thư lớn của Bưu cục Hoa Kỳ.
Để
vận hành hoạt động chuyển phát thư bằng đường hàng không “lớn như
thổi”, Boeing năm 1927 thành lập Boeing Air Transport, chính “hạt giống”
này bốn năm sau đó đã khai sinh United Airlines.
Hoạt động của
Boeing hòa theo dòng lịch sử của thế giới, khi cuộc Đại Suy thoái những
năm 1930 đã giáng một đòn chí mạng vào ngành hàng không. Năm 1939, đối
thủ của Boeing là McDonnell Douglas Corporation đã chế tạo chiếc máy bay
thương mại mang về lợi nhuận đầu tiên Douglas DC-3, vận chuyển hơn 90%
hành khách Mỹ thời kỳ đầu Thế Chiến II. Với "đòn đáp trả", Boeing phát
triển mẫu 314 Clipper tầm xa, là máy bay dân dụng lớn nhất giai đoạn
này, gồm cả phòng thay đồ và phòng ăn.
Máy bay quân sự là mặt
hàng chính được Boeing sản xuất trong Thế Chiến II. Được biết đến rộng
rãi nhất là hai mẫu B-17 “Pháo đài bay” và “B-29 Siêu pháo đài”, mà có
lần Gen. Carl Spaat, một vị chỉ huy không quân Hoa Kỳ, phải khẳng định,
nếu không có Boeing B-17, rất có thể Hoa Kỳ đã thua trong Thế Chiến II.
Mùa Xuân năm 1944, hoạt động sản xuất máy bay quân sự Boeing được đẩy
mạnh đến mức mỗi tháng có hơn 350 máy bay được sản xuất, chủ yếu bởi phụ
nữ, khi những người chồng của họ đang tham chiến.
Thế Chiến II
kết thúc là lúc Boeing chuyển hướng phát triển máy bay thương mại. Những
năm tiếp theo chứng kiến việc Boeing ra mắt máy bay dân dụng loại lớn
707 bốn động cơ, có thể chở 156 hành khách bay xuyên Đại Tây Dương. Mẫu
707 nhanh chóng giành được thiện cảm của hành khách, và được nối tiếp
bởi sự ra đời của mẫu 727 và 737 mà sau này trở thành máy bay thương mại
đắt hàng nhất thế giới vào cuối thế kỷ 20. Chiếc máy bay thân rộng đầu
tiên của Boeing là Boeing 747, có thể chở tới 490 hành khách, và là mẫu
nắm kỷ lục về sức chứa trong 37 năm liên tiếp.
Đầu những năm
1970 là giai đoạn khó khăn đối với Boeing khi công ty đối mặt với khoản
nợ 2 tỷ USD liên quan đến việc sản xuất máy bay 747. Thêm vào đó, Chính
phủ Mỹ cũng giảm chi tiêu quân sự, đồng nghĩa với việc Boeing nhận được
ít hơn đơn đặt hàng máy bay quân sự. Khó chồng khó đã khiến công ty lao
đao khi hơn một năm không nhận được đơn đặt hàng nội địa nào và phải sa
thải phân nửa lượng nhân viên.
Chỉ đến những năm 1980, tình hình kinh tế của Boeing bắt đầu khấm khá khi nhu cầu đi lại bằng đường không gia tăng.
Ngành
hàng không bùng nổ mang lại cho Boeing nhiều cơ hội. Mới đây nhất, đầu
tháng 4/2018, Boeing thông báo đạt được thỏa thuận bán 50 máy bay
Boeing 737 MAX 10 với tổng trị giá 6,24 tỷ USD cho hãng hàng không giá
rẻ Lion Air của Indonesia, hợp đồng lớn nhất từ trước tới nay của Boeing
đối với máy bay MAX 10.