Khác với số phận “hẩm hiu” của con cá tra, xuất khẩu tôm các tháng đầu năm 2014 đạt con số cao ngất ngưởng. Tuy nhiên, để con tôm trong nước phát triển bền vững, đem lại hiệu quả cao cho người nông dân và doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu thì vẫn còn nhiều việc phải làm.
Nhiều thị trường “hút” tôm Việt Nam
Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản (Vasep) cho biết, 7 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu mặt hàng tôm tăng mạnh và dự kiến sẽ đạt con số kỷ lục, hơn 3,5 tỷ USD trong năm 2014. So với cùng kỳ năm 2013, ngoại trừ lượng tôm xuất khẩu vào thị trường Nhật Bản bị tụt dốc do quy định kiểm tra kháng sinh tôm nhập khẩu từ Việt Nam từ giữa tháng 3, hầu hết những thị trường trọng điểm đều có mức tăng trưởng ấn tượng. Cụ thể, EU vẫn là thị trường có sức tăng trưởng mạnh nhất trong nhóm 10 thị trường tiêu thụ tôm của Việt Nam với mức tăng gần 116%, tiếp đó là Mỹ với mức tăng hơn 109%...
Một ao nuôi tôm công nghiệp tại huyện Cái Nước (Cà Mau) không theo qui hoạch, không bảo đảm quy trình kỹ thuật, dẫn đến nguy cơ làm sụt giảm, ô nhiễm nguồn nước ngọt... Ảnh: Huỳnh Thế Anh-TTXVN |
Phân tích lý do thắng lợi của con tôm, các chuyên gia trong ngành cho rằng, nền kinh tế EU đã bắt đầu khởi sắc sau khủng hoảng. Điều này đã tác động mạnh đến việc tiêu thụ tôm tại nhiều nước trong khối. Trong khi đó, nguồn cung tôm toàn cầu chịu ảnh hưởng của hội chứng tôm chết sớm đã giúp Việt Nam nhanh chóng gia tăng thị phần trên hầu hết khắp các thị trường. “Chỉ tính 6 tháng qua, xuất khẩu tôm của Việt Nam đã đạt gần 1,8 tỷ USD, tăng khoảng 62% so với cùng kỳ 2013. Chúng tôi rất lạc quan khi cho rằng, năm nay, xuất khẩu tôm cả nước có thể vượt mốc 3,5 tỷ USD nếu như dịch bệnh tiếp tục được kiểm soát”, ông Trương Đình Hòe, Tổng Thư ký Vasep, nhận định.
Khảo sát của phóng viên báo Tin Tức tại một số tỉnh đồng bằng sông Cửu Long cho thấy, việc tôm sú đang được thị trường săn đón đã góp phần đẩy giá mặt hàng này tăng thêm 20.000 - 25.000 đồng/kg. Theo đó, giá tôm sú loại 30 con/kg đã tăng lên 120.000 đồng/kg; loại 40 con/kg từ 100.000 - 110.000 đồng/kg... Ngược lại, giá tôm thẻ chân trắng đang có dấu hiệu đi xuống.
Kiểm soát chặt khâu nuôi trồng
Theo Tổng cục Thủy sản, hiện cả nước thả nuôi hơn 638.422 ha, đạt hơn 95% kế hoạch năm và vượt 9% so với cùng kỳ. Tính đến tháng 7/2014, cả nước đã thu hoạch được 258.730 tấn tôm nuôi, đạt 46% kế hoạch và tăng 2,3 lần với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, riêng sản lượng tôm chân trắng tăng gấp 5 lần với 149.500 tấn, còn lại là tôm sú.
“Điều đáng quan tâm là người dân ồ ạt nuôi tôm nhưng ngành chức năng vẫn chưa làm tốt công tác quản lý, giám sát. Đơn cử như muốn có giống sạch để đảm bảo vụ nuôi thành công, yếu tố quan trọng là phải làm tốt khâu kiểm dịch. Theo quy định, cán bộ phải đến các cơ sở kinh doanh để kiểm dịch chất lượng con giống. Tuy nhiên, do lực lượng chuyên ngành mỏng nên hiện có đến 80 - 90% con giống chưa kiểm dịch được bán ra thị trường. Và do vậy, người nuôi đang phải đối mặt với nhiều rủi ro từ chất lượng con giống chưa được kiểm soát”, ông Nguyễn Huy Điền, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Thủy sản, cho hay.
Theo số liệu khảo sát của ngành thủy sản, từ đầu năm đến nay, đã có hơn 24.000 ha tôm nuôi bị mất trắng vì dịch bệnh, tập trung ở các tỉnh Sóc Trăng, Trà Vinh... Tại nhiều địa phương, chương trình quản lý và giám sát dịch bệnh từng vùng nuôi chưa được quan tâm đúng mức.
Theo ông Nguyễn Huy Điền, để mặt hàng thủy sản này phát huy được lợi thế trong xuất khẩu, “các địa phương cũng cần tăng cường công tác quản lý vật tư đầu vào trong nuôi trồng thủy sản như thuốc, hóa chất, sản phẩm sinh học... Hiện Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã chỉ đạo các địa phương kiểm tra diện rộng tất cả các vật tư nông nghiệp đầu vào nuôi trồng thủy sản. “Riêng việc đưa trực tiếp kháng sinh nguyên liệu xuống ao nuôi phải bị nghiêm cấm”, ông Điền nói thêm.
Lê Nghĩa