Liên minh toàn cầu về sức khỏe và ô nhiễm (GAHP) đã đưa ra kết luận trên trong báo cáo công bố ngày 18/12 đánh giá tác động của các chất gây ô nhiễm trong không khí, nguồn nước và tại nơi làm việc, nơi ở trên phạm vi toàn cầu.
Theo GAHP, ô nhiễm là nguyên nhân môi trường lớn nhất gây ra 15% số ca chết yểu (khoảng 8,3 triệu người) trong tổng số các ca tử vong trên toàn cầu.
Trong 10 quốc gia có số người tử vong nhiều nhất do ô nhiễm trong năm 2017, có một số quốc gia lớn và giàu có nhất thế giới nhưng cũng có một số quốc gia nghèo. Ấn Độ và Trung Quốc đứng đầu về số người chết do ô nhiễm, với con số được ghi nhận lần lượt là khoảng 2,3 triệu và 1,8 triệu người. Tiếp đến là Nigeria, Indonesia và Pakistan. Mỹ với dân số 325 triệu người đứng ở vị trí thứ 7 với gần 200.000 ca tử vong do ô nhiễm. Theo báo cáo, Ấn Độ ngày càng hứng chịu sự ô nhiễm do hoạt động công nghiệp và lượng xe cộ ở thành thị, trong khi đó điều kiện vệ sinh yếu kém và không khí trong nhà bị ô nhiễm kéo dài dai dẳng tại các cộng đồng có thu nhập thấp.
Quyền Giám đốc điều hành GAHP, bà Rachelael Kupka nêu rõ: "Báo cáo này là lời cảnh tỉnh tất cả chúng ta rằng ô nhiễm à cuộc khủng hoảng toàn cầu. Dù bạn sống ở đâu đi nữa thì ô nhiễm vẫn tìm đến bạn".
Tỷ lệ tử vong do ô nhiễm tính theo dân số được ghi nhận ở mức cao nhất tại một số quốc gia nghèo nhất thế giới, nơi nguồn nước kém chất lượng và không khí trong nhà ô nhiễm là "sát thủ" chính. CH Chad, CH Trung Phi và Triều Tiên là những nước có số người tử vong cao nhất với lần lượt 287, 251 và 202 người cứ tính trên 100.000 người. Trong khi đó, 5 quốc gia trên Bán đảo Arab lọt vào top 10 nước có tỷ lệ tử vong thấp nhất do ô nhiễm, với Qatar ở vị trí đầu tiên.
Ô nhiễm không khí là sự kết hợp của các chất ô nhiễm trong nhà cũng như ngoài trời và tầng ozone, trong khi ô nhiễm nguồn nước gồm nguồn nước không an toàn và hệ thống vệ sinh kém. Báo cáo cũng nêu rõ ô nhiễm không khí chiếm tới 40% số ca tử vong liên quan đến các loại ô nhiễm, với Trung Quốc, Ấn Độ và Pakistan dẫn đầu lần lượt theo thứ tự là 1,2 triệu, 1,2 triệu và 130.000 người. Số người tử vong do ô nhiễm trên toàn cầu chỉ vượt số người tử vong do hút thuốc lá và vẫn thấp hơn so với số người tử vong do rượu, ma túy, chế độ ăn nhiều natri, HIV, sốt rét, lao và chiến tranh.