Đưa công nghệ vào quản lý bến xe

Tại các địa phương, việc quản lý các bến xe bằng công nghệ lạc hậu, phụ thuộc nhiều vào con người, nhất là các khâu tra cứu thông tin, lịch trình tuyến chạy chủ yếu bằng các lệnh vận chuyển... đã gây ra tình trạng lộn xộn, thiếu tổ chức. Do đó, áp dụng công nghệ để thay đổi cung cách quản lý là yêu cầu cấp bách.

Khó quản lý luồng tuyến vận tải

Theo Phó Vụ trưởng Vụ Vận tải, Tổng cục Đường bộ Việt Nam (Bộ Giao thông Vận tải - GTVT) Đỗ Công Thủy, việc tra cứu thông tin và lịch trình, quản lý thời gian xuất phát cũng như thời gian đến giữa các bến của các tuyến xe tại hầu hết các bến xe trong cả nước hiện nay chủ yếu bằng các lệnh vận chuyển do con người thực hiện. Với cách này, tuy kiểm soát được hành trình xe, nhưng các thông tin chi tiết như: Xe xuất phát giờ nào, đúng lịch trình hay không, xe do lái xe nào lái... đều buộc phải mở lệnh vận chuyển mới vận hành được. Điểm bất cập của cách quản lý này là khi số lượng xe tăng lên, nhất là vào dịp lễ, Tết thì sẽ gây ra tình trạng ùn tắc ngay trong khu vực các bến xe.

Việc xuất bến các tuyến xe khách chạy cố định hiện rất lộn xộn.

Cả nước có 457 bến xe, trong đó, có 26 bến xe khách xếp loại một, 42 bến xe xếp loại hai, 58 bến xe loại ba, còn lại thuộc loại bốn, năm, sáu. Qua rà soát của Tổng cục Đường bộ Việt Nam, tại nhiều bến xe hiện nay, các loại hình dịch vụ phục vụ hành khách chưa đáp ứng yêu cầu, nhiều tuyến cố định chạy chồng chéo, việc kiểm tra niêm yết giá vé, kiểm soát quy trình xe ra vào bến, kiểm tra giấy tờ phương tiện, người lái, kiểm tra các tiêu chí chất lượng dịch vụ thiếu chặt chẽ... Thực tế này làm cho hoạt động ở các bến xe không chuyên nghiệp, chưa văn minh, lịch sự, còn gây tâm lý hoang mang cho hành khách và làm cho hoạt động giao thông chung quanh khu vực một số bến xe bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Do công tác quản lý lạc hậu, theo phản ánh của các doanh nghiệp vận tải xe khách, Sở GTVT và các cơ quan hữu quan địa phương không có thông tin đầy đủ về hoạt động của bến xe, mà phải đợi các bến báo cáo định kỳ, mất nhiều thời gian. Thêm vào đó, việc thống kê báo cáo bằng phương pháp thủ công, không tránh được sai sót, dẫn tới việc cơ quan quản lý không có các thống kê chính xác về hoạt động của bến xe, nên khó xây dựng và thực hiện được các quy hoạch luồng tuyến vận tải tại địa phương.

Công nghệ giúp kiểm tra, giám sát

Khắc phục những bất cập trên, Tổng cục Đường bộ Việt Nam đang triển khai thí điểm việc áp dụng công nghệ phần mềm điện tử vào quản lý hoạt động bến xe tại một số bến xe như: Trung tâm Đà Nẵng; Thượng Lý, Niệm Nghĩa, Lạc Long (Hải Phòng); Giáp Bát, Gia Lâm, Yên Nghĩa, Nước Ngầm (Hà Nội); Trung tâm TP Cần Thơ; Đắk Lắk, để rút kinh nghiệm trước khi áp dụng đại trà trên cả nước.

Ông Đỗ Công Thủy cho hay, khi đưa công nghệ phần mềm điện tử vào quản lý, thông tin hoạt động tại bến xe khách sẽ được cập nhật liên tục trong quá trình hoạt động tại bến xe và giữa các bến xe với cơ quan quản lý Nhà nước. Phần mềm sẽ tự động tổng hợp, phân tích, xử lý dữ liệu, thống kê báo cáo dữ liệu về hoạt động của từng bến cũng như toàn bộ các bến xe khách trong toàn quốc. Các Sở GTVT cập nhật vào hệ thống của Tổng cục Đường bộ đầy đủ dữ liệu về cơ sở hạ tầng bến xe trên địa bàn và giám sát quá trình hoạt động của bến.

“Các đơn vị kinh doanh bến xe sẽ phải cập nhật về máy chủ của Tổng cục Đường bộ Việt Nam lịch xe xuất bến của toàn bộ các tuyến; danh sách doanh nghiệp hoạt động trên từng tuyến tại bến; biển số xe của từng loại phương tiện; giá vé và mức chất lượng dịch vụ đã đăng ký. Cùng đó là phải cập nhật thông tin của toàn bộ các chuyến xe ra vào bến như: Biển số xe, lái phụ xe, tuyến đường chạy, số lượng hành khách xuất bến và phải truyền thông tin về các trường hợp vi phạm cũng như hình thức xử lý tại bến”, ông Thủy nói.

Ông Nguyễn Văn Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam đánh giá: Việc quản lý phương tiện vận tải bằng phần mềm sẽ giúp bến xe nắm được tần suất chạy xe, số hành khách, số lượng doanh nghiệp vận tải tham gia tuyến tự động. Bên cạnh đó, cũng giúp cơ quan quản lý chủ động, kịp thời đánh giá được lượng hành khách, luồng tuyến vận tải trong toàn quốc. “Cần sớm áp dụng rộng rãi công nghệ hiện đại vào quản lý kinh doanh vận tải, buộc các bến xe phải thực hiện. Không thể quản lý kiểu thủ công mãi được…”, ông Thanh khẳng định.

Ở góc độ quản lý, bà Phan Thị Thu Hiền, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho biết: Mục tiêu của việc triển khai áp dụng công nghệ điện tử vào quản lý hoạt động tại các bến xe, nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác quản lý điều hành của bến xe khách. Qua đó giúp công khai, minh bạch trong tổ chức hoạt động của bến xe khách, phục vụ tốt cho công tác kiểm tra hoạt động của bến xe; đồng thời tạo thuận lợi cho hành khách đi xe tra cứu, tìm hiểu các thông tin cần thiết mỗi khi có nhu cầu di chuyển bằng xe khách.
Bài và ảnh: Đăng Sơn
Bến xe hiện đại nhất Hải Phòng vắng như "chùa Bà Đanh"
Bến xe hiện đại nhất Hải Phòng vắng như "chùa Bà Đanh"

Thực hiện chủ trương về xã hội hóa đầu tư, khai thác các bến xe của Thủ tướng Chính phủ, UBND TP. Hải Phòng kêu gọi các nhà đầu tư xây dựng Bến xe khách Thượng Lý nhằm thay thế Bến xe Tam Bạc không còn phù hợp quy hoạch theo chủ trương của thành phố. Thế nhưng, sau hơn 1 năm đi vào hoạt động, bến xe hiện đại bậc nhất Hải Phòng này vẫn vắng như "chùa Bà Đanh", còn nhà đầu tư đang “chết dần” trước sự thờ ơ của các cơ quan quản lý.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN