Giảm nước tưới, thay giống mới để phát triển cà phê bền vững

Tuy có nhiều tiềm năng phát triển cà phê, song khu vực Tây Nguyên cũng đối mặt với thách thức từ phương thức canh tác lạc hậu và quá trình biến đổi khí hậu. Điều này đòi hỏi ngành cà phê phải thay đổi để sản xuất bền vững và mang lại giá trị cao hơn.

Thích ứng với khô hạn

Chỉ tay vào chai nước khoáng bằng nhựa cắm ngược xuống đất dưới gốc cây cà phê trong khu vườn 3 ha của mình, anh nông dân Lê Hồng Thành (xã Nhân Cơ, Đăk R’lấp, Đắk Nông) cho biết: Đây là cách đơn giản mà hiệu quả, giúp anh nhận biết đất khô hay chưa, cần tưới hay chưa thông qua sự bốc hơi của nước. Áp dụng "mẹo" này giúp anh tiết kiệm được rất nhiều nước tưới, thay vì việc tưới tràn lan như trước đây.

Chú thích ảnh
Anh Lê Hồng Thành giới thiệu "mẹo" tưới tiết kiệm nước trong bối cảnh Tây Nguyên ngày càng khô hạn hơn.

Ở khu vườn cà phê bên cạnh của ông Lê Hồng Nhạn, mặt đất vẫn giữ lại một lớp cỏ cao chừng 5 - 10 cm. "Khác với trước đây thường nhổ hết cỏ trong vườn, với phương thức canh tác mới, tôi vẫn giữ lại một lớp cỏ trong vườn cà phê để tránh sự bốc hơi nước của đất, giúp tiết kiệm nước tưới", ông Nhạn cho hay.

Anh Thành hay ông Nhạn là hai trong số nhiều nông dân Tây Nguyên được các cán bộ kỹ thuật của dự án toàn cầu Nescafé Plan và Viện Khoa học kỹ thuật nông lâm nghiệp Tây Nguyên (WASI) hướng dẫn kỹ thuật canh tác tiên tiến. Anh cũng như các nông dân trong vùng được hướng dẫn ghi chép Nhật ký nông hộ, áp dụng biện pháp tưới tiết kiệm nước thông qua sử dụng công cụ đơn giản như: chai nhựa để đo độ ẩm đất, lon sữa bò để đo đạc lượng mưa.

Bên cạnh việc tưới kiết kiệm thì việc tái canh giống mới cũng rất quan trọng. Anh Lê Hồng Thành cho biết: Giống TR4, 9, 11 đã giúp năng suất khu vườn cà phê của anh tăng gấp đôi so với trước đây.

Cụ thể, năng suất thu hoạch bói năm 2017 đạt 2 tấn nhân/ha, năm 2018 dự kiến năng suất 4 tấn nhân/ha, gấp đôi so với trước đây. Năng suất vài năm nữa có thể lên tới 5 - 6 tấn/ha.

"Năng suất cao, cây chịu hạn tốt nên chúng tôi không còn lo cà phê mất mùa do khô hạn như hồi năm 2017 nữa, đầu ra cũng ổn định hơn", anh Thành vui mừng chia sẻ.

Theo anh Nguyễn Hữu Thông, cán bộ kỹ thuật của dự án, cây giống được Viện WASI nghiên cứu và cung cấp cho bà con nông dân có kích cỡ quả to gấp đôi so với giống cũ. Giống cũ thì quả rất nhỏ dù số lượng nhiều, năng suất chỉ khoảng 2 - 3 tấn/ha. Khi thay thế giống mới thì thu nhập nông dân tăng gấp đôi.

Anh Thông cho biết thêm: Với thực trạng biến đổi khí hậu, khô hạn diễn ra khó lường tại Tây Nguyên, việc thay thế giống mới thích nghi với khô hạn cũng như áp dụng các kỹ thuật canh tác mới sẽ góp phần giúp nông dân thích ứng, giảm những tác động tiêu cực.

Chú thích ảnh
Ông Lương Văn Tự, Chủ tịch Hiệp hội Cà phê - Ca cao Việt Nam (thứ 2 từ phải sang) thăm khu vườn cà phê tại xã Nhân Cơ, Đắk Nông.

"Chúng tôi hướng dẫn nông dân trồng thêm các cây che bóng như muồng, bơ... góp phần hạn chế thất thoát hơi nước và che bóng râm cho cây. Bình thường 20 ngày phải tưới nước nhưng nay có thể 30 ngày mới phải tưới", anh Thông cho hay.

Đầu tư vào vùng nguyên liệu

Một hướng mới đang mở ra trong phát triển cà phê bền vững tại Việt Nam, đó là doanh nghiệp sản xuất, chế biến cà phê đầu tư sâu vào vùng nguyên liệu, thay vì đi mua gom từ các thương lái, nông dân như trước đây.

Không chỉ dự án Nescafé Plan mà thực tế đã có nhiều doanh nghiệp làm theo cách này để có thể chủ động nguồn nguyên liệu đạt chuẩn, từ đó chế biến cà phê rang xay và cà phê hòa tan xuất khẩu.

Chẳng hạn như cà phê Minh Tiến tại Hà Nội mỗi năm xuất khẩu được 20.000 tấn cà phê Arabica nhờ chủ động nguồn nguyên liệu tại Sơn La, Lâm Đồng và Quảng Trị. Công ty cử chuyên gia kỹ thuật "ăn ngủ cùng bà con" để hướng dẫn nông dân sản xuất theo tiêu chuẩn kỹ thuật, đồng thời bao tiêu đầu ra cho bà con. Nhờ đó, sản phẩm của công ty đã đạt được các chứng chỉ cà phê quốc tế như 4C, UTZ... để xuất khẩu.

Theo ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn, muốn thúc đẩy phát triển cà phê bền vững thì các doanh nghiệp phải gắn với vùng nguyên liệu, các vùng nguyên liệu cần phải đảm bảo các khâu từ sản xuất, thu hoạch, bảo quản cũng như sử dụng giống phù hợp với thị trường.

"Cần tiếp tục triển khai thực hiện các mô hình thí điểm, trong đó chú trọng các khâu về giống chất lượng, tưới nước tiết kiệm, xen canh các cây trồng khác; tiến hành xây dựng một số chuỗi giá trị cà phê hoàn chỉnh, gắn doanh nghiệp với tổ hợp tác, hợp tác xã, gắn sản xuất với tiêu thụ…", ông Tuấn đề nghị.

Tại “Ngày Cà phê Việt Nam” diễn ra tại Đắk Nông tuần qua, trao đổi với phóng viên báo Tin tức, ông Nguyễn Nam Hải, Phó Chủ tịch Hiệp hội Cà phê - Ca cao Việt Nam, có cùng quan điểm: Trong tái cơ cấu chung của ngành nông nghiệp thì có tái cơ cấu ngành cà phê, xây dựng ngành cà phê phát triển bền vững theo 2 hướng: một là xây dựng vùng nguyên liệu bền vững, quy trình sản xuất tiên tiến, hạn chế tối đa phân bón hóa học và thuốc trừ sâu để tạo ra nguyên liệu sạch; hai là đưa khoa học công nghệ vào chế biến cà phê, tạo ra sản phẩm chế biến sâu có giá trị gia tăng cao.

"Thời gian tới, doanh nghiệp cà phê phải đầu tư sâu hơn vào vùng nguyên liệu, trong đó chú trọng thay thế các giống cây già cỗi đã trồng và thu hoạch nhiều năm bằng các giống mới chịu hạn, năng suất cao", ông Hải đề nghị.

Chú thích ảnh
Nông dân Đắk Nông thu hái cà phê.

TS Nguyễn Văn Thường, Phó Viện trưởng WASI, cho biết: Viện đang nghiên cứu sản xuất cây giống cà phê bằng phương pháp nuôi cấy mô tế bào. Theo phương pháp mới này, từ một mẩu lá của cây giống tốt đưa vào nuôi cấy 2 năm sẽ tạo ra được vài chục ngàn cây, giữ nguyên bản chất của giống tốt. Những cây giống này sắp tới sẽ được bán ra thị trường.

"Giá loại cây giống này cao hơn so với các giống truyền thống, tuy nhiên cho năng suất cao hơn hẳn, đặc biệt là phù hợp với tình hình biến đổi khí hậu tại nước ta", TS Nguyễn Văn Thường cho hay.

Việt Nam là quốc gia sản xuất cà phê Robusta lớn nhất thế giới nhưng cà phê Việt Nam đang gặp phải những vấn đề ảnh hưởng tới sự phát triển lâu dài như chất lượng cà phê hạn chế, diện tích cà phê già cỗi ngày càng tăng ảnh hưởng tới năng suất và chất lượng, nguồn tài nguyên nước bị khai thác không hiệu quả gây lãng phí.
Hoàng Dương/Báo Tin tức
Khai mạc Ngày Cà phê Việt Nam lần thứ 2 tại thị xã Gia Nghĩa, Đắk Nông
Khai mạc Ngày Cà phê Việt Nam lần thứ 2 tại thị xã Gia Nghĩa, Đắk Nông

Mặc dù không phải là trung tâm của vùng cà phê Tây Nguyên, đường sá giao thông, cơ sở hạ tầng không thuận lợi so với các tỉnh khác trong vùng nhưng Đắk Nông vẫn được chọn là nơi tổ chức Ngày Cà phê Việt Nam lần thứ 2 năm 2018.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN