Đơn giản hóa thủ tục hành chính tiết kiệm gần 2.000 tỷ đồng
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) Lê Minh Hoan cho biết: Bộ đã kiên quyết thực hiện cắt giảm, đơn giản hóa các thủ tục hành chính (TTHC), giảm phiền hà cho người dân, doanh nghiệp. Nếu như năm 2016 cắt giảm 508 thủ tục thì đến nay đã cắt giảm, đơn giản hóa 344 thủ tục (chiếm tỷ 67,7%). Ước tính tiết kiệm từ việc cắt giảm, đơn giản hóa gần 2.000 tỷ đồng. Tổng số TTHC thuộc phạm vi quản lý của Bộ tính đến ngày 31/5/2022 là 359 thủ tục và được cập nhật đầy đủ trên cơ sở dữ liệu quốc gia về TTHC, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp trong việc khai thác, sử dụng.
Bộ NN&PTNT cũng triệt để ứng dụng công nghệ thông tin, điện tử hóa thủ tục, rút ngắn thời gian và giảm chi phí thực hiện cho người dân, doanh nghiệp. Hiện nay, Bộ NN&PTNT có 50 dịch vụ công trực tuyến (36 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3; 14 dịch công trực tuyến mức độ 4). Năm 2022, tiếp tục triển khai xây dựng 17 dịch vụ công trực tuyến cấp Bộ tích hợp, cung cấp trên Cổng dịch vụ công quốc gia.
Đồng thời, đẩy mạnh phân cấp trong giải quyết TTHC đảm bảo đề xuất phân cấp ít nhất 20% TTHC thuộc thẩm quyền quản lý của Bộ theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Theo đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã đề xuất phân cấp 54/344 TTHC, đạt tỷ lệ 15,69%.
Bên cạnh đó, Bộ NN&PTNT đã tích cực thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp chuyển đổi số theo “Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” đồng bộ với thực hiện cải cách hành chính, Chính phủ điện tử trong lĩnh vực nông nghiệp. Chuyển đổi số đã được ứng dụng trong mọi lĩnh vực của ngành, từ quản lý đến sản xuất, tiêu thụ sản phẩm.
Cũng theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, trong trồng trọt, công nghệ Internet vạn vật (IoT), dữ liệu lớn (Big Data) được ứng dụng giúp phân tích dữ liệu về môi trường, các loại đất, cây trồng, các giai đoạn sinh trưởng của cây... Còn trong chăn nuôi, công nghệ IoT, Blockchain, công nghệ sinh học được ứng dụng rộng rãi ở trang trại chăn nuôi quy mô lớn. Đối với lĩnh vực lâm nghiệp, công nghệ DND mã vạch được ứng dụng trong quản lý giống lâm nghiệp và lâm sản; công nghệ GIS (công cụ dùng để thu thập, quản lý và phân tích dữ liệu từ không gian địa lý) và ảnh viễn thám...
Trong lĩnh vực thủy sản, việc ứng dụng hệ thống sóng siêu âm, máy đo dòng chảy, hệ thống thu - thả lưới chụp, công nghệ GIS, thiết bị định vị toàn cầu (GPS) quản lý đội tàu khai thác hải sản xa bờ đã giúp cho việc nuôi trồng và đánh bắt thủy, hải sản hiệu quả. Công nghệ tự động hóa được sử dụng trong chế biến thủy hải sản từ phân loại, hấp, đóng gói…
Đối với việc tiêu thụ hàng nông sản, công nghệ số đã được sử dụng trong kết nối tiêu thụ nông sản trực tuyến ở 6 sàn thương mại điện tử lớn nhất của cả nước như: Sendo, Shopee; Tiki; Postmart, ViettelPost (Voso), Lazada. Ngoài ra, còn được bán trực tuyến trên nền tảng online: Facebook, zalo, youtube… Việc kết nối tiêu thụ nông sản trên nền tảng số đã góp phần tạo thuận lợi, giảm chi phí trung gian cho người dân và minh bạch thông tin về hàng hóa khi tới tay người tiêu dùng.
Cùng với đó, ngành nông nghiệp đã thực hiện tập trung thống nhất một đầu mối kiểm tra chuyên ngành 14 nhóm sản phẩm, hàng hóa. Số sản phẩm, hàng hóa kiểm tra chuyên ngành trước thông quan thuộc phạm vi quản lý của Bộ hiện nay chỉ còn 1639 dòng hàng.
Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho rằng, cùng với hoàn thiện hệ thống cơ chế, chính sách thu hút đầu tư, Bộ NN&PTNT đã thực hiện bãi bỏ, đơn giản hóa các điều kiện kinh doanh không còn phù hợp, cắt giảm, cải tiến mạnh mẽ các thủ tục hành chính theo hướng một cửa liên thông. Nâng cấp, mở rộng đăng ký trực tiếp qua cổng thông tin điện tử theo các cấp độ. Đối với ngành nghề kinh doanh có điều kiện, các điều kiện đầu tư kinh doanh phải thực sự cần thiết, đảm bảo rõ ràng, dễ hiểu, dễ thực hiện, không tạo rào cản gia nhập thị trường, không làm phát sinh chi phí cho người dân, doanh nghiệp. Nhờ đó, lực lượng doanh nghiệp nông nghiệp ngày càng lớn mạnh và tâm huyết đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, là nòng cốt trong chuỗi giá trị nông sản. Đến nay, cả nước có 14.800 doanh nghiệp đầu tư trực tiếp vào nông nghiệp. Bên cạnh sự phát triển, đầu tư của các doanh nghiệp nhỏ và vừa, một số doanh nghiệp, tập đoàn lớn đã đẩy mạnh đầu tư vào nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
Giai đoạn 2020-2025 sẽ cắt giảm, đơn giản hóa 20% TTHC theo quy định
Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết, để thực hiện có hiệu quả việc hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp theo Nghị quyết số 02/NQ-CP hàng năm và Nghị quyết số 105/NQ-CP ngày 9/9/2021 của Chính phủ về hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã và hộ kinh doanh trong bối cảnh dịch COVID-19, Bộ NN&PTNT tiếp tục rà soát, cắt giảm và đơn giản hóa TTHC, điều kiện kinh doanh, hàng hóa phải kiểm tra chuyên ngành. Rút ngắn thời gian kiểm tra, tăng cường quản lý rủi ro, cắt giảm phí và lệ phí; giảm tối đa số lượng văn bản hiện hành có quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh theo chỉ đạo của Chỉnh phủ tại Nghị quyết 68/NQ-CP ngày 12/5/2020, trong đó, giai đoạn 2020 - 2025, cắt giảm, đơn giản hóa ít nhất 20% quy định, 20% chi phí tuân thủ. Đẩy nhanh sắp xếp doanh nghiệp nhà nước, đặc biệt là công ty nông, lâm nghiệp để tạo cơ hội cho doanh nghiệp khu vực tư nhân đầu tư mạnh mẽ hơn nữa vào lĩnh vực nông nghiệp.
Tiếp tục quán triệt, đẩy mạnh tuyên truyền và tổ chức thực hiện nghiêm túc Nghị quyết số 10-NQ/TW ngày 3/6/2017, Hội nghị lần thứ năm BCH Trung ương Đảng khóa XII “Về phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa”.
Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho rằng, để khơi thông các “điểm nghẽn” trong thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, Bộ NN&PTNT kiến nghị Chính phủ khẩn trương ban hành Nghị định mới thay thế Nghị định số 57/2018/NĐ-CP về cơ chế, chính sách thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn. Tập trung thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp chuyển đổi số trong nông nghiệp; đòi hỏi có sự vào cuộc, phối hợp của các Bộ, ngành từ Trung ương đến địa phương và đặc biệt là người nông dân phải sẵn sang thay đổi tư duy, tiếp cận khoa học, công nghệ.
Nâng cao nhận thức của doanh nghiệp, nông dân về vai trò, tầm quan trọng của ứng dụng công nghệ số vào sản xuất, kinh doanh trong ngành nông nghiệp tạo nền móng cho chuyển đổi số trong ngành nông nghiệp. Phát triển hạ tầng và kết nối mạng internet băng thông rộng chất lượng cao đến tận cấp xã, thôn; nâng cao khả năng tiếp cận dịch vụ viễn thông, hỗ trợ nông dân sử dụng thiết bị công nghệ thông tin miễn phí tại trung tâm các xã, các điểm sinh hoạt văn hóa cộng đồng, điểm du lịch nông thôn; tiến tới, phổ cập hạ tầng số theo hướng mỗi hộ nông dân một điện thoại thông minh, một đường cáp quang phổ cập định danh số cho nông dân.
Xây dựng hệ thống dữ liệu ngành nông nghiệp, nhất là dữ liệu đất đai, cây, con, vùng trồng... và dịch vụ nông nghiệp; khuyến khích người dân, doanh nghiệp số hóa các quy trình sản xuất, tiến tới tích hợp, minh bạch sản phẩm bằng hệ thống quét mã QR. Nâng cao trình độ, năng lực tiếp cận và đưa công nghệ số vào sản xuất nông nghiệp cho nông dân.