Kết quả nghiên cứu cảnh báo ngủ quá nhiều có thể làm tăng nguy cơ tử vong

Ngủ quá nhiều có thể làm tăng đáng kể nguy cơ tử vong do bệnh thận mạn (suy thận mạn), theo cảnh báo từ một nhóm nghiên cứu Nhật Bản.

Chú thích ảnh
Ảnh minh hoạ: AFP

Nhóm nghiên cứu cho rằng giấc ngủ kéo dài có thể thay đổi các hormone liên quan đến sức khỏe thận hoặc phản ánh các vấn đề sức khỏe tiềm ẩn và khả năng tiếp cận dịch vụ y tế.

Bệnh thận mạn là tình trạng lâu dài xảy ra khi thận không còn khả năng lọc chất thải trong máu hiệu quả. Theo trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC), có khoảng 35,5 triệu người trưởng thành ở Mỹ mắc bệnh này, nhưng 9/10 người không biết mình bị bệnh.

“Nghiên cứu này nhấn mạnh tầm quan trọng của việc hiểu cách cả giấc ngủ quá ít và quá nhiều đều có thể ảnh hưởng đến sức khỏe thận”, ông Shuai Guo, nhà nghiên cứu y tế công cộng từ Đại học Tsukuba, Nhật Bản, cho biết.

Ông cho rằng kết quả nghiên cứu cho thấy giấc ngủ kéo dài có thể là dấu hiệu của các vấn đề sức khỏe tiềm ẩn góp phần làm tăng nguy cơ tử vong do bệnh thận mạn, đặc biệt ở những người trẻ tuổi.

Trong nghiên cứu này, ông Guo và các đồng nghiệp đã tuyển chọn hơn 95.000 người trưởng thành Nhật Bản từ 40–79 tuổi và theo dõi họ trong gần 19 năm.

Những người tham gia được yêu cầu báo cáo thời gian ngủ mỗi đêm và được chia thành các nhóm theo thời lượng giấc ngủ: dưới 6 giờ, 6–7 giờ, 7–8 giờ, 8–9 giờ và trên 9 giờ.

CDC khuyến nghị người trưởng thành ngủ ít nhất 7 giờ mỗi đêm. Đối với những người từ 61–64 tuổi, thời lượng ngủ tối đa là 9 giờ, còn những người trên 65 tuổi không nên ngủ quá 8 giờ mỗi đêm.

Kết quả nghiên cứu cho thấy, ngủ từ 8–9 giờ mỗi đêm làm tăng 41% nguy cơ tử vong do bệnh thận mạn so với nhóm ngủ 7–8 giờ. Nguy cơ này tăng lên đến 82% đối với những người ngủ từ 9 giờ trở lên mỗi đêm.

Đáng chú ý, nguy cơ này cao hơn ở những người dưới 65 tuổi, nhóm nghiên cứu cho biết.

Dù cần thêm nghiên cứu để làm rõ mối liên hệ giữa giấc ngủ và nguy cơ mắc bệnh thận mạn, các nhà khoa học đưa ra một số giả thuyết, bao gồm:

Ngủ nhiều có thể làm thay đổi mức độ cortisol và melatonin - hai hormone ảnh hưởng đến chức năng thận.

Ngủ quá nhiều có thể làm tăng nồng độ protein gây ra "xơ hóa thận tiến triển", hiện tượng tích tụ mô sẹo trong thận, thường liên quan đến giai đoạn cuối của bệnh thận mạn.

Hội chứng ngưng thở khi ngủ (OSA), một yếu tố gây ra và làm tiến triển bệnh thận mạn, phổ biến hơn ở những người ngủ nhiều.

Ngủ nhiều cũng liên quan đến nguy cơ cao mắc các vấn đề về tim mạch, vốn có thể gây suy giảm chức năng thận.

Giấc ngủ dài có thể phản ánh tình trạng kinh tế – xã hội thấp. Những người có điều kiện kinh tế thấp thường khó tiếp cận hoặc nhận được dịch vụ y tế kém hơn, làm tăng nguy cơ mắc bệnh thận mạn.

Nghiên cứu này nhấn mạnh tầm quan trọng của việc duy trì thói quen ngủ lành mạnh. Ngủ đủ giấc, không quá ít hay quá nhiều, không chỉ giúp tăng cường sức khỏe tổng thể mà còn đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ thận và giảm nguy cơ tử vong.

Các chuyên gia khuyến cáo người trưởng thành nên duy trì giấc ngủ từ 7–8 giờ mỗi đêm và lưu ý đến các vấn đề sức khỏe tiềm ẩn nếu thời gian ngủ kéo dài bất thường.

Phúc Toàn/Báo Tin tức (Theo newsweek)
Những thói quen tưởng vô hại nhưng phá hỏng giấc ngủ của bạn
Những thói quen tưởng vô hại nhưng phá hỏng giấc ngủ của bạn

Những thói quen xấu có thể gây ra hiệu ứng domino, khiến bạn mệt mỏi cả ngày hôm sau và những ngày tiếp theo, như thể bị mắc kẹt trong trạng thái buồn ngủ triền miên.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN