Nội dung của dự thảo Luật giải quyết 6 nhóm chính sách đã được Chính phủ trình Quốc hội thông qua tại Nghị quyết số 17 về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2021.
Bên hành lang Quốc hội, phóng viên báo Tin tức đã có cuộc trao đổi với ĐBQH Phan Đức Hiếu, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội về nội dung của dự án luật này.
Thực tế cho thấy vừa qua hoạt động đầu tư trong lĩnh vực dầu khí gần như “đóng băng”, hạn chế của Luật Dầu khí năm 2008 có phải là một trong những nguyên nhân gây nên tình trạng này hay không, thưa ông?
Một trong những mục tiêu của việc sửa đổi Luật Dầu khí lần này là nhằm tăng cường thu hút đầu tư, để có những dự án đầu tư mới trong lĩnh vực dầu khí cũng như nâng cao hiệu quả của các hoạt động dầu khí đã và đang triển khai.
Việc sửa đổi Luật Dầu khí ngoài giải quyết những bất cập như hiện nay thì cũng nâng cấp thêm, hướng đến những quy định cập nhật với thông lệ quốc tế, tăng cường thu hút đầu tư trong lĩnh vực dầu khí.
Như ông vừa nói mục đích của Luật Dầu khí hiện nay là thu hút đầu tư vào lĩnh vực này. Vậy, trong dự thảo Luật những quy định về ưu đãi đầu tư trong lĩnh vực dầu khí đã đủ mạnh chưa?
Luật Dầu khí sửa đổi có thể coi như một khung cơ chế để thu hút đầu tư. Theo quy định Luật Dầu khí lần này chúng ta có thể hiểu rộng hơn rất nhiều. Một trong những mục tiêu và nội dung sửa đổi của Luật Dầu khí sửa đổi là nhằm đơn giản hóa các thủ tục hành chính, làm cho dự án, hoạt động dầu khí được triển khai một cách nhanh hơn, có hiệu quả hơn, ít tốn kém hơn về chi phí hành chính, chi phí thời gian. Đây cũng là một trong những cơ chế ưu đãi, thông qua đó làm cho hoạt động dầu khí trong nước hấp dẫn hơn. Nếu chúng ta có một môi trường kinh doanh trong lĩnh vực dầu khí hấp dẫn, hiệu quả, giảm chi phí hơn cho nhà đầu tư thì đó cũng là một cơ chế thu hút đầu tư.
Cơ chế thứ hai để thu hút đầu tư là các biện pháp ưu đãi trực tiếp cho các hoạt động dầu khí, khi thiết kế Luật lần này chúng ta thấy có rất nhiều thay đổi của quốc tế. Ví dụ, theo cơ quan soạn thảo, các quốc gia họ vẫn sửa đổi ưu đãi đầu tư để nhằm tăng cường thu hút trong hoạt động đầu tư, đặc biệt đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực dầu khí.
Trong bối cảnh quốc tế hiện nay có rất nhiều chính sách ưu đãi và đâu đó cũng có ảnh hưởng trực tiếp hoặc gián tiếp đến các hoạt động về thu hút đầu tư. Ví dụ như hiện chúng ta đang thảo luận về thuế tối thiểu toàn cầu, tôi nhận thấy rằng lần này ban soạn thảo đã nghiên cứu nghiêm túc, bước đầu đưa ra một số cơ chế về ưu đãi đầu tư, ở đó tính đến cạnh tranh với khu vực, thế giới như, chúng ta đã giảm thuế dành cho các hoạt động dầu khí để tương ứng với mức trong khu vực; giảm thuế xuất khẩu đối với dầu khí để tăng tính cạnh tranh…
Ngoài ra, trong bối cảnh thay đổi của hệ thống thuế toàn cầu, ảnh hưởng rất nhiều đến chính sách ưu đãi thông qua công cụ là thuế. Trong dự thảo Luật Dầu khí cũng đã thiết kế một cơ chế ưu đãi đặc biệt, hướng đến sự linh hoạt hơn, phù hợp hơn với từng trường hợp, đối tác và trong từng hoàn cảnh cụ thể. Đây là cơ chế ưu đãi linh hoạt, phù hợp với từng mục tiêu cụ thể.
