Ao tôm siêu thâm canh tại huyện Tân Phú Đông. Ảnh: Hồng Nhung/TTXVN |
Theo ông Nguyễn Trọng Tuy, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) tỉnh Tiền Giang, toàn vùng hiện thả nuôi gần 3.500 ha tôm thẻ và tôm sú; trong đó có khoảng 1.690 ha nuôi theo quy trình thâm canh, còn lại quảng canh cải tiến, 2.000 ha nghêu; trong đó, riêng huyện Gò Công Đông thả nuôi gần 300 ha tôm sú và tôm thẻ, 2.000 ha nghêu.
Với lợi thế có bờ biển dài gần 30 km, Gò Công Đông thuận lợi lớn trong việc phát triển nuôi thủy sản xuất khẩu ven biển thích ứng với biến đổi khí hậu vừa tạo vùng nguyên liệu quan trọng chế biến xuất khẩu. Ngoài con tôm sú, tôm thẻ, Gò Công Đông là nơi duy nhất trong tỉnh có nghề nuôi nghêu phát triển với diện tích vùng nuôi tập trung tại xã Tân Thành ven vàm Cửa Tiểu trên sông Tiền.
Đáng mừng là nghề nuôi thủy sản xuất khẩu ở vùng ven biển Gò Công trong năm nay phát triển ổn định, dịch bệnh chỉ xảy ra rất ít trong khi giá đầu ra khá cao, mang lại nguồn lợi kinh tế lớn cho nông hộ vùng khó khăn.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang, toàn vùng nuôi chỉ có gần 50 ha tôm nuôi thâm canh tại hai huyện Gò Công Đông và Tân Phú Đông bị bệnh đã kịp thời xử lý, khắc phục. Còn trên nghêu nuôi, sinh trưởng bình thường, không xảy ra tình trạng chết hàng loạt như trong mùa khô các năm trước đây.
Ông Nguyễn Trọng Tuy cũng cho biết, từ đầu năm đến nay, người nuôi đã thu hoạch đạt sản sản lượng tôm nuôi gần 5.000 tấn, tăng 3,2 % so cùng kỳ năm trước.
Còn về con nghêu, theo ông Nguyễn Văn Quí, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Gò Công Đông, địa phương đã thu hoạch được gần 10.000 tấn nghêu thương phẩm cung ứng cho thị trường nội địa cũng như chế biến xuất khẩu. Tôm, nghêu thu hoạch tại vùng nuôi đều có giá khá cao, nông dân có lãi nên phấn khởi, cuộc sống do vậy ổn định.