Đưa công nghệ vào nông nghiệp
Cách đây khoảng 3- 4 năm, với sự khuyến khích của Chính phủ về ứng dụng công nghệ thông tin vào đời sống xã hội, Công viên phần mềm Quang Trung (QTSC) cùng các doanh nghiệp công nghệ trong và ngoài Công viên triển khai Khu thực nghiệm ứng dụng công nghệ thông tin trong nông nghiệp.
“Phần mềm cũng chỉ là phần mềm, phải ứng dụng vào lĩnh vực cụ thể mới phát huy hiệu quả. Chúng tôi vốn xuất thân từ vùng quê, thấy người nông dân làm việc quần quật quanh năm nhưng lợi nhuận không cao nên nảy ra ý tưởng đưa công nghệ thông tin vào nông nghiệp. Nông nghiệp Việt Nam lợi thế rất lớn và mình có sẵn thế mạnh về công nghệ thông tin nên bắt tay vào làm”, Giám đốc QTSC Lâm Nguyễn Hải Long nhớ lại.
Khu thực nghiệm ra đời tại QTSC với diện tích khiêm tốn khoảng 1.000 m2. Những chuyên gia về công nghệ bắt tay vào thực hiện chủ yếu từ đam mê, chưa hiểu hết được nông nghiệp nên “làm theo những cái mình nghĩ”. Trên cơ sở đó, Khu thực nghiệm không ngừng cải tiến và thử nghiệm nhiều mô hình mới như hệ thống thủy canh, mở rộng thử nghiệm tại khu vực ngoài trời, gieo trồng các giống cây mới, trồng rau trong container, mô hình trồng rau thủy canh cho các hộ gia đình, robot gieo hạt giống tự động...
Theo ông Lâm Nguyễn Hải Long, thực tế sau mấy năm thực hiện cho thấy, ý tưởng thực hiện tốt, theo xu thế nhưng chưa đáp ứng được thị trường. Thị trường có những phân khúc khác nhau nên những sản phẩm (hệ thống, giải pháp) tạo ra khó thương mại hóa, bởi chủ yếu dành cho “giới có điều kiện” vì giá cao, trong khi đa phần nông dân nghèo nên khó ứng dụng và họ cũng chưa sẵn sàng tiếp cận những công nghệ đó.
“Thực tế lúc đầu, đa phần công nghệ là đưa từ nước ngoài về để triển khai. Hệ sinh thái chúng ta chưa sẵn sàng và chưa hiểu hết. Ngay như hệ thống nhà màng, tưới nhỏ giọt mình cũng phải nhập khẩu; bên trong ống tưới nhỏ giọt có cấu phần khác nhau, tùy theo loại đất mà mình chưa hiểu được. Đó là bí kíp công nghệ của từng quốc gia”, ông Lâm Nguyễn Hải Long nhìn nhận.
Từ những ý tưởng, giải pháp của Khu thực nghiệm tại QTSC, nhiều dự án nhỏ đã được kết nối lan tỏa ra các địa phương như Tiền Giang, Đăk Lăk, Long An, Hậu Giang, Lâm Đồng, Tây Ninh… Trong đó, Công viên phần mềm Mekong (Tiền Giang) có dự án trồng rau với diện tích thực nghiệm nông nghiệp khoảng 1 hecta và có ứng dụng công nghệ cảm biến đo nước nhiễm mặn phù hợp với khu vực Tây Nam Bộ.
Dù các dự án này chưa thành mô hình tiêu biểu, trang trại… như kỳ vọng ban đầu nhưng là tiền đề hình thành một mô hình mới với quy mô và cách thức phù hợp, đầy đủ hơn. Vẫn mục tiêu hướng về nông nghiệp nhưng “dân công nghệ” lần này đã có cách tiếp cận phù hợp hơn với mô hình “Làng thông minh” dự kiến triển khai trong năm 2021.
“Làng thông minh” giữa đô thị
Mô hình “làng thông minh” là mô phỏng đời sống làng quê kết hợp với sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Dự án có các sản phẩm đã triển khai thành công tại QTSC như hệ thống thủy canh tự động, nhà xanh nhiệt đới tự động, máy theo dõi tưới tiêu tự động, nhà kính nấm tự động, hệ thống máy sấy vi sóng công nghiệp và một số sản phẩm đang thử nghiệm.
Ông Lâm Nguyễn Hải Long cho biết, đây là nhận thức mới về cách làm công nghệ trong nông nghiệp, tạo ra được mạng lưới người làm công nghệ nông nghiệp, chọn thị trường để tập trung cho sản phẩm, gần với thị trường và dễ thương mại hóa. “Làng thông minh” là sự nâng cấp hoàn chỉnh hơn, giúp nông dân ứng dụng dễ dàng và đi sâu vào từng sản phẩm cụ thể, phù hợp với từng vùng miền. Trước đây làm theo đam mê, giờ sẽ nghiên cứu theo đặt hàng.
“Làng thông minh” là dự án xây dựng mô hình thí điểm có diện tích khoảng 5.000 m2. Nếu nhà màng chỉ là biểu hiện của lĩnh vực trồng trọt, thì “Làng thông minh” sẽ có sự khác biệt, đó là nơi sinh sống và làm việc của người nông dân. Để hài hòa với cảnh quan và môi trường trong QTSC, các quy trình trồng trọt ở đây đều triển khai theo nguyên tắc hữu cơ (không sử dụng hóa chất). Những loại cây trồng trong khu này là những loại rau quả thông thường, hoa và một số loại cây đặc hữu. Hiện QTSC đã thực nghiệm được 8 -10 loại rau cho “Làng thông minh”.
Ông Lâm Nguyễn Hải Long khẳng định: Điểm nổi bật nhất của “Làng thông minh” phải là nơi đáng sống của người dân; nơi vừa sống và vừa làm việc tốt; thông qua nền tảng công nghệ để phát triển bền vững. Những chất thải ra từ sản xuất nông nghiệp, làng quê sẽ được công nghệ xử lý, tái tạo để tiếp tục phục vụ cho nông nghiệp.
Theo đó, các công nghệ cao sẽ được áp dụng tại “Làng thông minh” gồm công nghệ sinh học (giống cây trồng, cải tạo đất, xử lý nước tưới); công nghệ hữu cơ (làm giàu dinh dưỡng đất, diệt mầm bệnh, tăng sức đề kháng cho cây trồng); công nghệ nano (chăm sóc, cung cấp dưỡng chất và các vi lượng cho cây trồng bằng phương pháp phun hơi sương điều khiển bằng công nghệ số); công nghệ plasma lạnh (xử lý đất, nước và bảo quan sản phẩm sau thu hoạch).
Công nghệ IoT với các cảm biến (sensor, camera, RFID, GPS, QR code...) sẽ giúp đo trạng thái phát triển của cây trồng và môi trường sản xuất, các cơ chế giám sát, kiểm tra hệ thống tự động hóa tưới nước, trộn các hợp chất nano hữu cơ, phát hiện và xua đuổi côn trùng... Trong khi đó, công nghệ số và blockchain được áp dụng để truy xuất nguồn gốc hàng hóa, quản lý quy trình sản xuất và các chuỗi liên kết theo giá trị.
Để phục vụ mục tiêu xây dựng “Làng thông minh”, hiện Công viên phần mềm Quang Trung đã xây dựng được Khu Nghiên cứu và phát triển - QTSC R&D Labs gồm các phòng nghiên cứu với rất nhiều chuyên gia và doanh nghiệp khoa học công nghệ. Đây là lực lượng chủ lực, nghiên cứu chuyên sâu để tham gia dự án (hiện có khoảng 10 doanh nghiệp tham gia dự án "làng thông minh", toàn bộ là doanh nghiệp Việt Nam).
Là một trong những người cùng khởi xướng cho mô hình thực nghiệm tại QTSC, ông Trần Anh Tuấn, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Cổ phần công nghệ Sao Bắc Đẩu chia sẻ, nhờ có lực lượng làm công nghệ thông tin khá hùng hậu, QTSC có thể giải được các bài toán mà lâu nay ngành nông nghiệp chưa giải quyết được. Trước mắt, QTSC là nơi thử nghiệm các công nghệ quan trọng trước khi đưa “làng thông minh” vào thực tế. Mô hình thành công sẽ giúp cho triển vọng chuyển giao công nghệ về các địa phương.
Với những kết quả thực nghiệm tại QTSC trước đây, Công ty Cổ phần công nghệ Sao Bắc Đẩu đã kết hợp với một doanh nghiệp triển khai dự án trồng cà chua tại Đăk Lăk với nhiều triển vọng bước đầu. Tuy chưa phải mô hình “làng thông minh”, nhưng đây không chỉ đơn thuần là khu ứng dụng công nghệ thông tin vào nông nghiệp mà còn phục vụ phát triển du lịch.
Theo ông Trần Anh Tuấn, “Làng thông minh” sẽ kết hợp giữa nông nghiệp và du lịch, không chỉ tạo ra giá trị trên sản phẩm nông nghiệp mà còn tạo ra giá trị gia tăng trong liên kết với ngành khác, xét ở khía cạnh các sản phẩm nông nghiệp không thuần túy là nông nghiệp. Ví dụ tại Hà Lan, người nông dân trồng hoa, nhưng họ có thu nhập tới 40% từ du lịch. Mục tiêu hướng đến là tối đa hóa thu nhập cho người nông dân, cả về giá trị vật chất, tinh thần và môi trường.
Một dự án quy mô nhỏ nhưng ý tưởng lớn, “Làng thông minh” với 90% là công nghệ trong nước, xuất phát từ chính con người Việt Nam được “dân công nghệ” kỳ vọng rất nhiều. Hiện QTSC đang xây dựng phát triển chuỗi trong cả nước và có nhiều đối tác tại các địa phương, sẽ là nền tảng quan trọng giúp đưa những nghiên cứu, ứng dụng từ “Làng thông minh” về các địa phương.