Chuyển biến tích cực này là tín hiệu đáng mừng, thể hiện sự vào cuộc quyết liệt của các cấp, các ngành đối với công tác triển khai, quán triệt và thực hiện Chỉ thị số 11-CT/TU của ban Thường vụ Tỉnh ủy nhằm khắc phục cảnh báo “thẻ vàng” của Ủy ban châu Âu về chống khai thác hải sản bất hợp pháp.
Chính quyền các huyện ven biển ở tỉnh Cà Mau đã tổ chức nhiều đợt tuyên truyền đến các chủ tàu, thuyền trưởng và thuyền viên hành nghề khai thác thủy, hải sản trên biển để họ nắm vững các quy định của pháp luật có liên quan trong hoạt động đánh bắt thủy, hải sản; quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thủy, hải sản.
Đồng thời, lực lượng chức năng yêu cầu các chủ tàu cá hoạt động đánh bắt xa bờ cam kết không vi phạm vùng biển nước ngoài, tích cực tham gia bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc, bảo vệ công trình khí trên biển.
Chủ tịch UBND huyện Trần Văn Thời Lê Phong cho hay: Huyện hiện có cửa biển Sông Đốc, là nơi tập trung số lượng tàu khai thủy sản lớn nhất của tỉnh. Do vậy, để ngăn chặn có hiệu quả việc tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài, Ban Thường vụ Huyện ủy Trần Văn Thời đã nghiêm túc triển khai, quán triệt và thực hiện Chỉ thị số 11-CT/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Cà Mau về các nhiệm vụ và giải pháp cấp bách tăng cường quản lý, ngăn chặn, chấm dứt tình trạng tàu cá và ngư dân của tỉnh khai thác hải sản bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài.
Huyện ủy, UBND huyện Trần Văn Thời đã nỗ lực đôn đốc, chỉ đạo chính quyền các xã ven biển phối hợp Đồn Biên phòng Sông Đốc và các đơn vị liên quan thường xuyên tổ chức tuyên truyền về nội dung văn bản pháp luật liên quan đến chủ quyền vùng biển, đảo của Việt Nam; phổ biến một số quy định của nhà nước trong khai thác và nêu cao trách nhiệm bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Việt Nam, tránh vi phạm pháp luật khi hành nghề trên biển.
Hiện, huyện Trần Văn Thời đang theo dõi, kịp thời phát hiện, ngăn chặn tình trạng tổ chức, cá nhân môi giới, móc nối đưa tàu đi khai thác hải sản trái phép ở vùng biển nước ngoài; quản lý chặt địa bàn có tàu cá khai thác hải sản xa bờ, nhất là các đối tượng là chủ tàu, thuyền trưởng đã vi phạm.
Mặc dù, tình trạng tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài trên địa tỉnh đã tạm lắng, nhưng có khả năng sẽ tái diễn trong thời gian tới. Chủ tịch UBND huyện U Minh Dư Bé Ba thông tin, ở vùng biển có trường hợp ngư dân sở hữu từ 2-3 tàu cá hoạt động đánh bắt xa bờ.
Nếu một phương tiện của ngư dân vi phạm vùng biển nước ngoài thì cơ quan chức năng có thể xem xét áp dụng biện pháp cấm hoạt động vĩnh viễn các tàu cá còn lại để chủ tàu cá không còn tái phạm. Lãnh đạo huyện U Minh cũng nghiêm túc kiểm điểm về trách nhiệm đối với người đứng đầu cơ quan, đơn vị để xảy ra vụ việc 2 tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài trong thời gian vừa qua.
Liên quan đến vấn đề trên, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Nguyễn Tiến Hải yêu cầu các cấp, các ngành, chính quyền địa phương ven biển vào cuộc với tinh thần quyết liệt hơn nữa, trong đó tiếp tục triển khai thực hiện tốt Chỉ thị số 11-CT/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Cà Mau về các nhiệm vụ và giải pháp cấp bách tăng cường quản lý, ngăn chặn, chấm dứt tình trạng tàu cá và ngư dân của tỉnh khai thác hải sản bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài.
Tỉnh Cà Mau tăng cường kiểm soát chặt chẽ phương tiện, thuyền trưởng, thuyền viên ra vào cửa biển; kiên quyết cấm ra khơi đối với tàu cá không có hoặc có ngư cụ không đúng với đăng ký, đăng kiểm; tiếp tục tuyên truyền giáo dục, vận động chủ các phương tiện gắn các thiết bị giám sát hành trình khai thác nhằm nắm bắt thông tin, cảnh báo ngư dân không khai thác vi phạm vùng biển nước ngoài.
Cùng với đó, tỉnh xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm vùng biển nước ngoài, trong đó biện pháp chế tài nặng nhất đó là tước bằng thuyền trưởng, rút giấy phép khai thác theo quy định. Ngoài ra, người đứng đầu cơ quan, đơn vị để xảy ra tình trạng tàu cá và ngư dân trên vi phạm vùng biển nước ngoài thì phải chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh này
Theo cơ quan chức năng tỉnh Cà Mau, nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài thời gian qua, do nguồn lợi hải sản các vùng biển trong nước ngày càng suy giảm. Điều này đã khiến một số chủ tàu, thuyền trưởng vì lợi ích kinh tế trước mắt nên cố tình vi phạm. Thêm nữa, công tác xử lý vi phạm đối với một số vụ việc chưa nghiêm, biện pháp chế tài xử lý chưa đủ sức răn đe...