Tuy nhiên, trong những năm gần đây, biến đổi khí hậu, nước biển dâng và tình hình sóng gió xâm thực gây sạt lở nghiêm trọng khiến diện tích rừng phòng hộ mất nhanh chóng, uy hiếp an toàn cho tuyến đê biển Gò Công.
Một đoạn rừng phòng hộ bị xâm thực nghiêm trọng. |
Theo ông Ưng Hồng Nghi, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang, khảo sát của ngành chức năng cho thấy, nếu năm 2006, diện tích rừng phòng hộ bảo vệ đê biển là 1.073 ha, hiện nay chỉ còn trên 500 ha. Như vậy, 11 năm qua, rừng phòng hộ đê biển Gò Công đã mất trên 570 ha. Bình quân mỗi năm, diện tích rừng phòng hộ của huyện Gò Công Đông mất 52 ha.
Ông Ưng Hồng Nghi cho biết, đê biển Gò Công có đoạn dài khoảng 9.000 m đã mất hoàn toàn đai rừng phòng hộ và không có khả năng chống chịu với sóng to, gió lớn nhất là vào mùa mưa bão cao điểm hàng năm tại Nam Bộ. Để khắc phục tình trạng trên, Tiền Giang đã có nhiều nỗ lực trong việc trồng, khôi phục diện tích rừng phòng hộ đã bị mất nhưng hiệu quả mang lại không cao bởi sóng to, gió lớn gây sạt lở nhanh, lượng phù sa bồi quá ít thậm chí không có nên cây trồng không thể sống được…
Trước tình hình trên, địa phương đã đề ra những giải pháp nhằm khắc phục, hạn chế sự xâm thực mất rừng phòng hộ tiến tới khôi phục đai rừng phòng hộ theo hướng bền vững. Đối với những đoạn đê đã mất rừng phòng hộ hoàn toàn, tỉnh đầu tư kinh phí kè đê, kiên cố hóa đê biển; đầu tư thi công các hạng mục công trình trong khuôn khổ Dự án nâng cấp đê biển Gò Công có tổng vốn đầu tư trên 887 tỉ đồng.
Bên cạnh đó, Tiền Giang đã triển khai thực hiện thí điểm Dự án gây bồi, tạo bãi trồng cây ngập mặn, khôi phục rừng phòng hộ bảo vệ đê biển Gò Công. Dự án có tổng vốn đầu tư trên 56 tỉ đồng với hạng mục thi công kè mềm giảm sóng trên chiều dài 1.420 m bờ biển nhằm giữ phù sa, gây bồi, tạo bãi, tiến tới thử nghiệm trồng và khôi phục rừng phòng hộ.
Theo ông Ưng Hồng Nghi, dự án kè mềm hoàn thành vào cuối năm 2016 mang tính chất thử nghiệm và đã mang lại kết quả rất khả quan. Từ đầu năm đến nay, kè đã gây bồi với độ dày phù sa lên đến 0,5 m.
Tỉnh hy vọng sự thành công của dự án kè mềm gây bồi tạo bãi, khắc phục xói lở, xâm thực bờ biển, thích ứng với biến đổi khí hậu tại ven biển Gò Công.