Theo ông, dự thảo Luật lần này cơ quan soạn thảo cần phải lưu ý thêm những điểm gì?
Theo tôi, có một số điểm cần lưu ý thêm, đó là ngoài nội dung ưu đãi về hoạt động dầu khí, tôi cũng mong muốn đẩy mạnh hoạt động điều tra cơ bản, vì điều tra cơ bản rất quan trọng nhằm phát hiện tối đa tiềm năng dầu khí.
Tuy nhiên, trong dự thảo tôi chưa thấy các chính sách, biện pháp ưu đãi đầu tư trực tiếp chưa bao gồm hoạt động về điều tra cơ bản, mới dừng lại ở thăm dò, khai thác dầu khí... Tôi cho rằng, nên mở rộng phạm vi về biện pháp ưu đãi đầu tư cho cả hoạt động về điều tra cơ bản nhằm tăng cường huy động các nguồn lực thực hiện hoạt động này.
Để cạnh tranh với các quốc gia, chúng ta nên nghiên cứu bổ sung thêm các biện pháp ưu đãi khác, một số quốc gia lo lắng về tác động của chính sách thuế tối thiểu toàn cầu nên việc giảm thuế suất hay miễn thuế... dần dần không trở nên hấp dẫn nữa.
Nếu chúng ta giảm cái đó thì những công ty đa quốc gia có thể họ phải đóng một khoản kinh phí để họ được giảm ở quốc gia này nhưng có thể phải đóng một khoản tương tự ở quốc gia khác. Một số quốc gia đang nghiên cứu áp dụng những ưu đãi thuế dựa trên chi phí chứ không miễn giảm thuế thu nhập doanh nghiệp... Với chính sách thuế này giúp ứng phó chính sách thuế toàn cầu và giúp thúc đẩy các khoản chi phí đầu tư như bảo vệ môi trường, công nghệ… vào dầu khí.
Tóm lại, dự thảo đã tính đến cơ chế ưu đãi cạnh tranh, một số biện pháp trong dự thảo đã đáp ứng điều này nhưng có lẽ cần nghiên cứu và bổ sung thêm 2 ý là nên bổ sung điều tra cơ bản trong dầu khí vào hoạt động được áp dụng ưu đãi và biện pháp thuế dựa trên chi phí thì đảm bảo chúng ta thu hút mạnh mẽ hơn đầu tư trong lĩnh vực này.
Trân trọng cảm ơn ông!
Sáng ngày 3/6, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày tờ trình dự án Luật Dầu khí (sửa đổi).
Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho biết, việc xây dựng Luật Dầu khí (sửa đổi) là hết sức cần thiết, nhằm tăng cường hiệu quả, hiệu lực trong quản lý nhà nước, loại bỏ rào cản, tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho nhà đầu tư, góp phần cải thiện mức độ hấp dẫn của môi trường đầu tư trong lĩnh vực dầu khí.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên, việc xây dựng dự án Luật Dầu khí (sửa đổi) phải đáp ứng yêu cầu đặt lợi ích quốc gia, dân tộc lên trên hết, trước hết, gắn với xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, các cân đối lớn của nền kinh tế nhất là về năng lượng. Đồng thời, bảo vệ, khai thác hiệu quả tài nguyên, chủ quyền quốc gia bao gồm cả chủ quyền pháp lý, xây dựng thể chế hội nhập, khẳng định vị thế của Việt Nam là quốc gia có trách nhiệm với cộng đồng quốc tế; tăng cường năng lực quản lý nhà nước, đẩy mạnh phân cấp, tránh lợi ích cục bộ của các bộ, các ngành.
Ngoài ra, căn cứ ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Cơ quan chủ trì soạn thảo đã thiết kế trong dự thảo Luật một chương quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền và nghĩa vụ của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam.