Phát triển thị trường KH&CN dựa trên tài sản trí tuệ - Bài 2: Tạo nền tảng để phát triển cả 'chất' và 'lượng'

Phát triển thị trường khoa học và công nghệ là nhu cầu bức thiết ở mỗi quốc gia.

Thị trường khoa học và công nghệ có vai trò then chốt trong việc thúc đẩy hoạt động đổi mới sáng tạo, nâng cao năng lực khoa học và công nghệ, năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, cũng như nền kinh tế. Chương trình phát triển thị trường khoa học và công nghệ quốc gia đến năm 2030 ban hành tại Quyết định số 1158/QĐ-TTg ngày 13/7/2021 của Chính phủ đề ra mục tiêu với giá trị giao dịch hàng hóa hằng năm đạt bình quân trên 35% đối với một số lĩnh vực, ngành hàng xuất khẩu chủ lực; tỷ trọng giao dịch tài sản trí tuệ đạt trên 20%, tỷ trọng giao dịch các công nghệ nhập khẩu từ các nước phát triển đạt 35%; tỷ trọng giao dịch công nghệ từ các viện nghiên cứu, trường đại học đạt trên 40% trong tổng giao dịch công nghệ có nguồn gốc trong nước, số hóa các kết quả nghiên cứu, tài sản trí tuệ có tiềm năng thương mại hóa trên thị trường… Việc ban hành Chương trình phát triển thị trường khoa học và công nghệ quốc gia đến năm 2030 được kỳ vọng sẽ thúc đẩy thị trường khoa học và công nghệ ở Việt Nam phát triển cả về “chất” và “lượng” trong thời gian tới. 

Chú thích ảnh
Sản xuất điện thoại thông minh giá rẻ tại Nhà máy sản xuất thiết bị điện tử thông minh của VinSmart (thuộc Tập đoàn Vingroup) nằm trong Khu công nghệ cao (CNC) Hòa Lạc (Hà Nội). Ảnh minh họa: Anh Tuấn/TTXVN

Sôi động thị trường khoa học và công nghệ

Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Trần Văn Tùng cho biết: Từ những bước đi ban đầu hình thành thị trường khoa học và công nghệ, sau 10 năm triển khai theo Chủ trương đường lối của Đảng, Chính phủ, thị trường khoa học và công nghệ đã chuyển biến rõ rệt, đặc biệt chương trình 2075 đã ra tăng "sức nóng" của thị trường khoa học và công nghệ khi phê duyệt thành công 63 nhiệm vụ trên tổng số 500 đề xuất đăng ký với tổng kinh phí thực hiện trong 5 năm là 340 tỉ đồng, trong đó ngân sách nhà nước là 194 tỉ đồng, còn lại là vốn đối ứng từ doanh nghiệp tham gia thực hiện nhiệm vụ.
Bên cạnh đó, thể chế chính sách phát triển thị trường khoa học và công nghệ được hoàn thiện, các hoạt động kết nối cung - cầu công nghệ như: Techmart, Tech Demo, Techfest, Ictcomm... được Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức thường niên nhằm thúc đẩy giao dịch công nghệ trên thị trường, thu hút, khơi thông nguồn cung công nghệ chất lượng cao từ thị trường và quốc tế cho Việt Nam đã góp phần thúc đẩy phát triển, gia tăng sự sôi động cho thị trường khoa học và công nghệ. Chương trình phát triển thị trường khoa học và công nghệ đã có những đóng góp tích cực vào việc gắn kết khoa học và công nghệ của khối viện, trường với hoạt động đổi mới sáng tạo của doanh nghiệp, góp phần củng cố nền tảng, mối liên kết viện - trường - doanh nghệp và nhà nước.

