Phát triển thị trường KH&CN dựa trên tài sản trí tuệ - Bài 3: Tài sản trí tuệ là bệ phóng

Thị trường khoa học và công nghệ cùng với hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tại Việt Nam đang phát triển mạnh mẽ.

Tuy nhiên, quá trình thúc đẩy phát triển thị trường khoa học và công nghệ, hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, doanh nghiệp khoa học công nghệ mới chỉ tập trung vào hình thành, kêu gọi vốn đầu tư mà ít chú trọng đến việc tạo lập các tài sản trí tuệ mới, bảo hộ và khai thác các quyền sở hữu trí tuệ hoặc có bảo hộ và khai thác nhưng chưa hiệu quả, gây khó khăn cho hoạt động nghiên cứu sáng tạo, ứng dụng vào sản xuất, kinh doanh cho doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Trước bối cảnh hội nhập, các tài sản trí tuệ đã và đang trở thành bệ phóng cho khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, gắn quyền sở hữu trí tuệ với các hoạt động đổi mới sáng tạo, nghiên cứu phát triển, sản xuất kinh doanh để phục vụ phát triển kinh tế xã hội; đồng thời kết nối mạng lưới nghiên cứu phát triển, ứng dụng, chuyển giao và thương mại hóa các sản phẩm khoa học và công nghệ, sáng chế giữa các nhà sáng chế, các tổ chức nghiên cứu với doanh nghiệp.

Chú thích ảnh
Sản xuất điện thoại thông minh tại Nhà máy của VinSmart giai đoạn 1 tại Khu công nghệ cao Hòa Lạc (Hà Nội). Ảnh minh họa: Anh Tuấn/TTXVN

Phát triển, bảo hộ tài sản trí tuệ tại địa phương

Ông Trần Lê Hồng, Phó Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) khẳng định: Tài sản trí tuệ đã và đang trở thành bệ phóng cho khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, gắn quyền sở hữu trí tuệ với các hoạt động đổi mới sáng tạo, nhận thức rõ về vấn đề này, thời gian qua, các địa phương cũng như các doanh nghiệp đã chú trọng và quan tâm đến bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ. Đến nay, cả nước có hơn 100 chỉ dẫn địa lý được bảo hộ, trong đó có nhiều chỉ dẫn địa lý của nước ngoài. Đặc biệt, Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) chính thức được Quốc hội hai bên phê chuẩn đã mở ra “cơ hội vàng” cho 39 chỉ dẫn địa lý của Việt Nam khi được chính thức bảo hộ và hưởng các ưu đãi thuế quan trong xuất khẩu tại Liên minh châu Âu. Đồng thời, theo Hiệp định này, Việt Nam đã bảo hộ thêm gần 200 chỉ dẫn địa lý của Liên minh châu Âu.

Điển hình, tại Bắc Giang - địa phương có nhiều vùng được cấp chỉ dẫn địa lý, chứng nhận đăng ký nhãn hiệu tập thể cùng với nhiều sản phẩm được bảo hộ nhãn hiệu được người tiêu dung biết đến và mang lại giá trị cao cho sản phẩm đặc thù địa phương. Hiện, tỉnh Bắc Giang rất quan tâm đến bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, thực hiện chiến lược sở hữu trí tuệ, chương trình phát triển tài sản trí tuệ, phấn đấu đến năm 2025, Bắc Giang thuộc nhóm các tỉnh, thành phố trong top 15 của cả nước về bảo hộ, khai thác quyền sở hữu trí tuệ.

Yên Thế là huyện miền núi nằm ở phía Tây Bắc của tỉnh Bắc Giang, với 31% diện tích đất nông nghiệp và 48% diện tích đất lâm nghiệp, đây là lợi thế để huyện phát triển kinh tế nông nghiệp đa dạng với các mô hình kinh tế vườn đồi, vườn rừng gắn với phát triển chăn nuôi nhằm tạo ra các sản phẩm mũi nhọn. Nhắc đến Yên Thế, một trong những sản vật địa phương không thể không kể đến đó là gà đồi Yên Thế - vật nuôi đầu tiên trong cả nước được công nhận nhãn hiệu tập thể chỉ dẫn địa lý. Đến nay, gà đồi Yên Thế đã được bảo hộ sở hữu công nghiệp tại: Lào, Trung Quốc và Singapore. Tiếp tục phát huy giá trị nông sản địa phương, những năm qua Yên Thế đã đưa ra nhiều giải pháp nhằm xây dựng thương hiệu “gà đồi Yên Thế”.

Cùng với "gà đồi Yên Thế", vú sữa Tân Yên cũng được người tiêu dùng biết đến và ưa chuộng. Được du nhập vào trồng tại tỉnh Bắc Giang cách đây khoảng 30 năm, cây vú sữa hợp đất, hợp nước ngày càng phát triển, cho chất lượng quả thơm ngon, giúp nhiều gia đình ở Tân Yên thoát nghèo, thu nhập cao. Năm 2017, Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) đã cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu tập thể “Vú sữa Tân Yên” nhằm tạo thuận lợi để quảng bá, giới thiệu sản phẩm, tăng thu nhập cho nông dân. Hiện toàn bộ diện tích sản xuất vú sữa theo tiêu chuẩn VietGap nơi đây đã được gắn tem truy xuất nguồn gốc khi đưa ra thị trường tiêu thụ. Cũng tại Bắc Giang, từ nhiều năm nay, còn nổi tiếng với các đặc sản như: mỳ Chũ, vải thiều Lục Ngạn, bưởi Hiệp Hòa, chè Yên Thế, rau sạch Yên Dũng… đây là niềm tự hào của mỗi người dân Bắc Giang khi sản phẩm được người tiêu dùng ưa chuộng và xuất khẩu ra thị trường thế giới.

Đặc biệt, ngày 12/3/2021, Phòng Sở hữu trí tuệ, Cục Công nghiệp thực phẩm (FIAB), Bộ Nông, Lâm, Ngư nghiệp Nhật Bản đã có thông báo về vải thiều Lục Ngạn, Bắc Giang của Việt Nam được bảo hộ chỉ dẫn địa lý tại Nhật - Sản phẩm đầu tiên của Việt Nam được bảo hộ tại Nhật, đây là chứng nhận uy tín tạo thuận lợi cho việc tiêu thụ sản phẩm ở các thị trường khó tính. Trước đó, vải thiều Bắc Giang cũng được bảo hộ thành công nhãn hiệu tại nhiều quốc gia khác như: Trung Quốc, Lào, Campuchia, Hàn Quốc, Singapore, Australia và được tiêu thụ ở nhiều nước trên thế giới. Phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn, xây dựng nông thôn mới là nhiệm vụ lớn để phát triển đất nước. Bắc Giang tiếp tục phát triển các sản phẩm thế mạnh của địa phương – sản phẩm "hạt nhân" tạo ra giá trị gia tăng cao, hình thành chuỗi hoàn chỉnh, đặc sắc gắn với ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo dựa trên phát triển tài sản trí tuệ. 

Không chỉ tại miền Bắc mà tại miền Nam, sự phát triển thị trường khoa học công nghệ dựa trên đổi mới sáng tạo và bảo vệ sở hữu trí tuệ cũng được các doanh nghiệp chú trọng phát triển với nhiều chỉ dẫn địa lý như: Hạt điều Bình Phước; Mãng cầu Bà Đen; Bưởi Tân Triều; Chôm chôm Long Khánh; Hạt tiêu đen Bà Rịa - Vũng Tàu; Xoài cát Hòa Lộc; Bưởi da xanh, dừa Bến Tre... Điển hình tại tỉnh Bình Thuận – địa phương cũng có nhiều sản phẩm có chỉ dẫn địa lý như nước mắm Phan Thiết, thanh long Bình Thuận... trong đó, thanh long Bình Thuận cũng vừa được Bộ Nông, Lâm và Ngư nghiệp Nhật Bản cấp Bằng bảo hộ chỉ dẫn địa lý “Thanh long Bình Thuận” ngày 7/10/2021 cho sản phẩm thanh long của tỉnh Bình Thuận, Việt Nam. Chỉ dẫn địa lý thanh long Bình Thuận là chỉ dẫn địa lý thứ hai của Việt Nam chính thức được bảo hộ tại Nhật Bản, sau vải thiều Lục Ngạn. Việc thanh long Bình Thuận được bảo hộ chỉ dẫn địa lý có thể nói như "giấy thông hành" để vào thị trường Nhật Bản nói riêng, thế giới nói chung và khẳng định uy tín thanh long Bình Thuận tại thị trường Nhật Bản, mở ra nhiều cơ hội mới cho việc xuất khẩu, tiêu thụ thanh long Bình Thuận ở nhiều thị trường khác nhau, nhất là tại các thị trường khó tính như: Châu Âu, Hàn Quốc, New Zealand… 

Việc xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm nông sản, đặc sản của Việt Nam gắn với chỉ dẫn địa lý nhất là bảo hộ chỉ dẫn địa lý ở nước ngoài đã và đang trở thành một định hướng quan trọng nhằm gia tăng giá trị của sản phẩm, khẳng định thương hiệu cho các sản phẩm đặc sản của Việt Nam. Từ đây cũng khẳng định vai trò của sở hữu trí tuệ, một công cụ đắc lực hỗ trợ cho các sản phẩm Việt Nam có thêm lợi thế cạnh tranh, thúc đẩy xuất khẩu ra thị trường quốc tế.

Thúc đẩy thương mại hóa

Ông Phạm Hồng Quất, Cục trưởng Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp khoa học và công nghệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cho biết: Hiện cả nước có hơn 800 tổ chức trung gian của thị trường khoa học và công nghệ; các tổ chức kiểu mới cũng phát triển mạnh mẽ với 69 cơ sở ươm tạo; các tổ chức thúc đẩy kinh doanh, hơn 3.000 doanh nghiệp khoa học và công nghệ, trong đó khu vực tư nhân đã mang đến "làn sóng" mới cho cộng đồng khởi nghiệp công nghệ ở Việt Nam...

Việc triển khai các nhiệm vụ khoa học và công nghệ đã thu hút và huy động được sự quan tâm, tham gia rộng rãi của các tổ chức, cá nhân, các bộ, ngành, địa phương trong cả nước. Đồng thời, thông qua thực hiện các nhiệm vụ đã tạo được sự gắn kết giữa các viện - trường - doanh nghiệp và phát huy tác dụng, tạo được mối liên kết, góp phần thúc đẩy phát triển thị trường khoa học và công nghệ.

Công ty Cổ phần công nghệ mới Nhật Hải (OIC New) là một trong những doanh nghiệp khoa học và công nghệ điển hình của Việt Nam, tiên phong trong lĩnh vực nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng công nghệ nano trong công nghiệp, nông nghiệp, môi trường và y sinh. OIC New đã thành lập trung tâm nghiên cứu công nghệ nano hợp chất thiên nhiên, trở thành đơn vị đầu tiên và duy nhất điều chế thành công hạt nano có kích thước nhỏ nhất trên thị trường hiện nay (20-30nm) và mang các chế phẩm nano chất lượng cao của Việt Nam vươn ra thế giới. Các sản phẩm nano từ dược liệu thiên nhiên của OIC New đều được cấp Bằng độc quyền sáng chế duy nhất bởi Cục sở hữu trí tuệ về Quy trình điều chế - minh chứng rõ nét về tiềm lực nghiên cứu phát triển và chất lượng đầu ra cho các sản phẩm. OIC New với định hướng là công ty công nghệ, phát triển các sản phẩm công nghệ cao, hiện các sản phẩm không chỉ được bán tại thị trường trong nước mà còn được bán ra thị trường nhiều nước trên thế giới như: Singapore, Indonexia, Mỹ, Nhật Bản, châu Âu... đã góp phần vào thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội đất nước. OIC New được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp 11 Bằng độc quyền về sáng chế và giải pháp hữu ích và hơn 80 nghiên cứu nano từ thảo dược thiên nhiên, trong đó có 14 sản phẩm đã được thương mại hoá trên thị trường. Việc chú trọng bảo vệ, phát triển tài sản trí tuệ là bệ phóng để OIC New thương mại hóa được rất nhiều sản phẩm, mang lại giá trị kinh tế cao và là hướng đi thành công của doanh nghiệp.

Bên cạnh OIC New, nhiều doanh nghiệp Việt và câu chuyện thành công từ thương mại hóa tài sản trí tuệ. Công ty Cổ phần Giải pháp công nghệ Thuận Thiên được Sở Khoa học và Công nghệ Thành phố Hồ Chí Minh cấp giấy chứng nhận doanh nghiệp khoa học và công nghệ năm 2017. Thuận Thiên hiện sở hữu nhiều bằng độc quyền sáng chế (được công nhận tại hơn 150 quốc gia) cho công nghệ chống trào ngược dòng chảy và thu hồi rác thải rắn. Quan trọng hơn, doanh nghiệp đã sản xuất và thương mại hóa thành công sản phẩm từ sáng chế, góp phần đưa công nghệ vào cuộc sống, tạo ra giá trị bền vững cho môi trường và hệ sinh thái tự nhiên. Đến nay, Thuận Thiên là đơn vị tiên phong sản xuất các dòng sản phẩm hố ga nhựa thông minh, tích hợp công nghệ chống trào ngược dòng chảy và thu hồi rác thải rắn và độc quyền bán sản phẩm này tại thị trường Việt Nam.

Ông Phạm Hồng Quất nhấn mạnh: Những năm gần đây, quá trình thương mại hóa đã diễn ra mạnh mẽ và có nhiều chuyển biến tích cực, nhận thức của doanh nghiệp về vai trò của khoa học và công nghệ, đổi mới khoa học và công nghệ ngày càng tăng, tạo thênm sức cạnh canh cho thị trường khoa học và công nghệ. Bên cạnh đó, việc đẩy mạnh quá trình thành lập doanh nghiệp khoa học và công nghệ cùng với vườn ươm công nghệ, phát triển chương trình hỗ trợ thương mại hóa công nghệ và chính sách ưu đãi về thuế hỗ trợ chuyển giao công nghệ giữa trường đại học, viện nghiên cứu với doanh nghiệp; kết nối giữa Nhà nước - trường đại học, viện nghiên cứu - doanh nghiệp diễn ra mạnh mẽ hơn. Những quy định về quản lý sở hữu trí tuệ và chuyển giao công nghệ như: Xác định chủ sở hữu của các công nghệ, sản phẩm và tài sản trí tuệ; Vai trò của bộ phận quản lý sở hữu trong việc thực thi đăng ký độc quyền công nghệ cho các đơn vị và các nhà khoa học trong trường đại học; Đề xuất mức phân chia lợi nhuận nhằm động viên các tác giả đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, thương mại hóa công nghệ… đã thúc đẩy phát triển thị trường khoa học và công nghệ, thúc đẩy thương mại hóa kết quả nghiên cứu.

 Bài cuối: Tài sản vô hình cần được coi là tài sản chính trong giao dịch

HL (TTXVN)
Phát triển thị trường KH&CN dựa trên tài sản trí tuệ - Bài 2: Tạo nền tảng để phát triển cả 'chất' và 'lượng'
Phát triển thị trường KH&CN dựa trên tài sản trí tuệ - Bài 2: Tạo nền tảng để phát triển cả 'chất' và 'lượng'

Phát triển thị trường khoa học và công nghệ là nhu cầu bức thiết ở mỗi quốc gia.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN