Theo Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu Phạm Văn Thiều, định hướng chung của địa phương trong thu hút mời gọi dự án đầu tư là chọn lọc dự án chất lượng, có giá trị gia tăng cao, sử dụng công nghệ hiện đại, công nghệ sinh học, vật liệu mới, thân thiện môi trường và giải quyết nhiều lao động tại địa phương...
Thực hiện mục tiêu này, Bạc Liêu tăng cường xúc tiến mời gọi đầu tư các dự án có quy mô lớn; lựa chọn nhà đầu tư lớn, có uy tín, tiềm lực về tài chính. Đồng thời, chú trọng đến dự án có quy mô vừa và nhỏ phù hợp với tiềm năng, thế mạnh và điều kiện của tỉnh. Trong số đó, tỉnh đa dạng hóa, đổi mới hình thức vận động xúc tiến, hỗ trợ đầu tư.
Tỉnh chủ động hỗ trợ tháo gỡ, giải quyết khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, nhà đầu tư, tạo động lực để phát triển, giúp nhà đầu tư triển khai thực hiện các dự án đúng theo tiến độ cam kết, nhất là dự án động lực của tỉnh và dự án điện gió, điện khí, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao thông qua việc thường xuyên tổ chức gặp gỡ, đối thoại trực tiếp.
Đồng thời, tỉnh tổ chức họp mặt đối thoại trực tuyến giữa lãnh đạo với doanh nghiệp, nhà đầu tư tại điểm cầu cấp tỉnh (trụ sở UBND tỉnh) và điểm cầu các huyện, thị xã, thành phố để gặp gỡ, lắng nghe và giải quyết kịp thời khó khăn, vướng mắc do ảnh hưởng của dịch COVID-19.
Cùng đó, giúp doanh nghiệp, nhà đầu tư thích ứng phục hồi sản xuất, kinh doanh sau dịch cũng như tạo sự gần gũi, thân thiện giữa chính quyền và doanh nghiệp; phối hợp với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam chi nhánh tại Cần Thơ tổ chức lớp tập huấn trực tuyến về chỉ số PCI, chỉ số DDCI cho các sở, ban, ngành cấp tỉnh và UBND các huyện, thị xã, thành phố; đổi mới, nâng cao chất lượng và nhân rộng mô hình “cà phê doanh nhân” đến các huyện, thị xã, thành phố.
Bạc Liêu xây dựng danh mục dự án mời gọi đầu tư nhằm quảng bá, tuyên truyền, giới thiệu về môi trường, chính sách, tiềm năng và cơ hội đầu tư đến các nhà đầu tư trong và ngoài nước; thực hiện nhiều hoạt động hỗ trợ kết nối doanh nghiệp theo cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị như liên kết chuỗi sản xuất, tiêu thụ lúa, gạo cùng chuỗi an toàn vệ sinh thực phẩm trong nuôi trồng thủy sản và liên kết sản xuất, tiêu thụ muối nhằm hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận, mở rộng thị trường đầu tư kinh doanh.
Về đơn giản hóa thủ tục hành chính, Bạc Liêu rút ngắn thời gian cấp mới giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp còn 4 giờ làm việc. Đối với hồ sơ thay đổi nội dung, khi hồ sơ doanh nghiệp đầy đủ và hợp lệ, chủ động xử lý để doanh nghiệp có thể nhận kết quả về ngay.
Ngoài ra, còn hỗ trợ gửi kết quả doanh nghiệp qua bưu điện khi doanh nghiệp không thể trực tiếp đến nhận; xem, chỉnh sửa lỗi hồ sơ doanh nghiệp qua hộp thư email của Phòng Đăng ký kinh doanh thuộc Sở Kế hoạch và Đầu tư để tránh doanh nghiệp phải đi lại nhiều lần.
Thời gian cấp mới và điều chỉnh giấy chứng nhận đầu tư lần lượt là 3 ngày làm việc và 1 ngày làm việc kể từ khi nhận đủ hồ sơ hợp lệ (giảm 12 ngày làm việc và 9 ngày làm việc so với Luật Đầu tư năm 2020); công khai đường dây nóng hỏi đáp về những thắc mắc, hỗ trợ doanh nghiệp, nhà đầu tư tại cơ quan, đơn vị, Cổng thông tin điện tử của Sở, Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh; niêm yết công khai, minh bạch các chủ trương, chính sách, thủ tục hành chính, mức thu các loại phí, lệ phí, giá dịch vụ tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh để người dân, doanh nghiệp, nhà đầu tư biết và thực hiện.
Ông Phạm Văn Thiều nhấn mạnh, Bạc Liêu bố trí cán bộ, công chức có trình độ chuyên môn, kỹ năng tốt, thái độ hòa nhã hướng dẫn, xử lý hồ sơ cho người dân, doanh nghiệp; kiểm tra xử lý nghiêm những cán bộ, công chức gây phiền hà, nhũng nhiễu, có thái độ của quyền, hống hách đối với người dân, doanh nghiệp, nhà đầu tư.
Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư, năm 2022, Bạc Liêu có 152 dự án mời gọi đầu tư vào các lĩnh vực công nghiệp, nông nghiệp, thương mại - nhà ở, văn hóa - thể thao - du lịch, kết cấu hạ tầng, y tế - giáo dục và môi trường. Tính đến hết tháng 5, Bạc Liêu có 2 dự án được chấp thuận đầu tư, giấy chứng nhận đăng ký đầu tư với tổng số vốn đăng ký đầu tư gần 1.200 tỷ đồng.