Tuy nhiên, thị trường khoa học và công nghệ chưa phát triển như kỳ vọng, chưa thực sự khuyến khích tổ chức nghiên cứu, nhà khoa học chuyển giao, thương mại hóa kết quả nghiên cứu, tài sản trí tuệ... Vì vậy, Chiến lược phát triển thị trường khoa học và công nghệ giai đoạn 2021-2030 được Bộ Khoa học và Công nghệ xác định tập trung thúc đẩy phát triển nguồn cung và cầu liên thông, tiến tới đồng bộ hóa thị trường khoa học và công nghệ với các thị trường hàng hóa, lao động và tài chính.
Đồng bộ hóa thị trường khoa học và công nghệ với các thị trường
Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Trần Văn Tùng cho biết: Hiện tại cả nước có hơn 800 tổ chức trung gian của thị trường khoa học và công nghệ, trong đó, số lượng các sàn giao dịch công nghệ cũng có sự phát triển mạnh mẽ, nếu như trước năm 2015 chỉ có 8 sàn giao dịch công nghệ thì giai đoạn 2015-2020 đã hình thành được 20 sàn giao dịch công nghệ địa phương, 1 sàn giao dịch vùng Duyên hải Bắc bộ, 1 sàn giao dịch vùng đồng bằng sông Cửu Long đang trong giai đoạn thành lập. Cùng với việc phát triển các tổ chức trung gian truyền thống, các tổ chức kiểu mới cũng phát triển mạnh mẽ với 69 cơ sở ươm tạo, 28 chương trình thúc đẩy kinh doanh, loại hình không gian làm việc chung có 186 khu, đặc biệt nhiều không gian làm việc chung tại các khu công nghệ cao đã phát huy hiệu quả...
Thứ trưởng Trần Văn Tùng nhấn mạnh: Thời gian qua thị trường khoa học và công nghệ đã phát triển nhưng chưa phát triển như kỳ vọng, thông qua các hoạt động xúc tiến thương mại chuyên ngành, xây dựng các điểm kết nối cung – cầu công nghệ, chợ công nghệ và thiết bị... đã góp phần đẩy mạnh hoạt động thương mại hóa kết quả nghiên cứu từ khu vực viện, trường... và xu hướng này đang có chuyển biến tích cực.
Nhiều kết quả nghiên cứu đã được chuyển giao cho doanh nghiệp với doanh thu lên tới hàng chục thậm chí hàng trăm tỷ đồng. Điển hình, giai đoạn 2009-2019, Trường Đại học Bách khoa Thành phố Hồ Chí Minh có doanh thu từ hoạt động chuyển giao công nghệ đạt khoảng 1.300 tỷ đồng. Giai đoạn 5 năm (2016-2020), Bộ Khoa học và Công nghệ đã triển khai thực hiện Chương trình phát triển thị trường khoa học và công nghệ đến năm 2020 (Chương trình 2075) đã phê duyệt 63 nhiệm vụ/500 đề xuất đăng ký với tổng kinh phí 340 tỷ đồng, trong đó có 194 tỷ đồng từ ngân sách nhà nước (chiếm khoảng 55%), còn lại khoảng 45% kinh phí đối ứng từ các doanh nghiệp tham gia thực hiện nhiệm vụ.
Tại tọa đàm về “Định hướng phát triển thị trường khoa học và công nghệ giai đoạn 2021-2030” mới diễn ra, Bộ Khoa học và Công nghệ đã đề ra phương hướng, nhiệm vụ và giải pháp phát triển thị trường khoa học và công nghệ giai đoạn 2021-2030. Theo đó, Bộ tập trung hoàn thiện môi trường pháp lý, đẩy mạnh nghiên cứu cơ sở khoa học và thực tiễn cho phát triển thị trường khoa học và công nghệ; Phát triển các tổ chức trung gian của thị trường khoa học và công nghệ; Thúc đẩy phát triển nguồn cầu của thị trường khoa học và công nghệ, nâng cao năng lực hấp thụ, làm chủ và đổi mới công nghệ của doanh nghiệp; Thúc đẩy phát triển nguồn cung của thị trường khoa học và công nghệ; Tăng cường hoạt động xúc tiến thị trường khoa học và công nghệ; Phát triển hạ tầng quốc gia của thị trường khoa học và công nghệ; Từng bước liên thông, tiến tới đồng bộ hóa thị trường khoa học và công nghệ với các thị trường hàng hóa, lao động và tài chính...
Tốc độ tăng trưởng cao
Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Trần Văn Tùng cho biết: Tại hội thảo “Tổng kết 10 năm phát triển thị trường khoa học và công nghệ giai đoạn 2011-2020” mới diễn ra cho thấy, thị trường khoa học và công nghệ đã đạt được nhiều kết quả rất đáng khích lệ. Tốc độ gia tăng giá trị giao dịch công nghệ bình quân giai đoạn 2011-2020 là 22% mỗi năm. Trong đó, một số ngành tăng trưởng cao như: Điện, điện tử máy tính ở mức tăng trưởng 46%; ngành chế biến gỗ, giấy tăng trưởng 29%, ngành chế biến thực phẩm tăng trưởng 28%... Mức tăng trưởng này chưa phản ánh được hết tiềm năng phát triển của thị trường khoa học và công nghệ khi thương mại hóa các kết quả nghiên cứu từ các trường đại học, các viện nghiên cứu vẫn còn thiếu hiệu quả, chưa nhận được sự quan tâm "thích đáng" từ các bên liên quan. Các trường đại học tại Việt Nam vẫn tập trung và coi mục tiêu sống còn là thực hiện nhiệm vụ đào tạo chứ chưa thúc đẩy việc chuyển giao và thương mại hóa kết quả nghiên cứu nên hoạt động nghiên cứu khoa học mới chỉ chiếm 5%-10% số đề tài nghiên cứu được ứng dụng vào sản xuất và kinh doanh. Trong khi đó, tại các trường đại học trên thế giới và khu vực, hoạt động nghiên cứu là kim chỉ nam cho các hoạt động đào tạo và thúc đẩy phát triển kinh tế.
Bên cạnh đó, năng lực đổi mới sáng tạo của các doanh nghiệp còn thấp, môi trường kết nối giữa trường đại học và các doanh nghiệp còn kém nên việc thương mại hóa kết quả nghiên cứu không được như kỳ vọng, ngoài ra các quy định phân chia lợi nhuận trong các hoạt động chuyển giao khoa học và công nghệ còn nhiều "vướng mắc" cần được tháo gỡ. Ngoài ra, các trường đại học, cơ sở nghiên cứu cần xây dựng các trung tâm, tổ chức trung gian về khoa học và công nghệ trong các trường đại học, cơ sở nghiên cứu để đẩy mạnh hoạt động hợp tác giữa nhà trường - nhà quản lý - doanh nghiệp để thúc đẩy giá trị thương mại hóa sản phẩm khoa học và công nghệ.
Thứ trưởng Trần Văn Tùng nhấn mạnh: Chiến lược phát triển thị trường khoa học và công nghệ giai đoạn 2021-2030, định hướng của Bộ Khoa học và Công nghệ sẽ ưu tiên ủng hộ các đề tài xuất phát từ nhu cầu của doanh nghiệp và xã hội, làm sao để các giao dịch mua bán công nghệ trên các thị trường khoa học và công nghệ phải sôi động, đưa lên sàn chứng khoán, mua bán ở các sàn giao dịch công nghệ… nhằm tác động mạnh mẽ đến hoạt động của doanh nghiệp để tạo ra giá trị thực sự.