Bất cập khi trồng thảo quả dưới tán rừng

Cây thảo quả từ lâu không chỉ gắn bó với đồng bào các dân tộc vùng cao Lào Cai như một loại dược liệu, gia vị đặc trưng mà trong hơn một thập niên qua, loại cây này đã giúp người dân địa phương thoát nghèo, vươn lên làm giàu, thậm chí trở thành những triệu phú, tỷ phú. Thế nhưng, do đặc tính sinh trưởng và phát triển, loại cây này gây ra rất nhiều khó khăn trong công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng.

Cây xóa đói, giảm nghèo của vùng cao

Trước đây, mỗi gia đình đồng bào các dân tộc vùng cao Lào Cai thường dự trữ một ít thảo quả trong nhà như là một loại gia vị, dược liệu truyền thống. Năm 2000, khi thị trường thảo quả khô được thu mua với giá cao thì người dân ồ ạt trồng và diện tích cây thảo quả phát triển nhanh.

Gia đình ông Sùng Seo Tỏa ở thôn Sà Phìn, xã Bản Liền là hộ đầu tiên ở huyện Bắc Hà thực hiện trồng cây thảo quả trên diện tích lớn đem lại hiệu quả và thu nhập cao. Những năm 2000 trở về trước, gia đình ông chủ yếu sống đựa vào nghề nông, trồng cây lúa, cây ngô, vất vả làm lụng nhưng nguồn thu nhập chẳng được là bao, cuộc sống gia đình gặp nhiều khó khăn thiếu thốn.

Nhận thấy thảo quả là một loại cây lấy quả dễ trồng trên đất rừng, lại không mất công chăm sóc, dễ chế biến và bảo quản, thu hoạch cho hiệu quả kinh tế cao, nên đầu năm 2003, ông Tỏa mạnh dạn quyết định đầu tư mua hơn 2.000 cây giống thảo quả với giá 2.000 đồng một cây, mang về trồng trên diện tích 1,5 ha đất rừng khai hoang của gia đình.

Vụ thu hoạch đầu tiên gia đình ông Tỏa đã thu được 10 triệu đồng, với gần 5 tạ quả tươi gia đình làm lò sấy được 1 tạ quả khô mang ra thị trường bán với giá 100.000 đồng/kg. Sau trồng thử, nhận thấy hiệu quả kinh tế thực sự từ cây thảo quả đem lại, năm 2006, gia đình ông quyết định tự ươm và nhân giống cây để trồng mở rộng thêm 3,5 ha.

Từ năm 2010 đến nay, gia đình đã có trên 5 ha cây thảo quả cho thu hoạch trên 3,5 tấn quả tươi, với 2 lò sấy thủ công, gia đình đã thực hiện sấy khô và thu được 8 tạ quả khô, bán với giá 120.000 đồng/kg, đem lại nguồn thu gần 100 triệu đồng cho gia đình/năm.

Xã Hoàng Liên, thị xã Sa Pa có tổng diện tích tự nhiên 6.903 ha; trong đó, có 4.988 ha rừng đặc dụng. Xã có 8 thôn bản, 995 hộ, 6.033 khẩu, trong số này người Mông chiếm đa số, phần lớn là lao động nông thôn, sống và thu nhập dựa vào rừng. Trên địa bàn xã Hoàng Liên hiện có nhiều hộ gia đình trong xã và các xã, phường lân cận thực hiện trồng thảo quả trong rừng đặc dụng Vườn quốc gia Hoàng Liên.

Đây là loài cây trồng dễ sống, phù hợp với trình độ canh tác và phong tục, tập quán của người dân địa phương; đồng thời mang lại giá trị kinh tế cao, góp phần tích cực phát triển kinh tế hộ. Thông qua việc trồng, chăm sóc, thu hoạch thảo quả, đã tạo ra nhiều việc làm, góp phần xóa đói giảm nghèo cho đồng bào các dân tộc thiểu số. Nhờ trồng thảo quả mà nhiều hộ đã thoát nghèo và vươn lên làm giàu, như Hạng A Sang (thôn Ý Lình Hồ 2) thu khoảng 100 triệu đồng/năm; Sùng A Cở (thôn Sín Chải A) thu hơn 90 triệu đồng/năm…

Ông Giàng A Sàng, Đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh Lào Cai cho biết, diện tích cây thảo quả toàn tỉnh Lào Cai hiện lên tới gần 12.500 ha tương đương với khoảng 1.250 tấn đem lại nguồn lợi từ 150 - 200 tỷ/năm cho 12.438 hộ. Rõ ràng, diện tích cây thảo quả ở Lào Cai lớn, mỗi năm mang lại thu nhập hàng trăm tỷ đồng cho người dân, thông qua việc trồng, chăm sóc, thu hoạch thảo quả, đã tạo ra nhiều việc làm, góp phần xóa đói giảm nghèo cho đồng bào các dân tộc thiểu số. Tuy nhiên, đây chỉ là những lợi ích trước mắt, để lại hậu quả trong sự phát triển bền vững của những khu rừng tự nhiên và rừng phòng hộ.

Giữ rừng tự nhiên là mục tiêu lớn nhất

Thảo quả sinh trưởng phát triển tốt ở nơi có độ cao trên 1.000m so với mặt nước biển, có đặc tính ưa ẩm, nhiệt độ trung bình năm thích hợp để cây thảo quả phát triển, khoảng 15 độ C. Thảo quả ưa bóng, luôn cần có độ che bóng từ 40% trở lên, vì vậy, trồng xen thảo quả dưới tán rừng tự nhiên sẽ giúp cây sinh trưởng và phát triển tốt.

