Bến xe hiện đại nhất Hải Phòng vắng như "chùa Bà Đanh"

Thực hiện chủ trương về xã hội hóa đầu tư, khai thác các bến xe của Thủ tướng Chính phủ, UBND TP. Hải Phòng kêu gọi các nhà đầu tư xây dựng Bến xe khách Thượng Lý nhằm thay thế Bến xe Tam Bạc không còn phù hợp quy hoạch theo chủ trương của thành phố. Thế nhưng, sau hơn 1 năm đi vào hoạt động, bến xe hiện đại bậc nhất Hải Phòng này vẫn vắng như "chùa Bà Đanh", còn nhà đầu tư đang “chết dần” trước sự thờ ơ của các cơ quan quản lý.

Hưởng ứng đầu tư xã hội hóa

Năm 2011, UBND TP Hải Phòng có chủ trương di dời Bến xe Tam Bạc ở quận Hồng Bàng (xây dựng từ đầu những năm 1990) để triển khai thực hiện quy hoạch cho dải Trung tâm thành phố xanh - sạch - đẹp - văn minh - hiện đại, đáp ứng cho phát triển kinh doanh du lịch, giảm ùn tắc giao thông khu vực nội thành.

Bến xe khách Thượng Lý được đầu tư hiện đại, nhưng nay "vắng như chùa Bà Đanh".

Hưởng ứng kêu gọi đầu tư của UBND TP. Hải Phòng, Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Kim khí Hải Phòng (gọi tắt là Công ty Kim khí Hải Phòng) đã đầu tư hơn 50 tỷ đồng cho dự án xây dựng Bến xe khách Thượng Lý. Ngày 12/8, trao đổi với PV báo Tin Tức, ông Lưu Thành Đông - Tổng Giám đốc Công ty Kim khí Hải Phòng cho biết, năm 2013, công ty đã đề xuất phương án dùng toàn bộ diện tích kho bãi tổng kho của công ty để xây dựng Bến xe khách Thượng Lý theo hình thức xã hội hóa và được thành phố chấp thuận. Kinh phí xây dựng được hình thành từ 60% vốn vay, 40% vốn đối ứng của doanh nghiệp.

Đầu năm 2014, UBND TP Hải Phòng đã có Quyết định số 332, về việc phê duyệt quy hoạch chi tiết tổng thể mặt bằng tỷ lệ 1/500 Bến xe khách liên tỉnh Thượng Lý và được cấp Giấy chứng nhận đầu tư xây dựng Bến xe Thượng Lý để thay thế Bến xe Tam Bạc. Sau hơn 1 năm xây dựng, ngày 7/5/2015, bến xe được khánh thành, đạt tiêu chuẩn bến xe loại II cấp quốc gia, có quy mô rộng gấp 4 lần Bến xe Tam Bạc, trang thiết bị hiện đại, đạt tiêu chuẩn Bến xe loại 2 cấp quốc gia. Bến xe khách Thượng Lý khang trang, hiện đại vào bậc nhất Hải Phòng, đạt tiêu chuẩn bến xe loại 2 cấp quốc gia và được công bố đưa vào khai thác. Bến xe Thượng Lý có tổng diện tích 11.600 m2, đảm bảo cho 300 lượt xe ra vào mỗi ngày và lưu lượng hành khách từ 1.500 - 2.000 lượt người. Bến xe này cách Bến xe khách Tam Bạc

2 km, được gắn biển Công trình chào mừng kỷ niệm 60 năm Ngày giải phóng Hải Phòng, Đại hội thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ IX.

Ngày 13/5/2015, Sở GTVT TP Hải Phòng có Báo cáo số 48/BC - SGTVT gửi UBND TP. Hải Phòng về phương án đóng cửa Bến xe Tam Bạc và điều chuyển hoạt động các tuyến vận tải về Bến xe khách Thượng Lý. Theo đó, toàn bộ 106 chuyến xe/ngày của 63 phương tiện chạy tuyến Tam Bạc - Hà Nội sẽ được chuyển về Bến xe khách Thượng Lý.

Để thực hiện công tác quản lý, quy hoạch chuyến, bến này, ngày 19/5/2015, UBND TP Hải Phòng đã có Công văn số 664 về việc đóng cửa Bến xe Tam Bạc và điều chuyển hoạt động các tuyến vận tải khách tại Bến xe Tam Bạc, đến hoạt động tại Bến xe Thượng Lý.