Từ năm 2015 được sự hỗ trợ của chương trình 2075, nhiều sàn giao dịch công nghệ đã hình thành và phát triển, các tổ chức trung gian cũng lớn mạnh khẳng định được vai trò trong phát triển thị trường khoa học và công nghệ. Đặc biệt, phát triển thị trường khoa học và công nghệ dựa trên tài sản trí tuệ đã được chú trọng khi giao dịch tài sản trí tuệ giai đoạn 2015-2020 có tới hơn 5.000 hợp đồng chuyển nhượng giữa các cá nhân, doanh nghiệp Việt Nam, hơn 500 hợp đồng chuyển nhượng giữa cá nhân, doanh nghiệp Việt Nam với nước ngoài. Các sàn giao dịch công nghệ Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, vùng duyên hải Bắc Bộ, vùng đồng bằng sông Cửu Long hình thành và đi vào hoạt động hơn 20 điểm kết nối cung - cầu, điểm khai thác và tư vấn tài sản trí tuệ, công nghệ tại Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Nghệ An, Thái Nguyên, Đà Nẵng, Đắc Lắc, Cần Thơ... đã tăng cường kết nối cung cầu, đẩy mạnh thương mại hoá kết quả nghiên cứu, tài sản trí tuệ trên địa bàn và giữa các địa phương. Hoạt động xúc tiến thị trường khoa học và công nghệ được duy trì theo hướng liên thông với hoạt động xúc tiến thị trường hàng hoá, thị trường lao động, xúc tiến đầu tư trong và ngoài nước.

Giai đoạn 2011 - 2020, Bộ Khoa học và Công nghệ đã xây dựng và phát triển mô hình mẫu về tổ chức trung gian thị trường khoa học và công nghệ tại các trường đại học trọng điểm theo hướng đẩy mạnh thương mại hoá sản phẩm khoa học và công nghệ theo khối trường đại học, viện nghiên cứu. Các tổ chức trung gian phát triển cả về chiều rộng lẫn chiều sâu, hoạt động sàn giao dịch công nghệ được tăng cường theo hướng liên kết các vùng miền, kết hợp chặt chẽ với các hoạt động trung tâm ứng dụng công nghệ tại địa phương.

Việt Nam đã chú trọng tăng cường đầu tư cho khoa học và công nghệ không chỉ từ nhà nước mà còn từ xã hội, đặc biệt là từ doanh nghiệp, đẩy mạnh kết nối viện-trường-doanh nghiệp, đưa doanh nghiệp thực sự trở thành trung tâm của hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia, bảo vệ tài sản trí tuệ để biến các kết quả nghiên cứu thành sản phẩm, hàng hóa để ứng dụng, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Sau 10 năm chuyển mình, thị trường khoa học và công nghệ đã khởi sắc rõ rệt và có những tín hiệu tích cực cả về khoa học, công nghệ, kinh tế - xã hội và tính liên kết, lan tỏa cao. Đặc biệt, môi trường pháp lý về thị trường khoa học và công nghệ dần hoàn thiện thích ứng với kinh tế thị trường, hội nhập quốc tế. Bên cạnh đó, nhu cầu về hàng hóa khoa học và công nghệ được thúc đẩy, nâng cao năng lực hấp thụ, tiếp thu, làm chủ và áp dụng công nghệ tại các doanh nghiệp, thúc đẩy nguồn cung hàng hóa về khoa học và công nghệ trên thị trường khoa học và công nghệ, tăng cường xúc tiến thị trường, đẩy mạnh xã hội hóa, thúc đẩy kết nối cung - cầu công nghệ với sự tham gia của khu vực tư nhân. 

Thị trường sẽ phát triển triển cả “chất” và “lượng”

Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Trần Văn Tùng nhấn mạnh: Để Chương trình phát triển thị trường khoa học và công nghệ quốc gia đến năm 2030 triển cả về “chất” và “lượng”, đạt mục tiêu đề ra, cần đẩy mạnh việc kết nối phát triển thị trường khoa học và công nghệ; đồng thời tiếp tục tăng cường đầu tư cho khoa học và công nghệ không chỉ từ nhà nước mà còn từ xã hội, đặc biệt là từ doanh nghiệp. Bên cạnh đó, cần tăng cường kết nối viện - trường - doanh nghiệp, đưa doanh nghiệp thực sự trở thành trung tâm của hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia, nơi biến các kết quả nghiên cứu từ viện - trường thành sản phẩm, hàng hóa. Đặc biệt, vấn đề liên kết, chuyển giao tri thức hiệu quả là yếu tố then chốt, quyết định giúp phát triển thị trường khoa học và công nghệ, góp phần nâng cao trình độ khoa học và công nghệ của Việt Nam.

Thứ trưởng Trần Văn Tùng cho biết,  Bộ Khoa học và công nghệ đã hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới công nghệ, thúc đẩy phát triển mô hình các tổ chức trung gian, tạo cơ hội để các nhà đầu tư tìm kiếm các sáng chế, kết quả nghiên cứu có tiềm năng thương mại hóa trên mọi lĩnh vực để ứng dụng phục vụ cho mục đích phát triển kinh tế-xã hội của Việt Nam. Thị trường khoa học và công nghệ có vai trò then chốt trong việc thúc đẩy hoạt động đổi mới sáng tạo, nâng cao năng lực khoa học và công nghệ, năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, cũng như nền kinh tế, trong đó doanh nghiệp đổi mới sáng tạo là chủ thể trung tâm trong hoạt động của thị trường, giao dịch và mua bán hàng hóa khoa học và công nghệ của doanh nghiệp đổi mới sáng tạo.

Đổi mới công nghệ là đòi hỏi cấp thiết trong bối cảnh hội nhập quốc tế, đặc biệt là cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, Bộ Khoa học và Công nghệ đang cùng với các bộ, ngành, địa phương thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp chuyển đổi số, xây dựng, phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ số, kinh tế số, triển khai các giải pháp có tính chất liên ngành về chuyển đổi số theo Chiến lược quốc gia về Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến năm 2030. Đồng thời, Bộ đặt ra mục tiêu đẩy mạnh số hóa các kết quả nghiên cứu, tài sản trí tuệ có tiềm năng thương mại hóa trên thị trường, kết nối hiệu quả với mạng lưới tổ chức trung gian khu vực ASEAN và toàn cầu, đẩy mạnh hợp tác quốc tế, kết nối thị trường khoa học và công nghệ Việt Nam với thị trường khoa học và công nghệ quốc tế.

Hiện có khoảng gần 2.000 cán bộ làm việc trong các tổ chức trung gian là các trung tâm ứng dụng khoa học và công nghệ, sàn giao dịch công nghệ, trường đại học, viện nghiên cứu... đội ngũ này được kỳ vọng góp phần thúc đẩy phát triển thị trường khoa học và công nghệ. Bên cạnh đó, để thúc đẩy hoạt động giao dịch của các sàn giao dịch công nghệ, cần đẩy mạnh xây dựng hệ thống liên kết các sàn giao dịch công nghệ vùng, khu vực duyên hải Bắc Bộ, nhằm thúc đẩy thị trường khoa học và công nghệ tại Việt Nam. Sàn giao dịch công nghệ tập trung vào các lĩnh vực như: Nông nghiệp, công nghệ thực phẩm, thủy sản, cơ khí chế tạo, điện tử, na-nô, y dược cho các viện, trường, doanh nghiệp, đặc biệt chú trọng các lĩnh vực trọng điểm, then chốt, có tiềm năng thế mạnh của Việt Nam, góp phần tăng năng lực cạnh tranh của hàng hóa trong nước, khu vực cũng như quốc tế.

Bài 3: Tài sản trí tuệ là bệ phóng

HL (TTXVN)
Phát triển thị trường KH&CN dựa trên tài sản trí tuệ - Bài 1: 'Mở cửa' thu hút đầu tư công nghệ cao, hình thành thị trường​
Phát triển thị trường KH&CN dựa trên tài sản trí tuệ - Bài 1: 'Mở cửa' thu hút đầu tư công nghệ cao, hình thành thị trường​

Phát triển thị trường khoa học và công nghệ là nhu cầu bức thiết ở mỗi quốc gia đặc biệt trong bối cảnh làn sóng cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra mạnh mẽ.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN