Sự tích tụ khí cácbon điôxít (CO2) trên thượng tầng khí quyển Trái Đất có thể tạo môi trường thuận lợi để các loại rác vũ trụ tồn tại lâu hơn trong không gian. Đây được xem là nguyên nhân dẫn tới nhiều vụ va chạm giữa các vật thể trong vũ trụ.
Theo kết quả nghiên cứu đăng trên tạp chí "Nature Geoscience" (Anh), ra ngày 11/11, quan sát từ nhiều vệ tinh không gian, trong đó gồm cả Trạm vũ trụ quốc tế (ISS), các nhà khoa học kết luận rằng ngoài việc gây ra hiện tượng nóng lên của Trái Đất, khí CO2 cũng có khả năng tác động ngược lại làm nguội bầu khí quyển và làm co cứng lớp ngoài cùng của tầng khí quyển (gọi là "thượng tầng khí quyển"), nơi đặt các vệ tinh quan sát.
Việc khí CO2 làm tầng đối lưu mát hơn, tạo thuận lợi cho rác thải tồn tại lâu hơn trong không gian, thay vì chúng bị đốt cháy trong các tầng thấp hơn của bầu khí quyển gần hơn với Trái Đất. Sự gia tăng rác trong vũ trụ cả về số lượng và tốc độ lâu ngày đã trở thành nguyên nhân gây ra nhiều vụ va chạm giữa các vật thể trong không trung. Các nhà nghiên cứu cảnh báo sự va chạm giữa rác thải với các tàu nghiên cứu vũ trụ do con người phóng lên có thể phá hủy những con tàu này.
Liên quan đến nghiên cứu trên, các nhà khoa học còn cho rằng khi "thượng tầng khí quyển" co lại, còn có thể làm giảm "lực kéo" khí quyển trên các vệ tinh - tương tự như lực khi ta cầm tay một người kéo ra ngoài cửa sổ của một chiếc xe đang di chuyển. Lực kéo này chính là nguyên nhân khiến các quĩ đạo vệ tinh biến đổi, kéo chúng gần với Trái Đất hơn.
TTXVN/ Tin Tức