Đây được xem như "lời hứa" về sự thành công cho một dự án đầu tư xã hội hóa lớn. Bến Thượng Lý tưởng như nghiễm nhiên được lấp đầy xe của các doanh nghiệp vận tải theo cách giản đơn, bỏ Tam Bạc thì buộc phải về Thượng Lý. Công ty Kim khí và ban quản lý bến xe Thượng Lý tiếp nhận 100% CBCNV làm việc tại Bến xe Tam Bạc về làm việc tại Bến xe Thượng Lý theo yêu cầu của UBND TP và Sở GTVT Hải Phòng.

Ngày 21/5/2015, Sở GTVT TP Hải Phòng tiếp tục có Thông báo số 347/TB - SGTVT yêu cầu các đơn vị vận tải thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của UBND TP Hải Phòng, “chấp hành nghiêm phương án điều chuyển hoạt động các tuyến vận tải".

“Đem con bỏ chợ”?

Tuy nhiên, điều bất ngờ là, trước kiến nghị của các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ xe khách tại Bến xe Tam Bạc (chạy tuyến Tam Bạc - Hà Nội), ngày 5/6/2015, Sở GTVT Hải Phòng lại ban hành Công văn số 955, với nội dung cho phép các doanh nghiệp hoạt động vận tải tại Bến xe Tam Bạc tuyến Hải Phòng - Hà Nội được chọn bến: “Ngày 4/6/2015, tập thể UBND Thành phố họp với các ngành, đơn vị liên quan và kết luận cho phép các doanh nghiệp hoạt động vận tải tại Bến xe Tam Bạc tuyến Hải Phòng - Hà Nội được lựa chọn các bến xe của Công ty TNHH MTV Bến xe Hải Phòng và Bến xe khách Thượng Lý của Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Kim khí Hải Phòng. Thời gian thực hiện tạm thời đến 31/12/2015, sau đó sẽ nghiên cứu sắp xếp lại cho phù hợp với điều kiện thực tế”.

Bến xe Niệm Nghĩa có nguy cơ quá tải và xảy ra tình trạng cạnh tranh không lành mạnh vì số lượng, tần suất sẽ tăng gấp đôi khi các doanh nghiệp ở Bến Tam Bạc chuyển đến.

Từ công văn kể trên, hàng loạt doanh nghiệp hoạt động xe khách tại Bến xe Tam Bạc chuyển sang đăng ký hoạt động tại Bến xe Niệm Nghĩa, nằm trong khu vực trung tâm thành phố. Trên thực tế, Công ty TNHH MTV Bến xe Hải Phòng chính là doanh nghiệp quản lý và vận hành cả Bến xe Tam Bạc trước đây và nay có bến xe Niệm Nghĩa, bến xe Cầu Rào, bến xe Vĩnh Bảo. Được Sở GTVT Hải Phòng “thả cửa” các doanh nghiệp vận tải lựa chọn bến cũ để tăng chuyến.

Việc đưa thêm các chuyến xe từ Tam Bạc về Niệm Nghĩa sẽ nâng tổng số xe đi Hà Nội ở đây lên tới 207 chuyến/ngày, tăng lưu lượng lên 4,6 phút/chuyến và tỷ lệ chuyến trùng hơn 95%, gây ùn tắc nghiêm trọng trong nội thành Hải Phòng. Và đương nhiên, Bến xe Thượng Lý chịu hậu quả là “vắng như chùa bà Đanh”, “thoi thóp” vì thu không đủ chi. Sau hơn 1 năm đưa vào hoạt động, bến xe Thượng Lý vẫn vắng tanh. Một số nhân viên được tuyển dụng vào làm việc ngồi buồn rầu tại phòng chờ rộng 540 m2, bố trí 120 ghế. Cán bộ nhân viên phòng an ninh, bảo vệ ngồi chơi, xơi nước. “Chưa tính tiền lãi ngân hàng, tiền thuê đất, mỗi tháng doanh nghiệp bỏ ra 300 triệu đồng để trả lương, đóng các loại bảo hiểm cho gần 100 cán bộ, công nhân viên làm việc tại bến xe. Nếu trì hoãn thời gian đưa xe vào bến, doanh nghiệp cầm chắc nguy cơ phá sản” - ông Đông than thở.

Từ một doanh nghiệp sốt sắng với chủ trương xã hội hóa đầu tư, khai thác các bến xe, Công ty Kim khí Hải Phòng trở thành một đơn vị phải liên tục “gióng trống kêu oan”. Từ tháng 5/2015 đến nay, doanh nghiệp này đã có nhiều đơn thư gửi tới Thành ủy, UBND TP Hải Phòng và các cơ quan chức năng đề nghị xem lại Văn bản số 955/SGTVT - VT tuy nhiên vẫn chưa được giải quyết thỏa đáng.

Văn bản số 955/SGTVT - VT đã gây thiệt hại nghiêm trọng cho hoạt động kinh doanh của Bến xe khách Thượng Lý. Mục tiêu giảm tải giao thông nội đô của thành phố chưa thực hiện được trong khi thấy rõ ràng sự lãng phí về đầu tư vô cùng lớn cho doanh nghiệp và xã hội. Tiếp tục một công trình chào mừng không hoạt động nổi. Doanh nghiệp ngỡ ngàng, giảm niềm tin về chủ trương khuyến khích đầu tư xã hội hóa của Nhà nước, nhân dân xót xa trước những công trình bỏ phí.

Việc UBND TP đã chấp thuận đề xuất của Sở GTVT, cho phép doanh nghiệp được tự do lựa chọn bến thay thế chứ không yêu cầu phải về bến Thượng Lý như trước nữa đã thay đổi khiến chủ bến mới Thượng Lý gặp khó, bởi từ khi khánh thành (ngày 13/5), đến nay sau hơn 1 năm đi vào hoạt động, Bến xe Thượng Lý mới chỉ có 60 chuyến/ngày (40 chuyến của hãng Hải Âu đi Hà Nội và 20 chuyến đi Quảng Ninh).

Trong khi đó, trao đổi với PV báo Tin Tức về vấn đề này, ông Ngô Hồng Quang, Trưởng phòng Quản lý vận tải - Sở GTVT Hải Phòng cho biết, về cơ bản, mọi vướng mắc bây giờ đã tạm ổn. Đồng thời, sẽ tiếp tục vận động các doanh nghiệp khác về đăng ký hoạt động tại Bến xe Thượng Lý để sớm ổn định tình hình. “Không có gì khuất tất ở đây, Sở đang tập trung cao chỉ đạo các doanh nghiệp và Bến xe Thượng Lý cũng phải vận động để các doanh nghiệp về hoạt động tại Bến xe Thượng Lý”, ông Quang khẳng định.

Trong bối cảnh Thượng Lý còn chưa tìm ra hướng giải quyết, theo tìm hiểu của phóng viên, mới đây Thành phố lại tiếp tục phê duyệt cấp 6,5 ha đất cho Công ty TNHH MTV Bến xe Hải Phòng để xây bến xe khách tại đường Phạm Văn Đồng, quận Dương Kinh, cách trung tâm Thành phố hơn 10 km, đồng thời phê duyệt cho Công ty Bus Hải Âu xây dựng bến xe mới với diện tích 2 ha. Nếu 2 bến xe này được đầu tư xây dựng và đi vào hoạt động, rất có thể dẫn đến tình trạng khủng hoảng thừa bến xe và gây lãng phí lớn. Trong khi đó, Bến xe khách liên tỉnh Thượng Lý đã được xây dựng, địa điểm thuận lợi thì đang trong tình trạng “dở khóc, dở cười”.



PV
Điều chỉnh luồng tuyến khi bến xe Lương Yên ngừng hoạt động
Điều chỉnh luồng tuyến khi bến xe Lương Yên ngừng hoạt động

Tại buổi giao ban báo chí Thành ủy Hà Nội chiều 26/7, ông Vũ Văn Viện, giám đốc Sở Giao thông Vận tải (GTVT) Hà Nội cho biết, để đảm bảo cho người dân đi lại khi bến xe Lương Yên ngừng hoạt động từ ngày 27/7, Sở đã bố trí các tuyến xe buýt kết nối từ Lương Yên kết nối tới các bến xe Gia Lâm, Nước Ngầm, Yên Nghĩa.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN