Sau mỗi chuyến ra khơi trở về, ngư dân ở xã Kỳ Xuân (huyện Kỳ Anh) phấn khởi vì sản lượng đánh bắt luôn nhiều hơn trước đây. Dù đánh bắt xa bờ hay gần bờ, thu nhập từ nghề đi biển đã mang lại thu nhập ổn định cho ngư dân ở đây. Có được điều này, một phần là nhờ vào mô hình phòng, chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU) được triển khai tại đây.
Ông Cao Xuân Điền (xã Kỳ Xuân) cho hay, những tác hại do đánh bắt thủy sản trái phép gây ra luôn hiển hiện trước mắt, tuy nhiên tùy theo nhận thức, lợi ích của mỗi gia đình, mức độ phản ứng, lên án hành động này cũng khác nhau và mang tính riêng lẻ. Nay được cấp ủy chính, quyền địa phương truyền tải thông điệp rõ ràng, xây dựng kế hoạch triển khai chi tiết, đồng bộ, nhất là tổ chức phân việc cụ thể cho từng thuyền viên, lực lượng nên người dân rất đồng tình tham gia.
Qua 3 tháng tham gia mô hình chống khai thác trái phép thủy sản trên địa bàn, nhận biết về tác hại của việc đánh bắt trái phép của hầu hết người dân đã được nâng lên rõ rệt. Đến nay, nhiều ngư dân đã tự nguyện đến trụ sở công an xã giao nộp dụng cụ đánh bắt trái phép. Đáng chú ý, môi trường, môi sinh cũng như nguồn lợi thủy sản cũng có dấu hiệu được tái tạo, góp phần cũng cố niềm tin và quyết tâm cho nhân dân trong quá trình chống khai thác thủy sản bất hợp pháp.
Thời gian qua, với sự phối hợp của nhiều lực lượng nên việc tuyên truyền về hành vi trái phép trong đánh bắt thủy hải sản đã được đẩy mạnh. Từ đó, tạo được sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức của ngư dân tại huyện Kỳ Anh. Nhờ vậy, hàng chục hộ dân ở đây đã tự nguyện giao nộp các phương tiện, dụng cụ đánh bắt bất hợp pháp.
Ông Dương Xuân Sáu - Chủ tịch UBND xã Kỳ Xuân (huyện Kỳ Anh) cho biết, trước đây, mặc dù xã luôn chú trọng việc tuyên truyền, vận động người dân không đánh bắt hải sản bằng kích điện, tuy nhiên hiệu quả chưa đạt như mong muốn. Nhưng từ khi huyện triển khai mô hình dân vận khéo, tuyên truyền được đẩy mạnh với sự phối hợp của nhiều lực lượng nên đã tạo được sự chuyển biến rất mạnh mẽ trong nhận thức, hành động của từ cấp uỷ, chính quyền, đoàn thể đến ngư dân.
Thông qua tuyên truyền, vận động chống khai thác thủy sản bất hợp pháp với nhiều phương pháp, hình thức khác nhau, người dân đã được trang bị kiến thức, quy định của pháp luật hoạt động khai thác thủy sản trên các vùng biển, tuân thủ việc đăng ký, đăng kiểm tàu cá, không dùng chất nổ, xung kích điện; không đánh bắt bằng các phương tiện có tính chất hủy diệt; chú trọng bảo vệ và tái tạo nguồn lợi thủy sản.
Cùng đó, thực hiện sơn, kẻ vẽ tàu thuyền, biển số tàu thuyền; treo cờ Tổ quốc khi ra khơi, giữ gìn vệ sinh môi trường biển và bờ biển. Trong thời gian tới, đối với các hộ chưa tham gia, địa phương sẽ tiếp tục vận động, theo dõi, quản lý để tất cả ngư dân trên địa bàn xã thực hiện một cách hiệu quả các quy định của IUU.
Huyện Kỳ Anh có hơn 650 tàu cá các loại của bà con ngư dân thường xuyên hoạt động trên biển. Tuy vậy, dọc 24 km bờ biển trên địa phận của địa phương, nguồn lợi thủy sản ngày càng cạn kiệt do tình trạng đánh bắt trái phép, không báo cáo, không theo quy định. Vì vậy, hiệu quả của nghề khai thác thủy sản không đáp ứng được kỳ vọng. Do đó, việc đẩy mạnh truyên truyền về phòng, chống khai thác thủy hải sản bất hợp pháp được cấp uỷ, chính quyền điều hết sức chú trọng.
Theo Bí thư Huyện ủy Kỳ Anh Hồ Huy Thành, trên cơ sở Chỉ thị 32-CT/TW, ngày 10/4/2024 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác chống khai thác thuỷ sản bất hợp pháp, không báo cáo, không theo quy định và phát triển bền vững ngành thuỷ sản và Nghị quyết số 52/NQ-CP, ngày 22/4/2024 ban hành Chương trình hành động và Kế hoạch của Chính phủ triển khai thực hiện Chỉ thị số 32-CT/TW của Chính phủ, địa phương đã tổ chức quán triệt, tìm tòi cách thức chuyển tải vào thực tiễn một cách hiệu quả nhất.
Khi mới thực hiện chủ trương, địa phương gặp không ít khó khăn. Bởi đây là khu vực biển ven bờ và vùng đất ven biển đang có rất nhiều loại hình, đối tượng hoạt động và chịu điều chỉnh rất nhiều quy định của luật pháp, nhiều cơ quan quản lý nhà nước thực thiện nhiệm vụ trên một khu vực. Do đó, việc tìm kiếm phương pháp, cách thức tiếp cận để triển khai hiệu quả chủ trương của Đảng, Nhà nước được là một trong những nội dung mấu chốt của nhiệm vụ đặt ra.
Trước thực tế đó, Huyện ủy Kỳ Anh đã vận dụng phương pháp quản lý tổng hợp vùng bờ để triển khai xây dựng kế hoạch hành động. Đó là xác định rõ vai trò lãnh đạo của Đảng thông qua công tác dân vận khéo, kết hợp với dân vận Chính quyền để truyền tải nội dung, cách thức triển khai chủ trương Trung ương và tỉnh về chống khai thác thuỷ sản bất hợp pháp. Đồng thời, các cơ quan quản lý nhà nước liên quan như UBND huyện, Mặt trận Tổ quốc, công an, quân sự, biên phòng... đều được huy động tham gia. Đặc biệt, huyện đã thành lập "Tổ đồng quản lý nghề cá" với sự tham gia của chính quyền và người dân.
Bí thư huyện ủy Kỳ Anh Hồ Huy Thành cho biết thêm, quá trình triển khai được thực hiện đồng bộ từ cấp huyện đến cơ sở với nhiều phương pháp. Trong đó, chú trọng phân công rõ trách nhiệm các cơ quan, đơn vị; tổ chức tuyên truyền, vận động sâu rộng trong nhân dân. Ngoài ra, giao khu vực biển cho chính quyền địa phương và Tổ đồng quản lý nghề cá quản lý, tuần tra, kiểm soát.
Cùng đó, vận động ngư dân giao nộp các ngư cụ đánh bắt trái phép, đăng ký, đăng kiểm tàu thuyền, xin giấy phép khai thác; huy động nguồn lực, ủng hộ từ các nhà hảo tâm để hỗ trợ ngư dân. Kết quả đạt được là người dân rất đồng thuận, chấp hành tốt quy định. Đến nay, tình hình an ninh, trật tự ở khu vực ven biển được đảm bảo.