Đồng bằng sông Cửu Long được đánh giá là khu vực có điều kiện tự nhiên thuận lợi đối với việc nuôi trồng thủy sản, đặc biệt nuôi tôm phục vụ xuất khẩu. Nhưng nhiều năm nay người dân vẫn phải đối mặt với tình trạng tôm chết do bệnh dịch. Theo Tiến sỹ Nguyễn Phú Quỳnh, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu tài nguyên nước (Viện Khoa học thủy lợi miền Nam) nhận định, tình trạng trên xảy ra do hệ thống thủy lợi của khu vực này còn nhiều bất cập. Hệ thống thủy lợi yếu kém Theo Tiến sỹ Nguyễn Phú Quỳnh, hệ thống thủy lợi ở các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) chủ yếu là ngọt hoá phục vụ trồng lúa nhưng nay phát triển sản xuất đa ngành khiến bất cập nảy sinh. Cụ thể, các tỉnh vùng lõi của của khu vực thực hiện trồng lúa, nuôi trồng cá nước ngọt không gặp nhiều khó khăn. Trong khi đó, các tỉnh ven biển từ Long An đến Kiên Giang vừa trồng lúa và nuôi tôm nước lợ phát sinh nhiều bất cập. Mùa khô không trồng được lúa nên người dân lấy nước lợ nuôi tôm. Chính cách làm này đã phát sinh mâu thuẫn giữa người trồng lúa và nuôi tôm. Bởi, nếu lấy nước lợ phục vụ nuôi tôm sẽ phá vỡ quy hoạch vùng trồng lúa. Nhiều nơi ở huyện U Minh, Trần Văn Thời, Thới Bình (tỉnh Cà Mau) người dân phản ứng tiêu cực với chính quyền địa phương để đưa nước mặn vào vùng ngọt nuôi tôm những tháng mùa khô.
Nhiều nông dân làm nghề nuôi tôm ở Cà Mau đang gặp khó khăn trong việc tái đầu tư lại ao nuôi do chi phí tăng cao. Ảnh: Huỳnh Thế Anh-TTXVN |
Không riêng gì tại Cà Mau, ở Sóc Trăng, Trà Vinh, Bạc Liêu... khi tôm thẻ chân trắng có giá cao người dân cũng thi nhau đào ao, hồ trong vùng ngọt hóa để nuôi tôm nước lợ. Do nuôi ngoài quy hoạch, hệ thống thủy lợi, điện, đường không thể đáp ứng nên năm 2014 và những tháng đầu năm 2015 hàng nghìn ha nuôi tôm thẻ chân trắng bị nhiễm bệnh chết hàng loạt.
Các tỉnh ĐBSCL phải hình thành chuỗi liên kết sản xuất, khuyến khích phát triển nhanh về số lượng kinh tế trang trại, gắn kết chặt chẽ với quy hoạch trong ngành nông nghiệp và các ngành khác. Xây dựng các tiêu chuẩn, quy chuẩn, quy trình, định mức kinh tế kỹ thuật nhằm tạo cơ sở pháp lý cho công tác quản lý tôm chân trắng.
Ông Dương Quốc Xuân, Phó trưởng Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ |
Theo Tổng cục Thủy sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), cả nước hiện có 30 tỉnh thành nuôi tôm nước lợ, với diện tích thả nuôi khoảng 699.700 ha và sản lượng là 661.000 tấn, riêng 8 tỉnh khu vực ĐBSCL có diện tích nuôi gần 605.000 ha, chiếm 90% diện tích. Năm 2014 giá tôm nguyên liệu đứng ở mức cao, khoảng 120.000 – 180.000 đồng/kg, nhiều tỉnh có diện tích thả nuôi tăng đột biến như: Trà Vinh, Sóc Trăng, Bến Tre, Cà Mau...
Chia sẻ về vấn đề này, Tiến sỹ Nguyễn Phú Quỳnh cho biết, phần lớn các hộ nuôi tự phát với diện tích nhỏ lẻ nên không có điều kiện để xử lý nguồn nước, chất thải nên tôm nuôi dễ bị nhiễm bệnh chết. Bà con thường xả nước trực tiếp ra kênh rạch, không xử lý nguồn nước ô nhiễm.
