Xử lý dứt điểm tình trạng tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài

Sáng 8/12, Đoàn công tác của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã làm việc với UBND tỉnh Bình Thuận về việc thực hiện Chỉ thị 689/CT-TTg và Công điện 732/CĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc ngăn chặn, giảm thiểu và chấm dứt tàu cá và ngư dân Việt Nam khai thác hải sản trái phép ở vùng biển nước ngoài.

Tỉnh Bình Thuận có chiều dài bờ biển 192 km, vùng nước nội thủy rộng 21.600 km2, địa bàn khu vực biên giới biển chủ yếu là bãi ngang nên việc quản lý, giám sát tàu cá hoạt động cũng như xác minh thông tin ngư dân bị bắt giữ ở vùng chồng lấn gặp rất nhiều khó khăn do lực lượng, phương tiện còn hạn chế. Cùng với đó, công tác tuần tra, kiểm soát của các lực lượng chức năng trên các vùng biển xa chưa thường xuyên, liên tục khiến việc phát hiện, cảnh báo, ngăn chặn ngư dân xâm phạm vùng biển nước ngoài không kịp thời.

Ông Huỳnh Quang Huy, Chi Cục trưởng Chi cục Thủy sản Bình Thuận cho biết, những năm qua các cấp, ngành, địa phương trong tỉnh luôn đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến chủ trương, chính sách pháp luật của nhà nước về an ninh, chủ quyền biển đảo cũng như các quy định, hình thức xử lý vi phạm của một số nước trong khu vực; tổ chức cho thuyền trưởng ký cam kết không vi phạm vùng biển nước ngoài, nhưng vẫn còn tình trạng tàu cá và ngư dân vi phạm.

Đến nay, tỉnh đã phê duyệt 1.575 tàu cá đủ điều kiện hoạt động trên các vùng biển xa; đồng thời đưa ra khỏi danh sách 71 tàu cá do vi phạm vùng biển nước ngoài cũng như vi phạm việc bảo vệ nguồn lợi thủy sản...

Theo ông Phạm Văn Nam, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận, mặc dù trên địa bàn tỉnh chỉ có một số tàu vi phạm, nhưng đã ảnh hưởng đến ngành khai thác thủy sản nói riêng và vấn đề xuất khẩu thủy sản nói chung.

*Theo ông Mai Anh Nhịn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang, tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành chức năng, huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn thực hiện Công điện số 732/CĐ-TTg, ngày 28/5/2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc ngăn chặn, giảm thiểu và chấm dứt tàu cá, ngư dân Việt Nam khai thác hải sản trái phép ở vùng biển nước ngoài.

Cụ thể, UBND tỉnh Kiên Giang đã thành lập Tổ thông tin tuyên truyền, xây dựng kế hoạch tuyên truyền bằng nhiều hình thức sâu rộng trong cộng đồng ngư dân, nâng cao nhận thức cho chủ tàu cá, thuyền trưởng, ngư phủ tuân thủ quy định pháp luật Việt Nam và nước ngoài trong lĩnh vực khai thác hải sản.

Các lực lượng chức năng, đơn vị nghiệp vụ tỉnh Kiên Giang phối hợp điều tra các tổ chức, cá nhân có dấu hiệu móc nối đưa tàu đi khai thác hải sản trái phép vùng biển nước ngoài, môi giới chuộc tàu cá và ngư dân bị nước ngoài bắt giữ về nước trái phép, khởi tố hình sự những vụ việc điển hình đối với các đối tượng vi phạm. Tăng cường tuần tra, kiểm soát trên biển và xử lý vi phạm hành chính các tàu cá có màu sơn giống tàu nước ngoài, vẽ số sơ sài, kẻ sọc và đánh dấu tàu cá không đúng quy định. Kiên quyết không cấp giấy phép khai thác thủy sản, không cho đóng mới đối với chủ tàu có tàu cá vi phạm…

Bên cạnh đó, các huyện, thị xã và thành phố có biển đẩy mạnh tuyên truyền, vận động ngư dân chấp hành tốt quy định của pháp luật, hàng tháng tổ chức ra quân hành động thực hiện Công điện 732/CĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ; yêu cầu các chủ tàu cá khai thác hải sản xa bờ ký cam kết không khai thác hải sản trái phép ở vùng biển nước ngoài. Các địa phương không xem xét những chủ tàu cá khai thác hải sản vi phạm vùng biển nước ngoài về các chính sách hỗ trợ của Nhà nước và xử lý nghiêm các tàu cá vi phạm.

“Trong thời gian tới, nếu không ngăn chặn, giảm thiểu tình trạng tàu cá, ngư dân Kiên Giang vi phạm vùng biển nước ngoài trong khai thác hải sản thì Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố và thủ trưởng các sở, ban, ngành phải chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh”, ông Mai Anh Nhịn nhấn mạnh.

Để triển khai Công điện của Thủ tướng Chính phủ, trước đó ngành chức năng tỉnh Kiên Giang đã phối hợp với các huyện Phú Quốc, Kiên Hải, Kiên Lương, thị xã Hà Tiên và thành phố Rạch Giá tuyên truyền trong cộng đồng ngư dân nội dung Công điện cũng như việc Liên minh châu Âu cảnh báo “thẻ vàng” đối với hải sản Việt Nam với hàng nghìn lượt người tham dự.

Qua đó, các chủ tàu cá khai thác hải sản xa bờ và thuyền trưởng đã ký cam kết không khai thác hải sản trái phép ở vùng biển nước ngoài, phối hợp tốt với các lực lượng chức năng làm nhiệm vụ trên biển ngăn chặn, giảm thiểu và chấm dứt tình trạng này.

Lê Huy Hải (TTXVN)
Ngăn chặn tình trạng khai thác hải sản trái phép tại vùng biển nước ngoài
Ngăn chặn tình trạng khai thác hải sản trái phép tại vùng biển nước ngoài

Ngày 30/5, tại trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã chủ trì cuộc họp đánh giá tình hình thực hiện Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về việc ngăn chặn, giảm thiểu và chấm dứt tình trạng tàu cá, ngư dân Việt Nam khai thác hải sản trái phép ở vùng đặc quyền kinh tế nước ngoài.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN