Tàu cá vỏ thép công suất lớn được hạ thủy tại xã Quảng Cư, thị xã Sầm Sơn, Thanh Hóa. Ảnh: Hoa Mai/TTXVN |
"Chắp cánh" cho ngư dân vươn khơi, bám biển Tính đến hết tháng 12/2017, tỉnh Thanh Hóa đã phê duyệt danh sách 58/94 chủ tàu đủ điều kiện đóng mới tàu cá, tàu dịch vụ khai thác hải sản xa bờ; trong đó có 17 tàu dịch vụ hậu cần và 41 tàu khai thác. Trong số này đã có 50/58 tàu hoàn thành đóng mới đi vào hoạt động (23 tàu vỏ thép, 27 tàu vỏ gỗ) với 17 tàu dịch vụ hậu cần, 33 tàu khai thác hải sản.
Đến nay tại Thanh Hóa, các Ngân hàng thương mại đã ký hợp đồng tín dụng với 58 chủ tàu để đóng mới 58 tàu, gồm 23 tàu vỏ thép và 35 tàu vỏ gỗ với tổng số tiền cam kết cho vay theo hợp đồng tín dụng là 653,3 tỷ đồng và đã giải ngân 621,4 tỷ đồng, doanh số thu nợ đạt 16 tỷ đồng. Hiện các Ngân hàng thương mại đã ký hợp đồng cho vay vốn lưu động cho 23 chủ tàu với tổng số tiền 20 tỷ đồng và đã giải ngân được 19,46 tỷ đồng.
Các tàu tổ chức sản xuất theo Tổ đoàn kết, ngoài khai thác ở ngư trường truyền thống, còn mở rộng khai thác ở ngư trường miền Trung, miền Nam và vùng biển xa đạt hiệu quả cao. Nhờ đó, các chủ tàu đã bắt đầu trả nợ lãi và vốn vay đóng mới tàu cá theo tiến độ cho ngân hàng.
Theo đánh giá của nhiều ngư dân có tàu đóng mới theo Nghị định 67, kết quả sau mỗi chuyến biển cho thấy phương tiện đóng theo Nghị đinh 67 hiệu quả kinh tế khá hơn so với các đội tàu truyền thống của địa phương; các phương tiện đảm bảo tính an toàn cao cho người và tài sản.
Các ngư dân cho biết, tàu vỏ sắt có rất nhiều ưu điểm vượt trội so với tàu vỏ gỗ về độ an toàn, di chuyển rất nhanh, khoang rộng chứa được nhiều ngư cụ, nguyên liệu bảo quản, vật dụng sinh hoạt, được thiết kế hiện đại từ hệ thống buồng lái, đèn chụp đến cần cẩu đều hoạt động tốt... nên có thể đánh bắt xa bờ cả tháng trên biển và hiệu quả đánh bắt cao.
Là một ngư dân được vay vốn đóng tàu theo Nghị định 67, ông Trịnh Văn Hùng (xã Hòa Lộc, huyện Hậu Lộc) cho biết: "Nhờ nguồn vốn tín dụng ưu đãi theo Nghị định 67, sự hướng dẫn, hỗ trợ kịp thời của các ngành chức năng, gia đình tôi đã thực hiện được ước mong đóng được con tàu công suất lớn, đủ điều kiện vươn khơi bám biển.
Chiếc tàu vỏ gỗ TH 93888 TS có chiều dài 25,68m, rộng 6,2m, cao 2,8m, tổng giá trị 11,6 tỷ đồng, được trang bị nhiều thiết bị hiện đại, có thể tham gia đánh bắt xa bờ dài ngày trên biển. Sau mỗi chuyến biển, trừ các chi phí, tàu đem về lợi nhuận từ 100 - 200 triệu đồng/chuyến. Cứ đà này, gia đình tôi sẽ sớm có tiền trả nợ lãi và vốn vay đóng mới tàu cá theo tiến độ cho ngân hàng và phát triển kinh tế gia đình".
Còn anh Nguyễn Văn Xuyên (thôn Thắng Phúc, xã Ngư Lộc), chủ tàu cá TH-91676-TS cho biết, gia đình anh đầu tư đóng tàu gỗ theo Nghị định 67 với tổng số tiền 14,3 tỷ đồng, được hỗ trợ vay vốn 10 tỷ đồng. Trên tàu có đủ trang thiết bị hiện đại như: máy dò ngang Koden, máy định vị định dạng, máy dò đứng... đã giúp tàu cá của gia đình có những chuyến ra khơi hiệu quả, tàu về đầy ắp cá tôm. Tổng thu nhập trong năm 2017, sau khi trừ chi phí đem về cho gia đình anh từ 2 - 3 tỷ đồng lãi ròng.
Trong 3 năm thực hiện chính sách bảo hiểm, tỉnh Thanh Hóa có 1.313 tàu cá mua bảo hiểm thân tàu, trang thiết bị, ngư lưới cụ, 10.215 thuyền viên tàu cá mua bảo hiểm tai nạn thuyền viên. Tỉnh cũng đã hỗ trợ chi phí vận chuyển hàng hóa cho 571 chuyến với tổng số tiền 24,32 tỷ đồng. Riêng năm 2017, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thanh Hóa phối hợp với Sở Tài chính thẩm định hồ sơ hỗ trợ chi phí vận chuyển hàng hóa cho các tàu dịch vụ hậu cần khai thác hải sản xa bờ và đang trình UBND tỉnh xem xét phê duyệt hỗ trợ 3 quý (I,II,III) cho 237 chuyến biển với tổng số tiền 10,54 tỷ đồng.
Theo chiến lược phát triển thủy sản Việt Nam và quy hoạch phát triển nghề cá của địa phương, đến năm 2025, Thanh Hóa sẽ phát triển nghề khai thác hải sản theo hướng giảm dần tỷ trọng khai thác gần bờ, đầu tư phát triển tàu có công suất lớn đánh bắt xa bờ vì thế việc đóng mới, cải hoán tàu nhỏ thành tàu có công suất lớn đang được đông đảo ngư dân hưởng ứng.
Tỉnh Thanh Hóa hiện có 1.783 tàu có công suất 90CV trở lên (chiếm 26,2% tổng số tàu cá). Để nâng cao hiệu quả kinh tế khai thác hải sản, thời gian qua tỉnh Thanh Hóa đã chỉ đạo tổ chức khai thác hải sản theo hướng tập trung thành các tổ đội, Tổ đoàn kết trên biển; ứng dụng máy dò ngang Sonar, định vị vệ tinh; tổ chức đào tạo, cấp chứng chỉ thuyền trưởng, máy trưởng… cho các tàu khai thác xa bờ; xây dựng cơ sở dữ liệu tàu thuyền đánh bắt hải sản trên địa bàn tỉnh nhằm đưa công nghệ thông tin vào quản lý hoạt động khai thác.
Không chỉ chú trọng ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ cao trong hoạt động khai thác, việc bảo quản cá cũng được bà con lắp đặt hệ thống bảo quản sản phẩm hải sản sau thu hoạch bằng bọt xốp Polyuethane (PU), lót hầm tàu bằng inox... để nâng cao chất lượng sản phẩm sau khai thác và đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, giúp tỷ lệ cá đạt chất lượng cao trên 90%.
Còn đó những nỗi lo Theo đánh giá của bà Hoàng Thị Yến, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Thanh Hóa: Nghị định 67 của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước mang tính đột phá, đồng bộ, phù hợp với tâm tư, nguyện vọng của đông đảo ngư dân, góp phần quan trọng phát triển ngành thủy sản theo hướng công nghiệp, hiện đại hóa và tái cơ cấu ngành thủy sản, phát triển bền vững.
Thực hiện Nghị định 67 đóng góp vào sự phát triển lớn mạnh của đội tàu khai thác hải sản xa bờ ở Thanh Hóa. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện Nghị định 67 còn một số khó khăn, vướng mắc cần được khắc phục. Đó là các hạng mục đầu tư từ nguồn vốn ngân sách nhà nước cho cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão, khu nuôi trồng thủy sản tập trung còn hạn chế, chưa đồng bộ. Nguồn vốn cho duy tu bảo dưỡng thấp nên hầu hết các công trình cơ sở hạ tầng nghề cá bị xuống cấp, quá tải.