Giá xăng, dầu tăng đã ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động khai thác thủy sản, làm chi phí chuyến biển gia tăng, nhất là đội tàu khai xa bờ. Trong bối cảnh giá xăng, dầu tăng mạnh đang gây ảnh hưởng đến chuỗi khai thác, đánh bắt, bảo quản, chế biến, vận chuyển thủy sản. Điều này tạo nên áp lực lớn đến ngư dân khai thác thủy sản và nghề khác có liên quan, nhất là nhóm nghề lưới kéo đã neo đậu.
Theo tính toán, đối với tàu cá hành nghề câu mực, câu mồi sau chuyến ra khơi đánh bắt thủy sản (khoảng 20 ngày) thì mức chi phí tăng từ 12,8 - 16 triệu đồng. Tàu hành nghề lưới vây, chà chim gia tăng chi phí từ 32 - 64 triệu đồng/chuyến. Tàu hành nghề lưới chụp, lưới rê thì mức chi phí tăng từ 19,2 - 38,5 triệu đồng/chuyến. Tàu hành nghề bẫy ốc, mực, lồng xếp chi phí tăng từ 6,4 - 12,8 triệu đồng/chuyến. Còn tàu hành nghề lưới kéo, sau chuyến ra khơi (khoảng 30 ngày) thì chi phí tăng từ 77 - 115,5 triệu đồng. Riêng tàu hậu cần nghề cá, sau chuyến ra khơi (khoảng 30 ngày) chi phí tăng thêm từ 57,7 - 77 triệu đồng/ chuyến.
Tỉnh Cà Mau hiện có số lượng tàu cá hơn 4.500 chiếc, trong đó tàu có chiều dài lớn nhất từ 15m trở lên khoảng hơn 1.590 chiếc với công suất 410.673 kW. Dù gặp nhiều khó khăn, nhưng ngư dân Cà Mau vẫn cố gắng tiếp tục vươn khơi, bám biển, duy trì hoạt động khai thác thủy sản. Ông Phan Hoàng Vũ, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh dự báo: ‘‘Nếu giá xăng, dầu tiếp tục tăng cao trong thời gian tới thì tình hình khai thác thủy sản của ngư dân sẽ gặp rất nhiều khó khăn, nguy cơ tàu cá nằm bờ là khó có thể tránh khỏi’’.
Tuy nhiên, giải pháp trước mắt, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh khuyến cáo ngư dân xây dựng các tổ hợp tác sản xuất trên biển, hỗ trợ lẫn nhau nhằm giảm chi phí đầu vào, nâng cao hiệu quả khai thác thủy sản. Đặc biệt, tỉnh đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ công nghệ, kỹ thuật vào lĩnh vực khai thác thủy sản, nhất là ứng dụng vào hoạt động bảo quản sản phẩm, giảm tổn thất sau thu hoạch... Mặt khác, tỉnh tập trung triển khai một số nghề khai thác sử dụng ít xăng dầu hơn để đảm bảo duy trì thời gian đánh bắt trong điều kiện giá xăng, dầu tăng cao như hiện nay.
Trước tình hình khó khăn này, tỉnh Cà Mau kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xem xét, tham mưu Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành các nghị định về chính sách, chương trình, đề án liên quan đến phát triển thủy sản; tăng cường đầu tư, nâng cấp cơ sở hạ tầng, dịch vụ hậu cần như cảng cá và các trung tâm nghề cá lớn của cả nước phục vụ khai thác thủy sản, đảm bảo đủ năng lực để thực hiện nhiệm vụ trong thời gian tới. Bên cạnh đó, tỉnh đề xuất Trung ương tăng cường kinh phí khuyến nông cho hoạt động khai thác thủy sản, đẩy nhanh tiến bộ kỹ thuật vào hoạt động sản xuất; đồng thời tiếp tục điều tra, nghiên cứu, đánh giá ở vùng biển nước sâu để mở ra các nghề khai thác hải sản mới.
Thời gian qua, tỉnh Cà Mau hỗ trợ ngư dân bám biển theo Nghị định 67 của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản. Theo đó, tỉnh hỗ trợ ngư dân thông qua các chính sách đầu tư, tín dụng, bảo hiểm, hỗ trợ chi phí đào tạo hướng dẫn thuyền viên và chi phí vận chuyển hàng hóa, hỗ trợ chi phí thiết kế mẫu tàu vỏ thép, duy tu, sửa chữa định kỳ tàu vỏ thép. Đến nay, phần lớn các chính sách kể trên đã hết thời gian áp dụng và đang được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sửa đổi, bổ sung, dự kiến trình Chính phủ trong năm 2022. Ngoài ra, Hội đồng nhân dân tỉnh còn ban hành nghị quyết về hỗ trợ cước thuê bao dịch vụ giám sát hành trình tàu cá trên địa bàn tỉnh.
Do vậy, toàn tỉnh hiện có 1.531/1.537 tàu cá (đạt trên 99%) đã lắp đặt xong thiết bị giám sát hành trình theo quy định của UBND tỉnh. Sụ nỗ lực này của tỉnh đã góp phần nâng cao hơn hiệu quả quản lý tàu cá ra vào cửa biển; đồng thời thực hiện tốt các quy định chống khai thác thủy sản trái phép theo quy định của IUU.