Hạt Kiểm lâm liên huyện, thị xã Bù Gia Mập - Phước Long cho biết, đơn vị phối hợp với các chủ rừng và chốt số 6 Đồn biên phòng Đăk Ơ (Bộ đội Biên phòng Bình Phước) cùng Ban Quản lý rừng phòng hộ Đắk Mai thống nhất các kế hoạch tổ chức kiểm tra, ngăn chặn người vào rừng nhằm mục đích khai thác, vận chuyển gỗ và lâm sản ngoài gỗ; trong đó, có hạt cây ươi tại khu vực rừng đơn vị quản lý và vùng giáp biên giới Bình Phước - Campuchia.
Đơn vị tổ chức kiểm tra các khu vực phân bố cây ươi để có biện pháp bảo vệ; đồng thời, tăng cường tuần tra, kiểm tra, bảo vệ, nhằm kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý tình trạng khái thác ươi trái phép. Hạt Kiểm lâm liên huyện, thị xã Bù Gia Mập - Phước Long đã họp bàn cùng Ban Quản lý rừng phòng hộ Đắk Mai xây dựng phương án bảo vệ cây ươi, đặc biệt ngăn chặn việc chặt hạ và cưa cành để lấy hạt.
Cây ươi có tên khoa học Scaphium macropodum, là loài cây rừng thân gỗ được xếp vào nhóm VII, phân bố nhiều ở Tây Nguyên, duyên hải miền Trung và một số tỉnh phía Nam như Đồng Nai, Bình Phước. Trái của cây ươi được dùng làm dược liệu và thực phẩm, có giá trị kinh tế cao. Cũng chính vì điều này, cư dân sống gần Vườn Quốc gia Bù Gia Mập (Bình Phước) thường vào rừng khai thác ươi, có trường hợp đốn hạ cây hoặc cắt cành để lấy quả.
Theo Hạt Kiểm lâm liên huyện, thị xã Bù Gia Mập - Phước Long, thời điểm này trên địa bàn vào cao điểm mùa khô, tình trạng cảnh báo cháy rừng cấp IV, cấp V, cấp cực kỳ nguy hiểm. Do đó, đơn vị luôn duy trì quân số, bố trí lực lượng thường trực 24/24 giờ tuần tra canh lửa rừng, kết hợp với bảo vệ cây ươi nhằm ngăn chặn và xử lý kịp thời những trường hợp khai thác trái phép với phương châm bảo vệ tận gốc, ngăn chặn từ xa.
Bên cạnh đó, lực lượng kiểm lâm phối hợp với chốt biên phòng đóng chân trên địa bàn và Ban Quản lý rừng phòng hộ Đắk Mai tổ chức tuyên truyền bằng nhiều hình thức để người dân nâng cao ý thức bảo vệ rừng, phòng chống cháy rừng, đặc biệt là không khai thác hạt ươi trái phép.
Vườn quốc gia Bù Gia Mập nằm trên địa bàn 2 xã Đắk Ơ, Bù Gia Mập, huyện Bù Gia Mập (giáp biên Campuchia) có diện tích 25.601 ha. Trong số hơn 1.100 loài thực vật, Vườn Quốc gia Bù Gia Mập có nhiều loài lâm sản ngoài gỗ có giá trị như hạt cây ươi, nấm linh chi... Do đặc điểm của cây ươi có chu kỳ ra hoa và đậu quả từ 4 - 5 năm, quả cho giá trị kinh tế cao nên nhiều đối tượng vào rừng khai thác trái phép.
Ban Quản lý Vườn Quốc gia Bù Gia Mập cho biết, những năm trước xảy ra tình trạng các đối tượng khai thác ươi không đợi quả chín rụng xuống (gọi là trái ươi bay) để nhặt, mà sử dụng cưa tay, dao, rựa để chặt cành hoặc cưa gốc, sau đó nhặt quả già đem về bán cho các thương lái. Sau khi xác định được các khu vực phân bố ươi và số lượng cây có quả, Ban quản lý Vườn Quốc gia Bù Gia Mập đã chỉ đạo cho Hạt Kiểm lâm phối hợp với các cộng đồng nhận khoán tăng cường tuần tra bảo vệ cây ươi có quả.
Bên cạnh việc phối hợp với đơn vị giao khoán, tổ chức, cá nhân tăng cường tuần tra, kiểm soát bảo vệ cây ươi, Ban Quản lý Vườn Quốc gia Bù Gia Mập phối hợp với chính quyền 3 xã vùng đệm Vườn Quốc gia thường xuyên tổ chức tuyên truyền cho người dân về các quy định của pháp luật trong bảo vệ rừng, khai thác lâm sản nói chung và khai thác trái ươi nói riêng.