Năm 2018, sản lượng tăng song giá xuất khẩu (XK) cà phê liên tục giảm. Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTT), xuất khẩu cà phê 11 tháng năm 2018 ước đạt 1,73 triệu tấn và 3,3 tỷ USD, tăng 23,4% về khối lượng, nhưng chỉ tăng 3,2% về giá trị so với cùng kỳ năm 2017.
Thừa nhận thực tế này, ông Phan Xuân Thắng, Phó chủ tịch Hiệp hội Cà phê - Cacao Việt Nam (VICOFA) cho biết, đợt khủng hoảng giá cà phê trong năm 2018 đã gây thiệt hại cho ngành khoảng 2.500 - 3.000 tỷ đồng. Dự báo, niên vụ tới sản lượng cà phê sẽ tiếp tục giảm sâu. Giá cà phê giảm sâu là do chịu ảnh hưởng từ đà "lao dốc" của giá cà phê thế giới.
Bên cạnh đó, việc người trồng cà phê thua lỗ là do bà con chuyển đổi nhiều diện tích cà phê sang trồng các loại cây khác, cộng với lượng mưa năm nay lớn, kéo dài, dẫn đến tình trạng quả non rụng nhiều hơn bình thường, gây ảnh hưởng trực tiếp tới sản lượng cà phê niên vụ mới.
Bộ NN&PTNT dự báo, giá cà phê thời gian tới sẽ khó khởi sắc do sản lượng vụ cà phê mới năm nay của Brazil, sau khi đáp ứng đủ nhu cầu trong nước sẽ dư thừa khoảng 4 – 5 triệu bao bán XK. Để đảm bảo cho sự phát triển bền vững, ổn định của ngành cà phê, tránh phụ thuộc quá nhiều vào biến động giá cả từ thị trường thế giới, các doanh nghiệp trong nước cần đẩy mạnh khâu chế biến, XK cà phê rang xay, thay vì chủ yếu XK cà phê thô như hiện tại.
Ông Đỗ Kim Lang, Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) phân tích rõ hơn: Nhiều nước hiện nay biết rõ sản lượng XK của cà phê Việt Nam, nhưng không biết chất lượng như thế nào. Các thương hiệu Cà phê Trung Nguyên, Nguyên Trang… đã tự XK cà phê tới các thị trường quốc tế, nhưng không mang tầm cạnh tranh toàn cầu, thậm chí cà phê Việt Nam còn chưa tham gia được vào chuỗi giá trị quốc tế. Vì vậy, cần phải quan tâm hơn đến đẩy mạnh XK hàng có thương hiệu, nâng giá trị gia tăng của sản phẩm XK, cũng như khả năng cạnh tranh trên thị trường.