Ở vùng cao Lào Cai, hầu như tất cả các xã đều có điều kiện thuận lợi để phát triển cây thảo quả. Một đặc tính khác là, mặc dù cây thảo quả từ trước tới nay chỉ có hiệu quả kinh tế dưới tán rừng già, nơi có độ ẩm cao. Tuy nhiên, sau từ 5 - 6 năm khi bắt đầu cho thu hoạch cây thảo quả lại cần tới lượng ánh sáng nhất định, trên diện tích 1 ha, điều kiện tốt nhất là độ che phủ của rừng 20%, còn lại 80% là thảo quả, nên bà con thường có thói quen tỉa thưa và phát dọn sạch khu rừng để dành chỗ cho cây thảo quả sinh trưởng.

Hậu quả của cách làm này đã rõ ràng, hệ sinh thái của các cánh rừng tự nhiên bị xáo trộn và mất cân bằng. Thảo quả khiến một thế hệ cây tái sinh biến mất. Nguy hại hơn là việc chặt hạ những cây rừng cỡ nhỏ và vừa trong diện tích thảo quả sẽ mất đi tính thay thế, tán sinh tự nhiên của các cánh rừng tự nhiên đặc dụng.

Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Lào Cai Vũ Hồng Điệp cho biết, người dân phát luỗng để lấy ánh sáng cho cây thảo quả và chính những cây gỗ này sẽ là nguồn nguyên liệu sấy thảo quả trong những vụ thu hoạch. Thảo quả phải qua công đoạn sấy bởi quả tươi bảo quản không được bao lâu, mặt khác nếu đem quả tươi được ra trung tâm xã thì mất rất nhiều công sức, khối lượng lại không được nhiều, giá rẻ.

Vì vậy, người dân thường sấy khô rồi mới gùi ra khỏi rừng bán. Phát triển thảo quả còn dẫn đến nguy cơ cháy rừng, đặc biệt trong mùa khô xuất phát từ việc sấy thảo quả và bất cẩn trong các sinh hoạt của con người. Nếu xảy ra cháy rừng thì rất khó ngăn chặn, dập tắt vì các nương thảo quả thường nằm sâu trong rừng già, xa khu dân cư. 

Ông Lê Dũng, Trạm kiểm lâm số 1, hạt kiểm lâm Hoàng Liên, Vườn Quốc gia Hoàng Liên cho biết, riêng đối với xã Hoàng Liên, việc trồng thảo quả và tồn tại các lều, lán sinh hoạt, sấy thảo quả còn làm mất đi tính hoang sơ, vẻ đẹp tự nhiên của các khu rừng thuộc tuyến du lịch sinh thái Phan Si Phăng, khu du lịch suối Vàng - thác Tình Yêu,… Điều này gây ảnh hưởng đến các hoạt động thu hút du lịch của Vườn quốc gia Hoàng Liên cũng như thị xã Sa Pa và tỉnh Lào Cai. 

Theo ông Vũ Hồng Điệp, tính năng phòng hộ của rừng tự nhiên cao gấp khoảng 10 lần so với với tính năng phòng hộ của rừng trồng nhờ có dây leo, thảm thực bì dày, do đó nước mưa rơi xuống ngấm hết, sau đó khi đã bão hòa nước mới tiếp tục chảy. Rừng tự nhiên không chỉ giúp giảm thiểu lũ lụt còn giúp bảo tồn nguồn gen, đảm bảo hệ sinh thái, chống biến đổi khí hậu.

Diện tích rừng tự nhiên Lào Cai hiện là 280.000 ha, chiếm hơn 60% tổng diện tích rừng của tỉnh, tỷ lệ che phủ rừng cao hơn so với trung bình cả nước. Do đó, rừng Lào Cai không chỉ quan trọng đối với địa phương mà vì ở vị trí thượng nguồn nên nó có vai trò rất lớn trong việc điều tiết nước cho hai hệ thống sông Hồng và sông Chảy trong quá trình chảy về Hà Nội và đồng bằng Bắc Bộ. 

"Đối với ngành kiểm lâm, đảm bảo an toàn, giữ gìn, ổn định toàn bộ rừng tự nhiên đó là mục tiêu lớn nhất, tại diện tích rừng này, phải xóa bỏ hoàn toàn cây thảo quả, loại bỏ càng sớm càng tốt. Tuy vậy, vấn đề đặt ra là cần nhanh chóng đưa ra giải pháp vừa đảm bảo thu nhập cho người dân, vừa bảo vệ những khu rừng", ông Vũ Hồng Điệp nhấn mạnh.

Do đó, hiện tại, song song với việc vận động người dân tháo dỡ lều lán, không mở rộng diện tích thảo quả trong rừng tự nhiên, Lào Cai đã và đang nỗ lực xây dựng nhiều mô hình kinh tế tạo sinh kế bền vững cho người dân trong lộ trình thay thế cây thảo quả.

Hương Thu (TTXVN)
Khai mạc Hội thảo Quản lý Lục quân Thái Bình Dương lần thứ 42
Khai mạc Hội thảo Quản lý Lục quân Thái Bình Dương lần thứ 42

Sáng 20/8, tại Hà Nội, Bộ Tổng Tham mưu Quân đội nhân dân Việt Nam và Bộ Tư lệnh Lục quân Thái Bình Dương Hoa Kỳ đồng tổ chức khai mạc Hội thảo Quản lý Lục quân Thái Bình Dương lần thứ 42 (PAMS - 42) với chủ đề “Hợp tác giữa Lục quân các nước khu vực Ấn Độ Dương - châu Á - Thái Bình Dương trong hỗ trợ nhân đạo, cứu trợ thảm họa”.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN