Theo hãng tin Reuters, một giáo sư Hong Kong (Trung Quốc) đã phát triển một chương trình giáo dục sử dụng những con robot nhập vai nhằm giúp trẻ em mắc chứng tự kỷ cải thiện các kỹ năng xã hội.
Chương trình với tên gọi “Robot can thiệp hành vi tự kỷ” (RABI) được thiết kế dành cho trẻ em mắc chứng tự kỷ từ 3 đến 18 tuổi.
Chương trình này giúp các em dễ dàng tái hòa nhập với xã hội và giải quyết các vấn đề như mâu thuẫn, bắt nạt.
Catherine So, giáo sư chuyên về ngành tâm lý giáo dục tại Đại học Hong Kong, cho biết ít nhất 1.200 trẻ em được tiếp cận chương trình này kể từ khi dự án khởi động vào năm 2015.
“Những cá nhân mắc chứng tự kỷ không có động lực để giao tiếp với người khác cũng như cực kỳ nhạy cảm đối với thế giới xung quanh. Chúng tôi sử dụng robot để dạy các em về kỹ năng sống, giúp các em giảm nỗi lo lắng sợ hãi”, nữ chuyên gia giải thích.
Robot sẽ giúp các em tham gia trò nhập vai và tương tác bằng lời nói. Một lớp học điển hình trong chương trình bao gồm sự tham gia của hai con robot nhỏ diễn lại các tình huống xã hội thường gặp. Phản ứng của các con robot sẽ giúp các em phân biệt được đâu là hành vi thích hợp và đâu là hành vi không thể chấp nhận được ví dụ như la hét hay tức giận.
Muse Wong (41 tuổi) cho biết con gái 5 tuổi của mình đã tham gia chương trình này được 7 tháng và các kỹ năng giao tiếp và xã hội của cô bé đã được cải thiện rất nhiều.
Sau khi tương tác với robot, trẻ em được khuyến khích thử nghiệm kỹ năng xã hội với một gia sư.
Trên 20 tổ chức phi lợi nhuận do chính phủ và các trường công lập ở Hong Kong, Macao tài trợ đã triển khai chương trình này. “Chúng tôi tin rằng RABI có thể giúp trẻ tự kỷ cải thiện các kỹ năng xã hội và hành vi, và từ đó nâng cao chất lượng cuộc sống”, nữ giáo sư kết luận.