Lâm Bình là huyện vùng cao đặc biệt khó khăn của tỉnh Tuyên Quang có địa hình rộng, phức tạp. Trong khi đó, những đối tượng khai thác rừng trái phép hoạt động ngày càng tinh vi, khiến công tác bảo vệ rừng gặp rất nhiều khó khăn. Cuối năm 2013, UBND huyện đã triển khai phương án “Hợp đồng bảo vệ rừng phòng hộ khu vực lòng hồ thủy điện Tuyên Quang cho các tổ chức, cá nhân”. Những người dân địa phương gắn bó với rừng được Nhà nước giao khoán chăm sóc bảo vệ rừng, phát triển kinh tế dưới tán rừng nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống. Qua đó, góp phần giữ màu xanh cho những cánh rừng.
Anh Nguyễn Văn Tuân (thôn Nà Tông, xã Thượng Lâm, huyện Lâm Bình) cho biết, trước đây, cuộc sống gia đình anh rất khó khăn. Năm 2013, gia đình anh nhận giao khoán hơn 15 ha rừng tại khu vực Đán Đeng. Ngoài số tiền dịch vụ môi trường được Nhà nước chi trả hàng tháng, gia đình anh còn nuôi thêm 40 con lợn đen, 6 con bò và hàng chục con dê ngay dưới tán rừng để phát triển kinh tế. Nhờ đó, gia đình anh có thu nhập ổn định khoảng 7 triệu đồng/tháng.
Nhận khoán hơn 18 ha rừng phòng hộ khu vực Khuổi Súng, anh Triệu Văn Đội (thôn Bản Chợ, xã Thượng Lâm) mạnh dạn kết hợp nuôi 50 con lợn, hàng chục con dê dưới tán rừng. Ngoài ra, gia đình anh còn tận dụng diện tích mặt nước khu vực lòng hồ đầu tư 20 lồng cá nuôi các loại các như: cá Lăng, Chép giòn… để phát triển kinh tế. Mỗi năm, trừ chi phí, gia đình anh thu từ 250 - 300 triệu đồng.
Anh Đội chia sẻ, anh thường xuyên đi kiểm tra diện tích rừng được Nhà nước giao khoán bảo vệ để đảm bảo không xảy ra cháy rừng hay người dân vào rừng lấy củi, lấy gỗ. Từ khi nhận giao khoán bảo vệ rừng, anh có điều kiện đầu tư phát triển kinh tế. Người dân được hưởng lợi trực tiếp từ rừng, sống được nhờ rừng sẽ không còn tình trạng phá rừng.
Sau 10 năm triển khai thực hiện phương án “Hợp đồng bảo vệ rừng phòng hộ khu vực lòng hồ thủy điện Tuyên Quang cho các tổ chức, cá nhân”, Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện Lâm Bình đã thực hiện phương án khoán bảo vệ rừng cho 79 hộ với trên 4.500 ha. Qua kiểm tra, giám sát diện tích giao khoán bảo vệ cho các tổ chức, cá nhân, Ban Quản lý chưa phát hiện hành vi vi phạm. Đa số các hộ đều có thu nhập tăng thêm trung bình từ 40 - 50 triệu đồng/năm.
Ông Nguyễn Hữu Tình, Giám đốc Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện Lâm Bình cho biết, địa phương có diện tích rừng tự nhiên lớn trong khi lực lượng Kiểm lâm mỏng, công tác bảo vệ rừng gặp nhiều khó khăn. Mô hình bảo vệ rừng theo hình thức giao khoán cho các hộ dân quản lý và bảo vệ là cách làm có hiệu quả trong công tác quản lý và bảo vệ rừng hiện nay. Mô hình này không chỉ phát huy tinh thần đoàn kết của nhân dân mà còn mang tính chuyên nghiệp cao trong công tác quản lý bảo vệ rừng. Nguồn hỗ trợ tiền dịch vụ môi trường rừng đã mang lại thu nhập ổn định hàng tháng cho người dân. Khi cuộc sống của bà con tại khu vực có rừng được đảm bảo, chính họ là những người giữ rừng tốt nhất…
Theo ông Nguyễn Hữu Tình, thời gian tới, Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện Lâm Bình tiếp tục mở rộng diện tích giao khoán bảo vệ cho các hộ dân; đồng thời, chủ động phối hợp với các ngành, đơn vị và UBND các xã, thị trấn tăng cường các biện pháp, giải pháp trong công tác quản lý, bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng trên địa bàn; tổ chức tuyên truyền đến người dân Luật Bảo vệ và Phát triển rừng; tổ chức ký cam kết bảo vệ rừng với các gia đình...
Cùng với đó, Ban Quản lý tăng cường bố trí các trạm, chốt bảo vệ rừng và kiểm lâm viên thường xuyên trực 24/24 giờ nhằm phát hiện và xử lý kịp thời các trường hợp vi phạm; phối hợp với Hạt Kiểm lâm huyện Lâm Bình, lực lượng Công an và UBND các xã thường xuyên tổ chức tuần tra, truy quét bảo vệ rừng...; giúp người dân ở các xã vùng sâu vùng xa, miền núi, đặc biệt khó khăn có điều kiện phát triển kinh tế dưới tán rừng để ổn định đời sống.