Các nhà khoa học nữ trao đổi tại buổi tọa đàm. |
Đó là nhận định của ông Đinh Hữu Phí, Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) tại tọa đàm “Nữ trí thức và công cụ sở hữu trí tuệ trong đổi mới, sáng tạo”diễn ra ngày 12/4, tại Hà Nội.
Tại buổi tọa đàm, các nữ trí thức là nhà khoa học đã chia sẻ về các hoạt động nghiên cứu sáng tạo, đặc biệt là chia sẻ những nhận thức, kinh nghiệm trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ trong hoạt động nghiên cứu của mình.
"Nghiên cứu khoa học là tạo ra sản phẩm khoa học mới. Muốn sản phẩm mới được ứng dụng, tác giả đăng ký công nghệ có bản quyền, được người dân, doanh nghiệp chấp nhận, khi đó sẽ bán được bản quyền. Có như vậy, các khoản vốn đầu tư của nhà nước sẽ tạo ra hiệu quả kinh tế cao và hiệu quả xã hội tích cực”, PGS.TS Nguyễn Thị Trâm (Học viện Nông nghiệp Việt Nam) chia sẻ.
GS. TSKH Phạm Thị Trân Châu, Chủ tịch Hội Nữ Trí thức Việt Nam cho biết: Trong các thành viên của Hội nữ trí thức Việt Nam đã có nhiều thành viên nhận được các bằng độc quyền sáng chế và nhờ đó ứng dụng rất thành công các nghiên cứu vào thực tiễn như: PGS.TS Nguyễn Thị Trâm (Học viện Nông nghiệp Việt Nam) với 10 giống lúa có bản quyền; TS. Đỗ Thị Huyền (Viện Công nghệ sinh học) với chứng nhận Giải pháp hữu ích “Vắc xin tái tổ hợp bảo vệ gà phòng chống Samonella”; TS. Lê Thị Minh Thành (Viện Công nghệ sinh học) với 2 Giải pháp hữu ích về chủng vi khuẩn Bacillus và 1 Giải pháp hữu ích về Ứng dụng chủng vi khuẩn Bt Việt Nam trong sản xuất chế phẩm diệt ấu trùng ruồi nhà… Thời gian tới, các nữ tri thức cần chủ động trong hoạt động sở hữu trí tuệ, cần có các hoạt động mời chuyên gia đến để nâng cao kiến thức về lĩnh vực này tại đơn vị mình.
“Kỷ niệm Ngày sở hữu trí tuệ thế giới năm nay với chủ đề “Tiếp sức cho những thay đổi – Phụ nữ với hoạt động đổi mới sáng tạo” đã tôn vinh tài năng, sự khéo léo, ham học hỏi và sự can đảm của phụ nữ - những người bằng lao động sáng tạo của mình đang thay đổi thế giới và định hình tương lai chung. Nhận thức được điều này, sắp tới Cục Sở hữu trí tuệ sẽ có những hợp tác với Hội Nữ trí thức trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ nhằm phát huy hơn nữa vai trò của nữ trí thức trong hoạt động đổi mới sáng tạo dựa trên công cụ sở hữu trí tuệ”, ông Phí khẳng định.
Cũng theo ông Phí, hoạt động đổi mới, sáng tạo để được phát triển cần dựa trên nền tảng của tri thức và nghiên cứu tìm tòi, nhưng cũng cần có một công cụ hỗ trợ đắc lực là quyền sở hữu trí tuệ. Sở hữu trí tuệ ngày càng có vai trò quan trọng đối với sự phát triển kinh tế-xã hội của các quốc gia và nó đã thực sự trở thành mối quan tâm chung của toàn thế giới. Nhất là tại Việt Nam, khi lĩnh vực sở hữu trí tuệ vẫn còn khá non trẻ.