Theo báo cáo nghiên cứu đăng trên Trends in Cognitive Sciences ngày 21/7, sự chú ý của não người không diễn ra liên tục như một dòng chảy, mà vận hành theo những nhịp ngắn lặp lại đều đặn.
Mặc dù mắt và não bộ có vẻ như đang tiếp nhận thế giới một cách liền mạch, nhưng kết quả nghiên cứu lại cho thấy điều ngược lại: sự chú ý diễn ra theo từng đợt, giống như một chiếc đèn nhấp nháy – liên tục bật tắt theo chu kỳ nhất định.
Khi chúng ta lướt điện thoại hoặc chuyển đổi giữa các công việc, não không xử lý tất cả thông tin cùng lúc. Thay vào đó, não chỉ ghi nhận từng "khoảnh khắc" rời rạc, tương tự như việc xem trình chiếu ảnh thay vì một bộ phim liên tục. Cơ chế này, được gọi là “lấy mẫu chú ý” (attentional sampling), giúp bộ não thích ứng hiệu quả với dòng thông tin dồn dập từ môi trường xung quanh.
Kết quả nghiên cứu chỉ ra rằng não người tập trung vào hình ảnh khoảng 8 lần mỗi giây. Khi phải chú ý đồng thời tới hai đối tượng, não sẽ luân phiên chuyển đổi giữa chúng với tần suất khoảng 4 lần/giây. Điều đáng ngạc nhiên là sự chú ý liên tục thay đổi ngay cả khi chúng ta cảm giác mình đang tập trung cao độ.
Cách thức “tập trung nhấp nháy” này được cho là giúp não bộ điều phối hiệu quả các tín hiệu thị giác cạnh tranh, bằng cách luân chuyển sự chú ý một cách nhanh chóng và vô thức giữa chúng. Phát hiện này được xây dựng dựa trên giả thuyết “cạnh tranh thiên lệch”, cho rằng các vùng khác nhau trong hệ thống thị giác sẽ cạnh tranh với nhau để xử lý thông tin.
Hiện tại, các nhà khoa học vẫn chưa rõ yếu tố nào điều khiển nhịp điệu chú ý này. Một số cho rằng các vùng não cấp cao đóng vai trò chỉ huy, trong khi những người khác nghiêng về giả thuyết liên quan đến các mạch não cục bộ.
Theo nhóm nghiên cứu, cơ chế này không chỉ áp dụng cho thị giác, mà còn cho tất cả các giác quan. Phát hiện này có thể tạo ra ảnh hưởng sâu rộng đến thiết kế giao diện cho người dùng, phương pháp giáo dục và điều trị các rối loạn thần kinh.