Đồng bộ các giải pháp ĐBSCL tuy có diện tích nuôi tôm nước lợ lớn nhất nước nhưng năng suất lại thấp nhất. Cụ thể, mỗi ha mặt nước nuôi tôm nước lợ ở khu vực này chỉ đạt 7 tạ/ha, trong khi đó, các khu vực Đồng bằng sông Hồng, Bắc Trung bộ, Duyên hải miền Trung năng suất đạt 2,9 tấn/ha/năm.
Do ảnh hưởng thời tiết khô hạn và nắng nóng kéo dài, nước bốc hơi nhanh, độ mặn cao, các ao đầm nuôi tôm thiếu nước làm cho tôm nuôi chậm phát triển, một số nơi phát sinh dịch bệnh. Ảnh: Lê Huy Hải - TTXVN |
Nhiều nguyên nhân dẫn đến thực trạng trên, song các chuyên gia về nuôi trồng thủy sản đều cho rằng, nguyên nhân chính là môi trường nước, hay nói cách khác là thủy lợi phục vụ cấp, thoát và xử lý nguồn nước chưa đáp ứng nhu cầu.
Theo nghiên cứu của Tiến sỹ Nguyễn Phú Quỳnh, ngành nông nghiệp các địa phương cần xây dựng mô hình thủy lợi cấp, thoát nước riêng biệt trong điều kiện có thể, kịp thời đáp ứng yêu cầu nuôi của người dân địa phương. Bên cạnh đó, người dân đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải trong khu nuôi và quy hoạch mỗi khu nuôi giới hạn khoảng 50ha, như vậy mới có giải pháp kỹ thuật hợp lý. Tiến sỹ Quỳnh cho rằng, trước mắt nhà nước phải khuyến khích việc dồn điền đổi thửa, hình thành các vùng sản xuất có sự quản lý, đầu tư của một chủ thể (có thể giao cho doanh nghiệp hay hình thành các hợp tác xã). Nếu giao doanh nghiệp phải đảm bảo việc làm và thu nhập cho người nông dân mất đất. Trường hợp thành lập hợp tác xã, nhà nước tạo cơ chế cho hợp tác xã phát triển, khắc phục sự trì trệ, thiếu vốn như hiện nay.
Tiến sỹ Nguyễn Bá Hoằng, Viện trưởng Viện Khoa học thủy lợi miền Nam nêu quan điểm, các cán bộ kỹ thuật, nông nghiệp phải theo dõi thường xuyên sự khuyến cáo về môi trường nước, khuyến nông trực tiếp cho nông dân. Việc chuyển giao ứng dụng các tiến bộ khoa học công nghệ vào thực tiễn cho tôm xuất khẩu, tạo nguồn tôm giống phát triển trong điều kiện độ mặn thấp phải được tiến hành.
Trao đổi về vấn đề này, ông Nguyễn Minh Hoàng, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Sóc Trăng) cho biết, tỉnh đang triển khai thực hiện quy hoạch vùng nuôi tôm nước lợ theo mô hình khép kín. Cái khó của địa phương là hạ tầng thủy lợi còn nhiều bất cập. Hiện ngành nông nghiệp tỉnh Sóc Trăng đang xây dựng các dự án khuyến ngư về nuôi tôm nước lợ theo tiêu chuẩn VietGAP đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Việc đào tạo cán bộ quản lý có trình độ chuyên môn kỹ thuật, khả năng tiếp cận, ứng dụng công nghệ kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất cũng được thực hiện, tăng cường năng lực cán bộ kiểm dịch, vấn đề an toàn thực phẩm tôm nuôi.
Ngành nông nghiệp các địa phương tăng cường hợp tác quốc tế, xã hội hóa vốn đầu tư bằng việc huy động tối đa các nguồn lực, lồng ghép với các chương trình mục tiêu, dự án...
Thông tin từ Viện Khoa học thủy lợi miền Nam cho biết, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang xây dựng đề án đầu tư hệ thống hạ tầng thủy lợi khép kín tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, với mục tiêu ứng phó với biến đổi khí hậu, nâng cao giá trị nông sản và làm hàng xuất khẩu.