Ảnh minh họa: wmeac
Hiện nay, ngày càng có nhiều lời kêu gọi cấm sử dụng các hợp chất này. Mặc dù có bằng chứng chắc chắn rằng ít nhất một trong số hơn 4.000 loại PFAS có thể gây ung thư, các nhà khoa học vẫn đang nghiên cứu để hiểu rõ hơn về tác động của chúng đối với cơ thể con người.
PFAS là gì?
PFAS là nhóm hóa chất tổng hợp được phát triển từ những năm 1940 với khả năng chịu nhiệt cao và chống nước, dầu mỡ. Chúng được sử dụng rộng rãi trong các sản phẩm gia dụng và công nghiệp như bao bì thực phẩm, mỹ phẩm, vải chống bám bẩn, chảo chống dính và chất chống cháy.
Do khả năng phân hủy cực kỳ chậm, PFAS đã ngấm vào đất, nước ngầm, sau đó xâm nhập vào chuỗi thực phẩm và nguồn nước uống. Các nhà khoa học đã phát hiện dấu vết của chúng ở khắp nơi trên Trái Đất, từ đỉnh Everest cho đến máu và não người.
Hai loại PFAS được nghiên cứu nhiều nhất đã bị cấm hoặc hạn chế ở nhiều quốc gia nhưng vẫn có thể tìm thấy trong môi trường.
Axit perfluorooctanoic (PFOA): Từng được sử dụng để sản xuất lớp chống dính Teflon, hợp chất này đã bị Cơ quan nghiên cứu ung thư Quốc tế (IARC) xếp vào danh sách gây ung thư ở người vào tháng 12/2023. IARC cho biết có bằng chứng rõ ràng rằng PFOA gây ung thư ở động vật thí nghiệm, đồng thời có một số bằng chứng hạn chế về nguy cơ ung thư thận và tinh hoàn ở người.
Axit perfluorooctanesulfonic (PFOS): Thành phần chính trong chất bảo vệ vải Scotchgard, PFOS được IARC xếp vào nhóm có thể gây ung thư ở người. Dù có bằng chứng hạn chế về nguy cơ ung thư ở động vật, dữ liệu về ảnh hưởng đối với con người vẫn chưa đủ để kết luận chắc chắn.
Những bệnh lý liên quan đến PFAS
Một phụ nữ bị mắc bệnh béo phì tại Chicago, bang Illinois, Mỹ. Ảnh minh họa: AFP/TTXVN
Nhiều nghiên cứu quan sát đã chỉ ra rằng phơi nhiễm với PFAS có thể làm gia tăng nguy cơ mắc các bệnh như: Ung thư, béo phì , bệnh tuyến giáp, bệnh gan và thận, Cholesterol cao, cân nặng sơ sinh thấp, chứng vô sinh, làm suy giảm hiệu quả của vắcxin.
Tuy nhiên, các cơ quan y tế cho biết nghiên cứu qua quan sát không thể khẳng định PFAS là nguyên nhân trực tiếp gây ra các vấn đề này. Ngoài ra, do có hàng nghìn hợp chất PFAS khác nhau, việc nghiên cứu chi tiết từng loại vẫn là một thách thức lớn.
Nguy cơ phơi nhiễm PFAS cũng khác nhau tùy thuộc vào mức độ tiếp xúc. Hầu hết mọi người trên Trái Đất đều có một lượng nhỏ PFAS trong cơ thể. Những người làm việc trong các ngành sản xuất thực phẩm, dệt may hoặc thiết bị điện tử là nhóm có nguy cơ cao nhất.
Việc xác định ngưỡng phơi nhiễm PFAS gây nguy hiểm vẫn còn là vấn đề tranh cãi.
Trước đây, nhiều quốc gia cho rằng mức dưới 100 nanogam PFAS trong mỗi lít nước máy là an toàn. Tuy nhiên, Mỹ hiện đề xuất giảm ngưỡng này xuống chỉ còn 4 nanogam đối với PFOA và PFOS – Liên minh châu Âu (EU) cũng đang cân nhắc điều chỉnh tương tự.
Một cuộc điều tra năm 2023 cho thấy tại 2.100 địa điểm ở châu Âu và Anh, mức PFAS trong nước vượt quá 100 nanogam/lít. Đặc biệt, tại 300 trong số đó, mức độ này thậm chí vượt 10.000 nanogam/lít.
Một nghiên cứu quy mô lớn khác cũng ghi nhận "mức độ báo động" của PFAS trong các con sông, hồ và nước ngầm ở châu Âu. Trong khi đó, một nghiên cứu riêng biệt phát hiện chất liên quan đến PFAS trong nước uống đóng chai và nước máy của EU.
Một trong những thách thức lớn trong việc kiểm soát PFAS là các công ty hóa chất liên tục phát triển các hợp chất mới. Khi một loại PFAS bị cấm, chúng thường được thay thế bằng một hợp chất khác thuộc cùng nhóm, nhưng chưa được nghiên cứu đầy đủ về tác động đối với sức khỏe.
Elsie Sunderland, nhà nghiên cứu môi trường tại Đại học Harvard, gọi đây là "trò chơi đập chuột hóa chất", ám chỉ việc các nhà quản lý luôn phải chạy theo để cấm các hóa chất mới xuất hiện. Các chuyên gia y tế và nhà môi trường trên toàn cầu ngày càng kêu gọi hành động mạnh mẽ hơn.
Tại Pháp, nghị sĩ Nicolas Thierry trình một dự luật vào ngày 12/2 nhằm cấm sử dụng PFAS trong các sản phẩm không thiết yếu từ năm 2025. Liên minh châu Âu cũng đang xem xét lệnh cấm PFAS trên toàn khu vực, có thể có hiệu lực sớm nhất vào năm 2026.
Người dân có thể làm gì để hạn chế phơi nhiễm PFAS?
Việc tránh hoàn toàn PFAS gần như là không thể, nhưng có một số biện pháp giúp giảm tiếp xúc với hóa chất này: Hạn chế sử dụng chảo chống dính hoặc chọn loại không chứa PFAS. Tránh bao bì thực phẩm có lớp chống dầu mỡ, chẳng hạn như giấy gói đồ ăn nhanh. Sử dụng nước lọc hoặc nước đóng chai thay vì nước máy có nguy cơ nhiễm PFAS. Bảo quản thực phẩm trong hộp thủy tinh thay vì hộp nhựa.
Trong khi các nghiên cứu vẫn đang tiếp tục, các chuyên gia khuyến nghị người tiêu dùng nên có những thay đổi nhỏ trong thói quen hàng ngày để bảo vệ sức khỏe lâu dài.